Cần có đạo luật về xử lý nợ xấu chung cho nền kinh tế

THY HẰNG 04/04/2022 19:00

Theo đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh cần có đạo luật liên quan đến xử lý nợ xấu chung của nền kinh tế, chứ không phải chỉ riêng ngân hàng.

>>>Chính phủ quyết liệt thúc đẩy phục hồi kinh tế nhanh và bền vững

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, trả lời câu hỏi về mục tiêu tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng, vấn đề xử lý nợ xấu theo Nghị quyết của Quốc hội như thế nào? Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm được đặt ra từ đầu năm.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Cuối quý 1, con số tăng tích cực, đến nay đã tăng 5,04%, hơn 2,3 lần so với năm 2021. “Con số này chứng tỏ nền kinh tế đang phát triển theo chiều hướng tích cực, cũng như chứng tỏ các biện pháp chống dịch rất hiệu quả, đời sống sản xuất kinh doanh đã quay trở lại”, Phó Thống đốc NHNN cho biết.

Về xử lý nợ xấu, theo ông Đào Minh Tú, Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội ra đời có tác dụng rất tích cực, xử lý được 380.000 tỷ đồng, qua đó tái tạo đầu tư cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, việc xử lý các tài sản “đóng băng” cũng rất tích cực.

Về lâu dài, Phó Thống đốc cho biết, cần có đạo luật liên quan đến xử lý nợ xấu chung của nền kinh tế, chứ không phải chỉ riêng ngân hàng. Theo ông Tú, NHNN đã báo cáo, nghiên cứu về đạo luật này nhưng cần có thời gian.

Trong khi đó, nếu không kéo dài Nghị quyết 42, việc xử lý một số khoản nợ xấu sẽ gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, NHNN đã trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép kéo dài Nghị quyết 42.

Được biết, mới đây, Chính phủ đã thông qua đề xuất của NHNN về xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội gia hạn Nghị quyết 42/2017/QH14 thí điểm xử lý nợ xấu.

>>>Thủ tướng: Quyết liệt tháo gỡ vướng mắc về thể chế đầu tư công

>>>Hai bước luật hóa xử lý nợ xấu

Trên thực tế, mặc dù ghi nhận Nghị quyết 42 đã góp phần phá tan “cục máu đông” nợ xấu của nền kinh tế, nhưng giới chuyên gia cũng thẳng thắn cho rằng, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 42 vẫn còn phát sinh nhiều khó khăn và vướng mắc trong: Thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ), quy định xử lý đối với từng loại TSBĐ (động sản và bất động sản), các tài sản đặc thù, những trường hợp đặc biệt; việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán từ tiền bán/phát mại TSBĐ; nhận lại TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự; nguyên tắc áp dụng pháp luật về xử lý nợ xấu, xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu…

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022 được tổ chức chiều ngày 4/4.

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022 được tổ chức chiều ngày 4/4.

"Áp lực nợ xấu đang ngày một hiện hữu, việc gia hạn Nghị quyết 42 và tiến tới là luật hóa Nghị quyết 42 là những bước đi cần thiết", TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng nói.

Theo ông Cấn Văn Lực, các giải pháp mạnh mẽ để xử lý triệt để nợ xấu, đặc biệt các giải pháp liên quan đến khung pháp lý, cần phải được đặc biệt chú trọng trong năm 2022 nhằm tháo gỡ rủi ro tiềm tàng cho nền kinh tế.

Đồng quan điểm, ông Phan Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc - Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiến nghị nghiên cứu, luật hóa Nghị quyết 42 để ban hành Luật Xử lý nợ xấu trong giai đoạn hiện nay.

Trước tiên là giải quyết xung đột pháp luật; bổ sung cơ chế, chính sách pháp luật cần thiết. Đồng thời, cần đồng bộ hệ thống luật và các văn bản dưới luật về xử lý nợ xấu, nhằm giải quyết các vướng mắc phát sinh.

Có thể bạn quan tâm

  • Hai bước luật hóa xử lý nợ xấu

    16:00, 03/04/2022

  • Giải pháp xử lý nợ xấu hậu COVID-19

    05:30, 29/03/2022

  • Cần kéo dài chính sách xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42

    03:00, 22/03/2022

  • “Ế ẩm” nợ xấu

    04:00, 18/03/2022

  • Cập nhật nợ xấu kéo theo khiến công ty tài chính phải tăng trích lập dự phòng rủi ro

    05:00, 10/03/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần có đạo luật về xử lý nợ xấu chung cho nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO