Sáng 29/8, UBKT Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 11 về Thẩm tra dự án Luật Đầu tư theo phương thức PPP; Thẩm tra dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); Thẩm tra dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ 2 phương án với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Đó là hình thành Quỹ phát triển dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với các chức năng bố trí vốn Nhà nước và cấp bảo lãnh, hoặc hình thành dòng ngân sách riêng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn (tương tự dòng riêng cho Ngân hàng Chính sách xã hội).
Theo Báo cáo của Chính phủ, thông qua mô hình đầu tư theo phương thức đối tác công tư, cả nước đã huy động được khoảng 1.609.295 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư tư nhân để giải quyết nhu cầu cấp bách về đầu tư hạ tầng. Các đại biểu tán thành việc xây dựng Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư là cần thiết nhằm tăng khả năng đầu tư các công trình, dịch vụ công cơ chế công. Tuy nhiên, đa số ý kiến cho rằng tính công khai, minh bạch của các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư là yêu cầu đầu tiên.
Có thể bạn quan tâm
03:06, 25/08/2019
23:25, 20/08/2019
05:00, 12/08/2019
Đặc biệt, đối tượng sử dụng dịch vụ là người dân và doanh nghiệp cần được tham vấn và giải trình các giai đoạn triển khai dự án, trên nguyên tắc bảo đảm lợi ích hài hòa giữa nhà nước, chủ đầu tư... Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã có quy định về công khai thông tin tại Điều 11, nhưng cần có quy định chặt chẽ hơn.
Một trong những "nút thắt" quan trọng mà trước đây còn tồn tại trong các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư là việc lựa chọn nhà thầu đều theo hình thức chỉ định. Trong tương lai, việc này cần được thực hiện minh bạch, chặt chẽ hơn nhằm lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, giải quyết căn cơ vấn đề nhằm đảm bảo hài hòa mối quan hệ công tư, tránh tạo ra kẽ hở về mặt pháp luật, gây khó khăn trong việc thực hiện.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng nội dung chính cần quan tâm trong dự án Luật này chính là việc Nhà nước ký hợp đồng với doanh nghiệp tư nhân. Có 7 loại hợp đồng khác nhau quy định tiêu chí xét chọn nhà đầu tư ở các lĩnh vực. Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, dự án Luật cần bổ sung những quy định lựa chọn nhà đầu tư phải kỹ càng, chứ không thể thiết kế hồ sơ mời thầu chung chung như trước.
Chuyên gia kinh tế độc lập Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh người dân và doanh nghiệp cần hiểu rõ bản chất trong mối quan hệ đối tác công tư. Các dự án, dịch vụ công đáng ra Nhà nước phải đầu tư, hiện trong điều kiện hiện nay, nguồn vốn có hạn nên cần phải huy động sự đầu tư của tư nhân làm nhưng phải tuân theo quy định nhà nước theo mục tiêu là cung cấp sản phẩm và dịch vụ công. "Tư nhân không được phép cung cấp dịch vụ công. Việc đầu tư theo phương thức đối tác công nhằm tạo ra những sản phẩm và dịch vụ tốt hơn, đó là mục đích của việc ban hành luật," ông Phúc nhấn mạnh.
Các ý kiến cho rằng, trong điều kiện ngân sách và khả năng cân đối nguồn lực bố trí cho đầu tư còn khó khăn, việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thu hút sự tham gia đầu tư từ khu vực tư nhân, đối tác nước ngoài tham gia hình thức đối tác công tư rất cần thiết, góp phần làm giảm áp lực đối với ngân sách nhà nước. Tuy nhiên Chính phủ cần sớm hoàn thiện thể chế, chính sách để thực hiện và đảm bảo cơ chế quản lý đối với các dự án đầu tư theo hình thức này nhằm thu hút các nhà đầu tư có năng lực tốt.