Đề nghị cần đánh giá đúng thực chất biểu đồ tăng trưởng của đất nước, không phải tăng trưởng giảm đột ngột từ 8,2 xuống 3,3%, mà từ cuối quý III, quý IV/2022 đã có xu hướng giảm.
>>Thúc tăng trưởng kinh tế: Cần sớm tháo gỡ điểm nghẽn thị trường bất động sản
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh tại phiên họp cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, ngày 9/5.
Cho ý kiến về báo cáo bổ sung kinh tế - xã hội năm 2022, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, báo cáo của Chính phủ có nhiều “màu hồng” trong khi đó phân tích về tồn tại, hạn chế, đặc biệt phân tích về nguyên nhân không rõ.
“Do đó, cần đánh giá đúng thực chất biểu đồ tăng trưởng của đất nước, không phải tăng trưởng giảm đột ngột từ 8,2 xuống 3,3%, mà từ cuối quý III, quý IV/2022 đã có xu hướng giảm, do vậy cần phân tích những tồn tại một cách khoa học, chặt chẽ và đầy đủ hơn”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị.
Cụ thể, về tình hình kinh tế - xã hội đầu năm 2023 báo cáo của Chính phủ nêu: “Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng những biện pháp tháo gỡ ban hành từ đầu năm đã tạo nhiều chuyển biến tích cực trong một số lĩnh vực, như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, đầu tư công và khơi thông điểm nghẽn dòng tiền trong nền kinh tế”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, qua làm việc với các chuyên gia, các nhà khoa học cho thấy dòng tiền vẫn còn điểm nghẽn, các chính sách mới ban hành chưa phát huy tác dụng. Nếu đánh giá lạc quan quá sẽ dẫn đến công tác điều hành gặp khó.
Báo cáo của Chính phủ cũng nêu: “Tình hình kinh tế xã hội tháng 4 tháng đạt nhiều kết quả tích cực”, Phó Chủ tịch Quốc hội băn khoăn “nhiều kết quả tích cực” đã sát với thực tế hay chưa? Bởi tăng trưởng thấp so với cùng kỳ. Chính phủ cũng nêu một số khó khăn, hạn chế nhưng không làm rõ tồn tại nội tại nền kinh tế, đặc biệt chưa phân tích rõ nguyên nhân của tình trạng này.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu những tồn tại, yếu kém nội tại của nền kinh tế đã bộc lộ rõ, như thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, sự yếu kém của ngân hàng chưa được xử lý dứt điểm, khả năng chống chịu thích ứng của nền kinh tế bởi tác động bên ngoài còn rất hạn chế… Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, một trong nguyên nhân đó là giải quyết các tồn tại chậm trong xử lý ngân hàng yếu kém, các dự án yếu kém, hiệu quả giải ngân đầu tư công…
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, công tác dự báo, tham mưu cũng còn bị động, phản ứng chính sách không kịp thời. Sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ đã thực chất đi vào cuộc sống hay chưa? Phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan trung ương trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở cơ sở đã đủ để khơi thông động lực tăng trưởng hay chưa?...
“Chính phủ cần tập trung phân tích cụ thể hơn vào những vấn đề bất cập, nhất là những yếu kém, tồn tại trong nội tại của nền kinh tế, năng lực điều hành quyết định những vấn đề trước các tình huống, các giai đoạn có tính chất đặc biệt quan trọng cần có linh hoạt, quyết đoán, mạnh mẽ hơn, không chỉ ở cấp Chính phủ mà còn ở các bộ, ngành và địa phương”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị.
>>Xuất khẩu giảm kéo tăng trưởng kinh tế
>>Tự chủ việc làm giải quyết tăng trưởng kinh tế
Thảo luận về vấn đề này, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đánh giá ba tháng đầu năm 2023 trong bối cảnh quốc tế khó lường và nhiều thách thức, chúng ta có tốc độ tăng trưởng không cao. Dự báo cho thấy tăng trưởng trong Quý II cũng gặp khó khăn, tính khả thi trong việc hoàn thành các mục tiêu đặt ra là không cao.
“Nhưng nhìn một cách khách quan lạm phát đang được kiểm soát ở mức phù hợp, dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới tiếp tục tăng cao, cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn với doanh nghiệp quốc tế”, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh bày tỏ.
Tuy nhiên, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh thẳng thắn, việc phục hồi phát triển kinh tế còn gặp nhiều khó khăn trong giải ngân, tiếp cận nguồn vốn, giải quyết vấn đề đất đai, thủ tục hành chính hiện nay còn rườm rà, công tác cải cách hành chính chưa hiệu quả, có tình trạng làm việc cầm chừng, sợ sai, sợ trách nhiệm, các doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất, lãi suất cao làm tăng chi phí sản xuất, giảm năng lực cạnh tranh. Với nhiều khó khăn như vậy, dự báo trong Quý II tới kinh tế nước ta sẽ còn gặp phải nhiều thách thức.
Từ đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị báo cáo Chính phủ bổ sung làm rõ một số nội dung, như cần có kịch bản phản ứng chính sách kịp thời để đáp ứng yêu cầu phức tạp khó lường của thực tiễn. Nâng cao vai trò của nhà nước trong dẫn dắt, hỗ trợ, làm bệ đỡ, giúp doanh nghiệp giải quyết các vấn đề khó khăn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn, tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
Cần tiếp tục quan tâm tháo gỡ những vướng mắc trong thị trường trái phiếu, thị trường bất động sản. Quan tâm hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật; đẩy mạnh phân cấp phân quyền. Khẩn trương ban hành văn bản quy phạm pháp luật để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Đẩy mạnh phân bổ giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Báo cáo trình Quốc hội cần nêu rõ cơ quan, đơn vị làm tốt, cơ quan, đơn vị làm chưa tốt để đảm bảo minh bạch, công khai.
Báo cáo của Chính phủ cần bổ sung thêm kết quả, giải pháp về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đây là nội dung quan trọng, được quan tâm, đầu tư bài bản, tuy nhiên chưa được thể hiện đậm nét trong báo cáo này.
Đối với việc học tập, nghiên cứu thông qua hình thức trực tuyến, cần có thời gian để đại diện địa phương phát biểu, tiếp thu, tránh trường hợp học trực tuyến một cách hình thức, không đảm bảo việc tiếp thu kiến thức khi tiến hành học tập theo hình thức này.
Về việc triển khai dự toán ngân sách nhà nước, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho biết tình trạng phổ biến ở nhiều địa phương là xây dựng dự toán không sát với thực tiễn, không đảm bảo kỷ cương ngân sách. Vì vậy, trong những năm tới cần có giải pháp triệt để, toàn diện để khắc phục tình trạng này.
Có thể bạn quan tâm
13:57, 21/04/2023
04:04, 15/04/2023
21:53, 13/04/2023