Luật Việt Nam hiện tại chưa quy định cụ thể quyền của chủ nhà được phép tấn công khi người khác xâm phạm gia cư bất hợp pháp.
Phiên xử ông Lê Minh Phương tại Hà Nội ngày 1/11 vừa qua về hành vi chém trọng thương kẻ trộm đột nhập trong đêm với kết quả bị cáo bị tuyên án 9 năm tù về tội giết người lại một lần nữa dấy lên những bức xúc và lo ngại trong dư luận.
Ngoài những tranh cãi về phán quyết của tòa, rất nhiều người còn hoang mang, đặt vào vị trí mình là chủ nhà và cảm thấy quá khó để tránh được tù tội. Dường như người dân lương thiện đang không được bảo vệ trong những tình huống như thế này. Bởi, luật Việt Nam hiện tại chưa quy định cụ thể quyền của chủ nhà được phép tấn công khi người khác xâm phạm gia cư bất hợp pháp. Kẻ trộm vào nhà dù với ý định cướp hay trộm cũng đều là vi phạm pháp luật, nhưng việc chống trả của gia chủ phải ở mức cần thiết thì mới được xem là phòng vệ chính đáng.
Điều 15 Bộ luật Hình sự quy định: “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên”.
Không có qui định chi tiết về ứng xử với trộm đột nhập, nên sẽ phải tùy tình huống diễn giải, và thông thường các quan tòa chỉ chấp nhận là phòng vệ chính đáng khi kẻ trộm tấn công trước, kẻ trộm đã đang lấy trộm tài sản giá trị, hoặc đang cầm vũ khí trên tay.
Có thể bạn quan tâm
03:30, 12/12/2017
01:10, 11/12/2017
Có vẻ như luật đã không trả lời được rất nhiều câu hỏi khó của thực tế cuộc sống: Nếu phát hiện trộm nhưng không tấn công, liệu con cái, cha mẹ già đang ngủ ở các phòng khác có được an toàn hay không?
Làm sao biết được bọn trộm chỉ đột nhập để lấy tài sản hay để sát hại?
Làm sao biết được chúng có ý định tấn công chủ nhà hay không?
Nếu trong nhà có rất nhiều người đủ khả năng chống trả và tài sản lại quá lớn, không lẽ vẫn không thể tấn công trấn áp? Cứ đợi bọn trộm lấy đi tài sản rồi mới bắt giữ có làm mất đi những cơ hội khống chế được chúng trước đó? Bọn trộm phần lớn đều mang vũ khí và ở thế chủ động, để chúng xuống tay trước khác gì chấp nhận chắc chắn thương tật hay thiệt mạng?
Truy bắt trộm được coi là phòng vệ chính đáng nhưng tấn công chúng thì không được, vậy không lẽ những tên trộm sẽ vui vẻ đứng yên cho người dân bắt?
Thế nên thực tế là câu trả lời. Với những tình huống không may khi phải đối mặt với bọn trộm, hoặc là người dân bị xử, tù treo tù ngồi đủ cả. Hoặc người dân thiệt hại và thiệt mạng. Đã có vô số vụ trộm sát thương, sát hại gia chủ, thậm chí sát hại cả nhà gia chủ xảy ra.
Gần đây, tối ngày 5/11, bà Nguyễn Thị Tân, một nhà giáo về hưu tại Phù Cừ, Hưng Yên cũng đã bị trộm dùng dao cứa cổ dẫn đến tử vong và hàng xóm của bà thì bị trọng thương khi chạy sang hỗ trợ.
Ở các nước khác, cũng giống như tại Việt Nam, cảnh sát và các chuyên gia khuyên người dân không nên tấn công khi trộm đột nhập, không nên cố gắng truy đuổi, và tốt nhất là cố thủ trong phòng, tìm cách bí mật báo công an.
Đó là những nguyên tắc để giữ an toàn cho bản thân và gia đình. Nhưng, một vấn đề rất quan trọng là không thể chắc chắn bọn trộm có ra tay với chủ nhà hay không.
Chính vì vậy, dù khuyến nghị những cách thức đối phó với bọn trộm như trên, luật pháp của rất nhiều nước trên thế giới mặc nhiên qui định hành động tấn công bọn trộm đột nhập vào nhà là hành động phòng vệ chính đáng, để bảo vệ người dân lương thiện. Chỉ cần kẻ trộm đột nhập vào nhà, người dân mặc nhiên được coi là phòng vệ chính đáng, và có quyền tấn công.
Luật của Anh, Mỹ, Canada, Đức, Ý, Thụy Điển, Singapore,… vô số các nước đã qui định như vậy, và hầu như không có án tù đối với khung hình phạt phòng vệ chính đáng. Đồng thời, tùy ở mỗi quốc gia, người ta sẽ có những qui định bổ sung, những chi tiết khác nhau về mức độ của hành động tấn công.
Chẳng hạn có vài trường hợp hành vi phòng thủ vượt quá giới hạn cho phép có thể trở thành phòng thủ phạm pháp, như trường hợp người đột nhập không hiểu rõ được sự nghiêm trọng của hành vi, hay người chủ nhà tấn công bằng biện pháp quá mạnh và vượt quá mối đe dọa. Hoặc đơn giản như khi kẻ đột nhập đã không còn khả năng chống cự, nếu chủ nhà vẫn tiếp tục tấn công và gây thương tích nặng nề hoặc tử vong, điều này sẽ bị đánh giá là vi phạm luật tự vệ.
Bản chất vấn đề ở đây là, trong quan điểm xây dựng luật của các nước, quyền lợi và sinh mạng của người dân lương thiện sẽ được đặt cao hơn quyền và sinh mạng của bọn trộm. Luật dù không coi nhẹ sinh mạng bất kì ai - kể cả những thành phần bất hảo, trộm cướp, nhưng sẽ đặt ưu tiên cho người dân khi phải đứng trước lựa chọn sống còn.
Thiết nghĩ, luật Việt Nam cũng cần cải tiến như vậy. Bộ luật hình sự mới (2015) đã điều chỉnh theo hướng phạt nhẹ hơn đối với những hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội.
Theo điều 136, tội vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm; phạm tội dẫn đến chết người bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm, mức phạt đã giảm khá nhiều so với bộ luật hình sự cũ (1999).
Chỉ còn yếu tố quan trọng nhất, ứng xử với trộm được coi là phòng vệ chính đáng, cần được qui định rõ trong luật. Với những gì đang xảy ra trong thực tế, việc chúng ta học hỏi và áp dụng qui định này của các nước phát triển là rất cần thiết để nâng cao tính công bằng và hiệu quả của pháp luật.
Với qui định này, chủ nhà sẽ được quyền lựa chọn phương án xử lý hợp lý nhất và an toàn nhất cho mình, dù tất nhiên vẫn phải chịu trách nhiệm nếu vượt quá phòng vệ chính đáng. Người dân sẽ không cảm thấy hoang mang khi lên phương án đối phó với trộm cướp đột nhập, và bọn trộm cũng sẽ phần nào chùn tay.
Nếu có qui định này, những vụ án như ông Lê Minh Phương sẽ không còn nhiều tranh cãi và sẽ được xử nhẹ hơn nhiều. Cũng sẽ không còn những vụ mà người dân tự tử vì uất ức do bị tuyên án tù như vụ hai cha con anh Trình ở Bến Tre bắt và trói trộm mấy năm trước đây…