Nghiên cứu - Trao đổi

Cần giải pháp “đe” đa cấp bất chính

Tuấn Vỹ thực hiện 20/11/2024 11:31

Trước những diễn biến phức tạp của đa cấp bất chính, cần có thêm nhiều giải pháp mạnh nhằm “đe” các doanh nghiệp có đã, đang và sắp hoạt động.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Luật sư Lê Cao – Luật sư điều hành Công ty Luật FDVN cho rằng để triệt tiêu các doanh nghiệp đa cấp bất chính thì việc cảnh giác của nhà đầu tư là yếu tố quan trọng hàng đầu.

lslecaoo.jpg
Luật sư Lê Cao – Luật sư điều hành Công ty Luật FDVN.

Thưa ông, thời gian qua đã nóng trở lại với tình trạng các doanh nghiệp đa cấp bất chính, vậy đâu là nguyên nhân để các doanh nghiệp như vậy vẫn tồn tại?

Hiện tượng huy động vốn theo hình thức đa cấp bất chính (kiểu nhận tiền của người sau trả lãi cho người trước) vốn manh nha từ khá lâu ở Việt Nam, hàng chục năm nay và đã có nhiều vụ việc đã bị phát hiện, nhiều nạn nhân đã mất tài sản nhưng hiện tượng này chưa dừng lại. Theo chúng tôi nguyên nhân có thể thường được nhìn thấy từ nhu cầu đầu tư kiếm tiền của nhiều người dân Việt Nam hiện nay luôn hiện hữu.

Ngoài tâm lý muốn kiếm tiền nhanh, việc lại nhẹ nhàng chỉ cần gửi tiền lấy lãi, mà lãi rất cao còn không phải làm gì, không phải suy nghĩ gì nhiều thì các chiêu thức kêu gọi vốn của các cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động có tính huy động vốn theo hình thức đa cấp này ngày càng tinh vi. Các chiêu thức mà hình thức gọi vốn theo kiểu đa cấp bất chính thường dùng như lập ra các công ty bình phong, có thể là doanh nghiệp bất động sản, công ty đầu tư tài chính, thậm chí là doanh nghiệp về đào tạo, giáo dục ngoại ngữ, kỹ năng để tạo dựng hình mẫu kinh doanh thành công và bắt đầu triển khai các hoạt động kêu gọi vốn.

Tiếp đến, trong những thời gian đầu doanh nghiệp chi trả lãi, trả gốc rất đều đặn, rất đúng hạn và sòng phẳng. Việc chi trả này ban đầu có thể dùng nguồn vốn tự có ban đầu làm “mồi nhữ”, dần dần phạm vi, quy mô huy động lớn lên và lượng người tham gia đông thì bắt đầu “cất lưới”.

Với vấn đề đa cấp tài chính bất chính, theo ông đâu là dấu hiệu nhận biết việc huy động vốn trái phép?

Trên thực tế kinh doanh mô hình đa cấp chỉ được phép đối với các hoạt động sản kinh doanh sản xuất phân phối các hàng hóa. Hoạt động liên quan đến đầu tư tài chính, dịch vụ không được phép theo mô hình mạng lưới, không có chuyện chi trả hoa hồng cho người kêu gọi. Còn nếu gửi tiền lấy lãi thì thuộc hình thức nhận tiền gửi chỉ có các tổ chức tín dụng được phép mới được làm.

1522f164002fbb71e23e.jpg
Vụ việc Công ty GFDI (tại Đà Nẵng) mời gọi đầu tư với “lãi khủng” gần 50%/năm, nợ 7.541 khách hàng với số tiền nợ gốc hơn 3.700 tỉ đồng và mất khả năng chi trả gây xôn xao dư luận.

Do đó, các doanh nghiệp bình thường khác không được phép nhận tiền gửi trả lãi, cho nên việc phát hiện ra sự trái phép trong cách kinh doanh kiểu huy động vốn trái phép rất dễ nhận biết. Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của hiện tượng lừa đảo là cài bẫy dễ dàng có lợi nhuận, dễ dàng kiếm được tiền. Cái gì thấy lợi nhuận nhanh, nhiều thì cần cẩn trọng thẩm định xem các doanh nghiệp huy động họ có hoạt động thật không, kinh doanh điều gì và có gì rủi ro sau đó.

Liệu có kẻ hở nào để các doanh nghiệp đa cấp tài chính bất chính “lách” qua, thưa ông?

Kinh doanh đa cấp hợp pháp theo quy định pháp luật thì được pháp, cần đảm bảo quy định của pháp luật và chỉ được phép kinh doanh mô hình đa cấp đối với việc cung ứng hàng hóa. Các dịch vụ liên quan đến tài chính, nhận tiền gửi lại liên quan đến hoạt động tín dụng và luật nghiêm cấm các hành vi kinh doanh khi không có giấy phép hợp pháp.

Các doanh nghiệp huy động vốn kiểu bất chính thường núp bóng ngành nghề khác rồi huy động vốn bằng hình thức vay tiền để che đậy bản chất của hoạt động mang tính đa cấp trái luật. Vay tiền bình thường không thể có lãi suất cao được, ngoài ra mức trần lãi suất theo Bộ luật dân sự 2015 chỉ ngường 20%/năm.

Do đó, để tăng niềm tin cho người nộp tiền thì họ vẽ vời rằng doanh nghiệp đầu tư làm ăn các lĩnh vực khác nhau tạo ra lợi nhuận, nhưng huy động hình thức lại hợp đồng vay. Khi cho vay mà không có tài sản đảm bảo, không có biện pháp gì để nắm đằng chuôi thì người dân tự thả tiền ra để đuổi rất may rủi.

Theo ông cơ quan chức năng cần có những động thái nào để ngăn chặn các doanh nghiệp vi phạm và làm thế nào để “đe” các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này?

Theo chúng tôi, hình phạt với các cá nhân vi phạm chỉ là khi việc đã rồi, muốn ngăn ngừa từ đầu để người dân không dính bẫy hoặc lỡ dính thì không dính bẫy nặng là cách mà chúng ta nhận diện sớm các hành vi huy động vốn kiểu đa cấp bất chính. Đa cấp mà đúng luật đã có Nghị định số 40/2018/NĐ-CP quy định các điều kiện kinh doanh cụ thể.

Nhưng những hành vi lợi dụng mô hình này để biến tướng thực hiện các hành vi trái luật cần được phát hiện sớm. Việc những người tham gia tự ý thức trong hoạt động đầu tư của mình là quan trọng nhất. Sau đó, các cơ quan có thẩm quyền cũng có thể phát huy quyền hạn kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp, để tránh một doanh nghiệp thực hiện hành vi trái luật kéo dài đến 5, 7 năm mà không phát hiện được thì hậu quả sẽ rất nặng nề.

Hiện nay không chỉ là huy động qua đầu tư tài chính, mà nhiều mô hình cách thức lừa đảo còn lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để đội lột các doanh nghiệp bất động sản, sàn đầu tư tiền ảo, thậm chí các các lĩnh vực kinh doanh như ngoại ngữ… để chiêu dụ đầu tư, trả lãi rất cao để đưa người dân vào bẫy. Do đó, nếu phát sinh các hoạt động cho vay lấy lãi cao bất thường thì dễ dính đến chuyện lừa đảo chiếm đoạt tài sản, do đó người dân và các cơ quan chức năng cần nhận diện và phải hiện sớm, tránh rơi vào tình cảnh mất tiền mới biết bị lừa. Lúc đó hậu quả đã xảy ra rồi thì rất khó khắc phục vì khả năng thu hồi vốn vô cùng khó. Nhiều nguồn tiền chiếm đoạt thường được tẩu tán hoặc bị tiêu hao cho hoạt động lừa đảo đó, dẫn đến khả năng thu hồi rất khó.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần giải pháp “đe” đa cấp bất chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO