Theo chuyên gia, tình hình các doanh nghiệp khó khăn, đồng thời đang cần phục hồi nền kinh tế do đó thuế bảo vệ môi trường xăng dầu có thể giảm tối đa 4.000 đồng/lít, hoặc bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt.
>>>Giảm 2.000 đồng thuế bảo vệ môi trường, giá xăng liệu hạ nhiệt?
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 31 thông qua dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12.
Cụ thể, Chính phủ quyết nghị thông qua để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12 theo đề nghị của Bộ Tài chính.
Theo đề xuất trước đó của Bộ Tài chính, thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu sẽ giảm 2.000 đồng/lít xăng. Mức giảm với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít, mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg, dầu hỏa 700 đồng/lít. Đồng thời đề nghị Nghị quyết có hiệu lực từ 1/4 đến hết năm nay.
Bộ Tài chính, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về nội dung, số liệu báo cáo. Chính phủ giao Bộ trưởng Tư pháp, thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong ngày 14/3 cho phép bổ sung dự án Nghị quyết vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy trình một phiên họp, soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Theo đó, nội dung này dự kiến sớm được bổ sung vào chương trình phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa khai mạc để cho ý kiến và biểu quyết thông qua.
Với việc điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng trên (tính trên cơ sở sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2019) sẽ giảm khoảng 29.035 tỷ đồng/năm, từ đó tác động làm giảm thu ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, đề xuất này được mong đợi, bởi giá xăng dầu liên tục tăng mạnh trong thời gian qua khi đến kỳ điều chỉnh ngày 11-3, giá xăng đã tăng lên tới gần 30.000 đồng/lít; giá dầu ở mức gần 29.000 đồng/lít. Các mặt hàng dầu cũng điều chỉnh tăng, gồm dầu diesel tăng thêm 3.940 đồng/lít, lên mức 25.260 đồng/lít; dầu hỏa lên mức 23.910 đồng/lít.
>>>“Hạ nhiệt” giá xăng dầu: Giảm thuế bảo vệ môi trường chỉ là tình thế
>>>Cần sớm giảm thuế môi trường đối với xăng, dầu
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, xăng E5RON95 đã tăng hơn 5.800 đồng/lít, xăng RON95 tăng gần 6.000 đồng/lít, dầu diesel tăng ở mức cao nhất là 7.000 đồng/lít, dầu hỏa tăng hơn 6.700 đồng/lít, dầu mazut tăng trên 4.600 đồng/kg. Mức tăng mạnh như trên tạo áp lực rất lớn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế khi đang trên đà phục hồi sau đại dịch.
Do đó, GS.TS Hoàng Văn Cường, ủy viên Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc hội khóa XV cho rằng, khi giá xăng dầu đang ở mức rất cao, việc giảm thuế phải rất linh hoạt.
Bởi hiện nay, tình hình các doanh nghiệp khó khăn, đồng thời đang cần phục hồi nền kinh tế thì giá xăng dầu tăng cao sẽ tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực. Chưa kể, giá xăng dầu là chỉ số quan trọng để tính toán các chỉ số kinh tế vĩ mô như lạm phát, nên cần thiết phải có biện pháp kiềm chế giá.
"Thời điểm giá xăng dầu ở mức cao nhất, theo tôi, cần giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức tối đa, thậm chí, có thể giảm 4.000 đồng/lít, hoặc chuyển sang bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu", ông Cường đề xuất.
Theo đó, GS.TS Hoàng Văn Cường phân tích, giảm thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt hay bảo vệ môi trường đều tác động đến phần tính chi phí trong giá xăng dầu và giảm thu ngân sách. Nhưng nên tính giảm vào một loại thuế chứ không cần trải ra mỗi loại giảm một ít.
"Bên cạnh thuế bảo vệ môi trường, cần tính đến thuế nhập khẩu. Nếu giá xăng dầu trong nước cao hơn giá nhiều nước trên thế giới, phải tính giảm thuế nhập khẩu, thậm chí xuống bằng 0 thay vì ưu tiên giảm thuế bảo vệ môi trường. Việc giảm thuế nhập khẩu để tăng nguồn cung từ bên ngoài, khi nguồn cung dồi dào giá sẽ ổn định", ông Cường nói.
Bộ Tài chính cũng công nhận, trước diễn biến giá dầu thô liên tục tăng cao gần đây, một số nước đã giảm thuế xăng dầu. Như Hàn Quốc đã giảm 20% thuế nhiên liệu đối với xăng, dầu diesel và khí hóa lỏng trong 6 tháng từ ngày 12-11-2021 đến hết tháng 4 năm nay. Hàn Quốc sẽ xem xét kéo dài việc giảm thuế nhiên liệu đối với xăng dầu nếu giá nhiên liệu tiếp tục tăng cao trong tháng 3 nhằm kiềm chế lạm phát. Mặt khác, Hàn Quốc cũng sẽ xem xét giảm thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu thô nếu giá cả hàng hóa tăng do xung đột ở Ukraine.
Thái Lan cũng giảm một nửa mức thu thuế tiêu thụ đặc biệt với dầu diesel từ 5,99 baht/lít xuống còn 3 baht/lít trong 3 tháng đến ngày 20-5. Ba Lan và Ấn Độ cũng đã giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu...
Có thể bạn quan tâm
03:30, 13/03/2022
10:57, 12/03/2022
05:30, 12/03/2022
00:20, 12/03/2022
00:06, 12/03/2022