24h

Cần hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp khoáng sản và người dân Quảng Ngãi

Tuấn Vỹ 11/04/2025 12:05

Khi các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, địa phương luôn yêu cầu phải đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân trong khu vực nhưng vẫn chưa được chú trọng.

Việc vận chuyển khoáng sản ra khỏi điểm mỏ luôn được yêu cầu phải đảm bảo an toàn giao thông, môi trường,... tại khu vực.

Người dân khổ vì vận chuyển khoáng sản

Ghi nhận trực tiếp tại tuyến đường dẫn vào các mỏ đá như Trì Bình, Bình Nguyên,... tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, người dân địa phương luôn trong trạng thái lo lắng vì lượng xe dày đặc di chuyển hàng ngày. Ước tính, mỗi lần có hàng trăm lượt phương tiện tải trọng lớn lưu thông trên tuyến đường dân sinh này để chở khoáng sản đi tiêu thụ tại địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam.

Đặc biệt hơn, ngay từ đầu tuyến đường đã được địa phương cắm biển tải trọng giới hạn 13 tấn. Tuy nhiên, các phương tiện vận chuyển tải trọng lớn vẫn bất chấp lưu thông, nối đuôi nhau cày phá đường, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông và làm cuộc sống của cư dân bị đảo lộn.

anh1.jpg
Các phương tiện tải trọng lớn làm lơ trước biển báo giới hạn tải trọng.

Nói với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Hợi – thôn Đông Bình (xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn) cho biết nhiều năm nay người dân phải sống chung với tình trạng ô nhiễm bụi, tiếng ồn do các xe chở đá gây ra. Người này thông tin, tuyến đường qua nhà ông không đủ lớn nhưng các phương tiện có tải trọng hàng chục tấn vẫn ồ ạt lưu thông gây mất an toàn. Trước đó, đã nhiều lần người dân chặn đường không cho các phương tiện lưu thông, doanh nghiệp hứa khắc phục nhưng rồi sau đó lơ đi.

“Cứ có xe qua là đất, đá văng khắp nơi, bụi tung mịt mù, xộc hết vào nhà khiến người dân phải liên tục đóng cửa. Người dân đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương nhưng không ai xuống giải quyết khiến nỗi bất an kéo dài. Một số hộ dân được trả công tưới nước với mức thù lao 600.000/ tháng, tuy nhiên việc tưới nước cũng chỉ là tạm thời còn lại nỗi bất an về an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường vẫn luôn hiện hữu”, ông Hợi nói.

Tìm hiểu thêm về việc quản lý của lực lượng chức năng, trước đó phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp đã liên hệ đến Công an huyện Bình Sơn (lúc chưa giải thể) để tiếp cận thông tin xử lý. Tuy nhiên sau đó vì giải thể Công an huyện Bình Sơn nên phóng viên không nhận được câu trả lời.

Tiếp đến, phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp liên hệ đến ông Nguyễn Ngọc Trân – Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn được biết vị này đang chủ trì cuộc họp nên yêu cầu phản ánh thông tin qua tin nhắn điện thoại.

Trả lời phóng viên, ông Trân cho biết: “Huyện đã kiểm tra hiện trường, chỉ đạo giao các đơn vị thường xuyên kiểm tra, theo dõi và xử lý theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo huyện xem xét xử lý theo quy định”.

Được biết, trong ngày 09/4/2025 Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi cùng địa phương đã tiến hành kiểm tra thực tế tại khu vực. Qua đó sẽ có phương án xử lý sớm vấn đề này.

Khó tìm câu trả lời từ doanh nghiệp?

Để rộng đường dư luận, phóng viên tiếp tục liên hệ đến số điện thoại công khai của Công ty TNHH MTV Thương mại và Đầu tư An Phú Vinh Quảng Ngãi (chủ mỏ đá Trì Bình) và Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng Tân Ốc Đảo. Tuy nhiên, các số điện thoại công khai của các doanh nghiệp trên các trang thông tin đều không đúng hoặc không thể liên hệ được.

anh2 (1)
Người dân xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn khổ sở với đoàn xe vận chuyển khoáng sản.

Theo tìm hiểu, đến cuối năm 2024 tại huyện Bình Sơn có 22 mỏ đất, đá được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp phép khai thác. Thời gian qua, UBND huyện Bình Sơn cũng đã có tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động tại các điểm mỏ, nhất là công tác bảo vệ môi trường.

Thế nhưng, qua ghi nhận vẫn còn nhiều chủ mỏ chưa thực hiện đầy đủ và kịp thời các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình vận chuyển khoáng sản. Việc này khiến người dân bị ảnh hưởng bởi bụi và tiếng ồn, gây mất an toàn giao thông,..

Được biết, tại cuộc họp nghe và báo cáo tình hình thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản, công tác tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản và quản lý giá cát làm vật liệu xây dựng trên địa bàn, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đề nghị các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cũng lưu ý các địa phương kiên quyết xử lý các trường hợp không chấp hành các quy định của pháp luật trong khai thác khoáng sản.

Đặc biệt là không để xảy ra tình trạng hình thức, đối phó tại các trạm cân, trạm camera kiểm tra, giám sát. Tại đây, Công an tỉnh Quảng Ngãi cũng được giao tham mưu UBND tỉnh xử lý, kiến nghị xử lý đối với những trường hợp vi phạm, có nguy cơ xảy ra sai phạm liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản.

Theo Điều 65 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải yêu cầu phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, chất thải phải được che chắn, không để rơi vãi gây ô nhiễm môi trường khi tham gia giao thông. Tương tự tại Điều 67 Luật này cũng quy định tổ chức, cá nhân tiến hành khai thác khoáng sản phải có biện pháp ngăn ngừa, hạn chế việc phát tán bụi, xả khí thải và tác động xấu khác đến môi trường xung quanh.

Thiết nghĩ, các ngành chức năng của tỉnh Quảng Ngãi cần tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản và xác minh trữ lượng khai thác thực tế của các đơn vị tại địa bàn. Cùng với đó, các địa phương quản lý trực tiếp cần thành lập tổ kiểm tra, xác định trữ lượng tài nguyên, nhu cầu sử dụng khoáng sản, qua đó tổ chức đấu giá đúng thời điểm, tránh tình trạng khan hiếm thị trường, đẩy giá khoáng sản tăng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp khoáng sản và người dân Quảng Ngãi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO