Cần hành lang pháp lý xử lý nợ xấu

NGUYỄN VIỆT 14/04/2022 17:35

Cần có một hành lang pháp lý để tiếp tục xử lý nợ xấu trong thời gian tới.

>>Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ nợ xấu phát sinh trong BOT, trái phiếu, ngân hàng...

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đánh giá tại Phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm, ngày 14/4.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh.

Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, các số liệu cho thấy trong 5 năm qua, Nghị quyết 42 đã tạo cơ chế xử lý hiệu quả và đạt được nhiều kết quả trong việc kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng.

Ứng xử phù hợp để ổn định thị trường

Đồng tình với việc kéo dài thời hạn áp dụng cho toàn bộ nghị quyết, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, trong bối cảnh ảnh hưởng rất nặng nề của đại dịch COVID-19, tình hình bất ổn chính trị trên thế giới tác động rất nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế, đời sống của các quốc gia, trong đó có Việt Nam, có thể dẫn đến khả năng tỷ lệ nợ xấu lại tiếp tục tăng. Do vậy, cần có một hành lang pháp lý để tiếp tục xử lý nợ xấu trong thời gian tới.

“Ngân hàng Nhà nước nên phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan có liên quan để nghiên cứu, đánh giá và có những phương án ứng xử phù hợp để ổn định thị trường, tạo tâm lý niềm tin cho các nhà đầu tư liên quan đến thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp gần đây, liên quan đến hai tập đoàn FLC và Tân Hoàng Minh”, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề xuất.

Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, đây là vấn đề rất lớn, rất quan trọng và tác động rất lớn đến nền kinh tế, đặc biệt giai đoạn phục hồi sau tác động tiêu cực của đại dịch và triển khai chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội đã thông qua.

Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ, trực tiếp là Ngân hàng nhà nước phân tích làm rõ thêm một số vấn đề như kết quả thực hiện đối với từng mảng nội dung, từng chính sách quan trọng được đề ra trong Nghị quyết 42.

Nếu với phương án đề xuất kéo dài thêm 2 năm, thời gian thực hiện Nghị quyết 42 mà các vướng mắc đó vẫn chỉ nhận diện và chưa có giải pháp thì nó cũng ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý nợ xấu và những vấn đề tồn đọng cũng vẫn chỉ để đó mà chưa được giải quyết một cách hiệu quả thì cũng ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả thực hiện Nghị quyết 42.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Nguyễn Phú Cường.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Nguyễn Phú Cường.

Bên cạnh đó, bài học kinh nghiệm sau 5 năm thực hiện được rút ra là gì, nguyên nhân của những vấn đề bất cập, vướng mắc, cái gì là do quy định chưa phù hợp, chưa đáp ứng yêu cầu xử lý nợ xấu, vấn đề gì là do công tác tổ chức thực hiện chưa tốt.

Trao đổi tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đặt vấn đề, nợ xấu phát sinh sau ngày 15/8/2017 nếu xử lý theo pháp luật về tín dụng nói chung, không đặc thù theo nghị quyết này thì tốt xấu ra sao để so sánh, tìm giải pháp nào tốt hơn và cũng qua đó thấy rằng luật phải sửa gì.

“Kéo dài nhằm đạt mục tiêu, yêu cầu gì, không phải kéo dài chung chung. Xin kéo dài 2 năm nhưng 2 năm có xử lý hết không? Xử lý được bao nhiêu phần trăm? Trong báo cáo phải có biểu bảng, có phụ lục, có số năm, có số khoản”, ông Nguyễn Khắc Định lưu ý. Đồng thời nhấn mạnh, trong lúc cấp bách, khó khăn mới phải có chính sách đặc biệt, không thể có luật quy định chính sách đặc biệt mãi.

Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách bình luận, những khoản nợ trong thời gian xác định là nợ xấu mà không thu hồi được thì nó đã quá xấu, cho dù bây giờ có làm thành luật đi nữa cũng không thể thu hồi được.

“Đơn cử, một mảnh đất giá có 500 triệu nhưng thế chấp đến 5 tỷ đồng, bây giờ giám đốc bị bắt, đất là đất nông nghiệp, không chuyển được, quy hoạch là đất an ninh, quốc phòng nên không thể thu hồi. Đây là nợ quá xấu, có kéo dài thời hạn cũng không thể thu hồi”, ông Cường nói.

>>Chủ tịch Quốc hội: Dự án luật nào chưa "chín" sẽ để lại

Xử lý nợ bất động sản, chứng khoán như thế nào?

Từ thực tế trên, ông Cường kiến nghị những khoản nợ phát sinh sau ngày 15/8/2017 phải tách riêng, khách quan và chủ quan để đánh giá xem phần nào xử lý được.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Cho ý kiến vào nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, nợ bất động sản, nợ chứng khoán, tín dụng tiêu dùng như thế nào? Bây giờ tín dụng bất động sản và chứng khoán núp bóng tín dụng tiêu dùng có không và bao nhiêu? Nợ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp ra sao?

“Có một loại là lãi dự thu xấu hơn cả nợ xấu. Lãi dự thu trên số nợ xấu thì còn xấu hơn cả nợ xấu, tức là ăn vào những cái không có. Cứ theo hợp đồng tín dụng tính ra, cho vay 1 tỷ với lãi suất 10%, mỗi năm là bao nhiêu, cứ hạch toán ra đưa vào phân phối, chia nhau. Thực chất bản thân gốc đã không thu được nói gì lợi nhuận”, Chủ tịch Quốc hội cho biết, đồng thời lưu ý đánh giá xem do tác động của COVID-19 thế nào, không phải tất cả việc gì cũng đổ cho COVID-19.

Về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, riêng phát hành năm 2021 đến hơn 700.000 tỷ đồng, trong đó 44% về các lĩnh vực bất động sản. Trái phiếu doanh nghiệp đã được cảnh báo nhiều lần chứ không phải bây giờ. "Tình hình nóng trên thị trường chứng khoán, tiền tệ, ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp chắc chắn tới đây rất nóng”, Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị rà soát, kiểm tra, đánh giá để từ dó nói nguyên nhân khách quan, chủ quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu quan điểm, trình ra Quốc hội chỉ có một trong hai phương án là kéo dài hay không kéo dài, chứ không phải sửa hay không sửa vì Chính phủ không đề xuất việc này.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vào năm 2022 nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ Nghị quyết 42. Thống nhất áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn thông qua nghị quyết tại một kỳ họp trình Quốc hội xem xét quyết định tại Kỳ họp thứ 3.

100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt biểu quyết thống nhất bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vào năm 2022 nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ Nghị quyết 42; đồng thời quyết định không ban hành nghị quyết riêng mà đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2022.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 đến ngày 31/12/2023, không mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi, đối tượng áp dụng so với Nghị quyết 42.

Có thể bạn quan tâm

  • Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ nợ xấu phát sinh trong BOT, trái phiếu, ngân hàng...

    16:45, 14/04/2022

  • Chủ tịch Quốc hội: Dự án luật nào chưa "chín" sẽ để lại

    15:23, 14/04/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần hành lang pháp lý xử lý nợ xấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO