Cần có một cuộc “tổng rà soát” lại toàn bộ các tập đoàn kinh tế để có một câu trả lời rõ ràng về bức tranh thật nhằm xây dựng các kế hoạch phát triển trong tương lai.
>>Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV: Quốc hội cho ý kiến về Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nêu ý kiến tại phiên thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022, ngày 25/5.
Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng, ngoài các tập đoàn kinh tế lớn như FLC, Tân Hoàng Minh thời gian vừa qua mắc nhiều vi phạm thì câu hỏi đặt ra là ngoài các tập đoàn này thì còn bao nhiêu tập đoàn khác mắc sai phạm như thế này? Và sức khoẻ thực sự của các tập đoàn “đầu tàu” kinh tế của đất nước hiện nay như thế nào? Thực hay ảo?
“Tôi đề nghị cần tập trung rà soát lại thực chất hoạt động của các tập đoàn kinh tế lớn, vì lâu nay chúng ta tưởng “khoẻ mạnh” nhưng đụng vào đâu là có chuyện ở đó, chưa nói đến thị trường chứng khoán và các vấn đề khác. Chúng ta cứ trông đợi vào những “con đại bàng” lớn như vậy nhưng bây giờ cứ “rụng lông, gãy cánh” thế này thì cũng rất nguy hiểm”, đại biểu Hoàng Đức Thắng nhấn mạnh.
Trong khi, thiếu những động lực này thì chắc chắn đất nước ta cũng rất khó đi lên. Cho nên, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị bây giờ phải đánh giá thực chất tình hình hoạt động của các tập đoàn này bằng việc thực hiện tổng rà soát lại toàn bộ các tập đoàn này để có một câu trả lời rõ ràng về bức tranh thật nhằm xây dựng các kế hoạch phát triển trong tương lai.
Trao đổi về tình trạng rút bảo hiểm một lần đại biểu Hoàng Đức Thắng đánh giá cũng rất đáng báo động. Theo báo cáo trong năm 2021 đã có gần 1 triệu trường hợp người tham gia đóng bảo hiểm rút bảo hiểm để hưởng một lần. Đây là vấn đề hết sức bức xúc nhưng chúng ta cũng chưa có giải pháp gì trong thực tế.
Trong khi đó, chúng ta mở rộng các đối tượng bao phủ có cuộc sống nhọc nhằn, khó khăn, nhất là bảo hiểm tự nguyện, nhưng số lượng rút ra là rất nhiều. Vấn đề này trách nhiệm ở đâu? Giải pháp nào để kiểm soát được tình hình này? Nếu không bảo hiểm xã hội làm một trong những trụ cột rất lớn về an sinh xã hội đất nước sẽ đứng trước rủi ro, khó khăn.
>>Cần thiết và phù hợp khi đầu tư dự án đường Hồ Chí Minh
Đưa ra ý kiến về môn học lịch sử cho khối trung học phổ thông đang “dậy sóng” thời gian qua, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải trả lời rõ tại kỳ họp này với Quốc hội rằng, việc này là bắt buộc hay tự chọn chứ không “hứa”.
Vì hiện nay dư luận xã hội và nhân dân rất quan tâm đến vấn đề này. Đây là những vấn đề theo đại biểu Hoàng Đức Thắng cần phải được làm rõ.
Về kế hoạch phát triển kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2022, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị ngoài nhiệm vụ Chính phủ đã xác định thì có 2 nhiệm vụ cần tập trung.
Thứ nhất, tập trung triển khai cho bằng được các chương trình kinh tế lớn của đất nước, chương trình chính sách tài khoá, tiền tệ để phát triển kinh tế.
Thứ hai, đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch, vẫn biết đây là công việc rất khó khăn. Trong khi đại hội đảng bộ các cấp gần hết nửa nhiệm kỳ, “loay hoay” là hết năm 2022, nhưng quy hoạch của các địa phương đến nay vẫn chưa được thực hiện. Như vậy, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chiến lược phát triển kinh tế của các địa phương, rộng hơn là ở tầm quốc gia.
“Trên đây là hai điểm tôi xin bổ sung và nhấn mạnh thêm trong các giải pháp cho kinh tế 6 tháng cuối năm 2022”, đại biểu Hoàng Đức Thắng bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
04:13, 25/05/2022
22:19, 23/05/2022
11:00, 23/05/2022
05:00, 23/05/2022
18:03, 20/05/2022
17:27, 20/05/2022