Khi giá dầu thế giới liên tục tăng cao như hiện nay và các công cụ bình ổn giá khác đã hết dư địa, thì giảm thuế là phương án cần thiết để "hạ nhiệt" giá xăng dầu.
>>Thuế, phí làm “đội” giá xăng dầu: Bộ Tài chính nói gì?
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 160/CĐ-TTg ngày 22/2/2022 về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước. Công điện nêu rõ, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, nhạy cảm dễ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô, do đó, phải được quản lý, điều hành một cách khoa học, chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28/2/2022 theo đúng chỉ đạo tại văn bản trước đó của Văn phòng Chính phủ.
Trước đó, nhiều ý kiến đã cho rằng, việc tăng giá cả xăng dầu có thể sẽ vô hiệu hóa các gói phục hồi kinh tế của Chính phủ trong thời gian tới. Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, TS. Bùi Duy Tùng, Giảng viên Kinh tế ĐH RMIT nhận định, dù giá xăng dầu hiện tại ở Việt Nam còn thấp so với một số quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới, nhưng thu nhập ở Việt Nam cũng còn ở mức thấp hơn so với các quốc gia đó. Cho nên, việc giá xăng dầu tăng cao sẽ làm cho người dân Việt Nam kiệt quệ hơn so với các quốc gia có mức thu nhập cao. Vì vậy, những tác động tiêu cực của việc tăng giá cả xăng dầu có thể sẽ vô hiệu hóa các gói phục hồi kinh tế của Chính phủ.
Còn theo phân tích của GS.TS Phạm Thị Mỹ Dung, Viện trưởng Viện Khoa học Phát triển Nông thôn, nền kinh tế đang trên đà hồi phục, việc giá xăng dầu liên tục tăng gây áp lực rất lớn lên tiến trình này. Giá xăng dầu trong nước lại đang phụ thuộc giá thế giới nên Việt Nam rất khó giảm. Song có thể kìm hãm đà tăng bằng chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc điều chỉnh quỹ bình ổn giá...
“Giảm được loại thuế, phí gì hỗ trợ doanh nghiệp lúc này mà trong khả năng làm được thì nên làm ngay. Hiện doanh nghiệp cứ nghe tăng giá thứ gì đều thấy lo lắng. Chính sách gì thì cốt lõi vẫn phải tạo tâm lý an dân mới phục hồi kinh tế đường dài được”, vị GS nói.
>>Ứng phó với giá xăng dầu tăng "nóng": Kinh nghiệm thế giới và giải pháp cho Việt Nam
Cần kíp giảm thuế
Theo Bộ Tài chính, so với nhiều nước trên thế giới, tỉ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra của nước ta hiện nay vẫn thấp hơn mức bình quân chung: Tỉ trọng thuế trong giá bán xăng dầu ở nhiều nước chủ yếu trong khoảng 45%-60% (trừ một số nước có trữ lượng dầu mỏ lớn thì có tỉ trọng thấp hơn); Trong khi đó, ở Việt Nam, tỉ trọng thuế đối với xăng khoảng 38% và dầu khoảng 20%. Ngoài ra, trong giá bán xăng dầu còn có khoản chi phí vận chuyển, lợi nhuận định mức nhưng các khoản này cũng chỉ chiếm 5%-8% mức giá cơ sở của mặt hàng xăng dầu.
Nhưng theo tính toán của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, mỗi lít xăng A95 đang bán trên thị trường chịu các khoản thuế: thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường với mức khoảng 9.000 đồng. Xăng RON92, diesel thì có số tiền thuế khoảng 7.000-8.000 đồng/lít tùy theo sản phẩm.
PGS.TS Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế cho rằng, điều hành xăng dầu cần phải đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, Nhà nước và người dân. "Phương án tối ưu nhất ở thời điểm này là giảm thuế bảo vệ môi trường, vì đây thuộc thẩm quyển của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Năm 2020 và 2021, trước thực trạng khó khăn của ngành hàng không, Bộ Tài chính cũng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 2 lần giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay".
Cùng chung quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá, mức thuế, phí, nhất là thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu là đúng và cần thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay thì cần được xem xét, điều chỉnh linh hoạt phù hợp để tránh tình trạng chồng chéo và góp phần chia sẻ với khó khăn của người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động nặng nề.
Chính phủ, Quốc hội đã bàn thảo, thông qua nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp hồi phục sau thời gian dài "đóng băng" hoạt động vì dịch bệnh, trong đó có miễn, giảm, giãn nhiều loại thuế.
"Thế nhưng, thuế, phí trong nhiên liệu đầu vào quan trọng của doanh nghiệp là xăng dầu không được giảm thì chưa thể hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp. Các phần thuế khác được giảm có thể không bù đắp nổi chi phí gia tăng do giá xăng dầu tăng mạnh vào đúng thời điểm doanh nghiệp trở lại thị trường và có nhu cầu sản xuất, vận chuyển... rất lớn", bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.
Hay theo đề xuất của PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, bên cạnh việc nghiên cứu các biện pháp hợp lý để điều hành giá xăng dầu nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh chi phí nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao, Nhà nước không nhất thiết phải hỗ trợ doanh nghiệp trực tiếp vào giá xăng dầu, mà gián tiếp hỗ trợ doanh nghiệp vào chi phí sản xuất kinh doanh, khi đó mới tạo ra động lực tăng trưởng.
Như vậy có thể thấy, trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực hồi phục sản xuất, kinh doanh, việc phải tốn chi phí cho các loại thuế, phí trong giá xăng dầu được xem là “cõng” thêm một gánh nặng. Khi giá dầu thế giới liên tục tăng cao như hiện nay và các công cụ bình ổn giá khác đã hết dư địa, thì giảm thuế là phương án cần thiết để "hạ nhiệt" giá xăng dầu.
Có thể bạn quan tâm
01:50, 22/02/2022
00:06, 22/02/2022
16:10, 21/02/2022
05:30, 17/02/2022