Trong ngày làm việc thứ hai của Hội nghị Trung ương 4, Chính phủ muốn trình Quốc hội gói kích thích kinh tế lớn.
Tại phiên làm việc này, các Ủy viên Trung ương dành trọn buổi sáng thảo luận tại hội trường về các báo cáo kinh tế - xã hội 2021, dự kiến kế hoạch 2022.
Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 2021 và dự toán 2022, kế hoạch tài chính – ngân sách 2022-2024. Việc lùi thời điểm thực hiện cải cách tiền lương, công tác phòng chống dịch COVID-19 thời gian qua và quan điểm, chủ trương, giải pháp thời gian tới.
Về các báo cáo kinh tế - xã hội, thông tin từ hội nghị cho biết, Chính phủ có đặt vấn đề xin chủ trương một gói kích thích kinh tế lớn. Nhiều khả năng, nếu Trung ương đồng thuận, ủng hộ thì Chính phủ sẽ hoàn thiện phương án để trình Quốc hội quyết định trong kỳ họp cuối năm, dự kiến khai mạc 20/10 tới.
Tình hình từ sau Hội nghị Trung ương 3 diễn ra vào tháng 7 đến nay, do ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch, tăng trưởng quý 3 đã giảm sâu, âm 6,17% so với cùng kỳ năm trước.
Chính phủ dự báo, nếu nỗ lực lắm và gặp thuận lợi để kinh tế phục hồi quý 4, tăng trưởng phục hồi trở lại ở mức 7,06-8,84% thì GDP cả năm 2021 mới chạm mức 3-3,5%.
Chưa kể, Chính phủ cũng đang xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2022, trong đó đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5%, đầy thách thức.
Góp ý cụ thể, có Ủy viên Trung ương cho rằng gói kích thích kinh tế này chỉ có thể xây dựng nếu Quốc hội tới đây nới trần nợ công, cân nhắc chỉ số lạm phát để nới lỏng chính sách tín dụng, tài khóa.
Trên cơ sở đó, Chính phủ mới hình thành từng gói nhỏ, chẳng hạn đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số… Ngoài ra, phải có sự nới lỏng chính sách tiền tệ thì các ngân hàng thương mại mới mạnh dạn khoanh nợ, tiếp tục cho doanh nghiệp vay để phục hồi sản xuất.
Tình hình dịch bệnh ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai cho thấy dịch bệnh lây lan mạnh chủ yếu từ các khu dân cư, nhà trọ lụp xụp, điều kiện sống khó khăn của công nhân, chứ không phải trong nhà máy, khu công nghiệp. Đây cũng là thách thức lâu nay mà khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam chưa khắc phục được.
Vậy nên, trong chương trình kích thích kinh tế lớn tới đây, nếu có một gói riêng hỗ trợ lãi suất cho các dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội thì đó không chỉ là giải pháp bền vững để thích ứng an toàn với dịch bệnh, mà còn cải thiện đời sống công nhân, thu hút lao động trở lại với các khu vực công nghiệp phát triển nhưng đói nhân lực hậu COVID-19 này.
Nếu được xem xét, việc triển khai gói hỗ trợ này sẽ không quá khó. Bởi ở nhiệm kỳ Đại hội XI, Chính phủ từng đưa ra gói hỗ trợ lãi suất 30.000 tỷ đồng, hướng trực tiếp tới các dự án nhà ở xã hội và người mua nhà.
Nhờ đó, theo tính toán của Bộ Xây dựng, đã kích thích đầu tư xã hội, huy động được lượng vốn khổng lồ, khoảng 1 triệu tỷ đồng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế giai đoạn đó.
Có thể bạn quan tâm