Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, trong phạm vi ngắn hạn và thực sự cần thiết, Nhà nước có thể tạm thời bỏ thuế bảo vệ môi trường trong vài tháng để giúp giá xăng dầu hạ nhiệt.
>>Đà Nẵng: Doanh nghiệp lao đao vì giá xăng, dầu
Xăng dầu là một mặt hàng thiết yếu, nên giá cả của nó cũng ảnh hưởng đến nhiều mặt hàng khác và tác động đến các chỉ số kinh tế. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, việc giá xăng dầu tăng là điều bình thường khi giá dầu thế giới vẫn đang tăng kỷ lục, nhưng cần phải có biện pháp mạnh để hạ nhiệt mặt hàng này.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết, giá xăng dầu ở Việt Nam phụ thuộc vào giá khu vực và giá xăng dầu thế giới, trong khi đó, giá xăng dầu thế giới thời gian vừa qua, kể cả giá dầu thô đã tăng phi mã. Đặc biệt là giá xăng dầu tại Singapore - nơi chúng ta nhập khẩu đều tăng, vì thế, quá trình điều chỉnh giá xăng dầu theo thời hạn 10 ngày tăng cũng là phù hợp.
Giá xăng dầu hiện nay chia làm hai bộ phận là xăng dầu nhập khẩu và xăng dầu trong nước, trong đó, xăng dầu mua từ các thị trường quốc tế phải cộng với chi phí vận chuyển và những chi phí khác để về đến cảng Việt Nam. Sau đó sẽ tính 4 loại thuế bao gồm thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt, còn lại không có thêm bất kỳ loại phí nào.
“Đối với mặt hàng chiến lược như xăng dầu, thì Nhà nước phải có công cụ là quỹ bình ổn giá, mà trong thời gian qua, quỹ này đã được Bộ Công Thương - Bộ Tài chính sử dụng hợp lý, hiệu quả, nhất là những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Theo số liệu của Hiệp hội xăng dầu thế giới, với việc chúng ta xả quỹ bình ổn xăng dầu để giúp nền kinh tế hồi phục, phát triển đã giúp tốc độ tăng trưởng của giá xăng dầu trong nước thấp hơn 12% so với mức tăng của xăng dầu thế giới. Đây cũng là một sự hỗ trợ kịp thời cho quá trình phục hồi của Việt Nam”, vị PGS cho biết.
Tuy nhiên đến nay, thuế bảo vệ môi trường đã được giảm, quỹ bình ổn cũng được sử dụng tương đối, nhưng giá xăng dầu vẫn gây áp lực lớn đến túi tiền của người dân và chi phí vốn cho doanh nghiệp. Do đó, giải pháp cấp bách để hạ nhiệt giá xăng dầu vẫn là vấn đề được nhiều người quan tâm và liệu yếu tố thuế, phí nào có thể đưa ra điều chỉnh để Liên Bộ Tài chính - Công Thương có thể áp dụng? PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị rằng, trong phạm vi ngắn hạn và thực sự cần thiết, tính toán được hiệu quả, thì Nhà nước có thể tạm thời bỏ thuế bảo vệ môi trường trong vài tháng để giúp giá xăng dầu hạ nhiệt. Đây cũng là giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người dân giảm bớt gánh nặng chi phí, cũng như không đẩy giá thành các dịch vụ, sản phẩm ăn theo giá xăng dầu tăng cao.
>>“Hạ nhiệt” giá xăng dầu: Cần bỏ luôn thuế tiêu thụ dặc biệt
Trao đổi với báo chí, Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng, đối với ngân sách Nhà nước, khi đặt vấn đề giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt, nhiều người lo ngại sẽ gây thất thu ngân sách. Nhưng thực tế nếu giảm thuế đó sẽ kéo giảm được lạm phát và chi ngân sách giảm theo.
“Bởi giá cả lên thì chi ngân sách tăng, ngay cả dự án đầu tư đang chuẩn bị thông qua hoặc đã thông qua rồi, các dự toán sẽ tăng lên thì sẽ rất đáng ngại, công trình dự án sẽ đội vốn và lãng phí. Vì vậy, phải chặn ngay vấn đề này.
Ngoài ra, việc giảm thuế còn cần phối hợp với chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô. Lạm phát tăng không đến từ việc mở rộng chính sách tiền tệ. Bởi hiện nay, các gói kích thích kinh tế của chúng ta chưa giải ngân gì hết mà lạm phát đã tăng. Như vậy, lạm phát tăng không phải do kích cầu mà do chi phí đẩy. Trong "rổ" chi phí đẩy thì chi phí về xăng dầu, lưu thông, vận chuyển chiếm tỉ trọng cao nhất, do vậy phải hỗ trợ kéo những chi phí này xuống. Đây là bài toán cần hết sức lưu ý, cần phải theo dõi sát sao và có giải pháp kịp thời.
Việc giảm hoặc xóa thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, tôi cho rằng, ai cũng được hưởng lợi. Khi giảm hoặc xóa sắc thuế này sẽ kéo giảm chi phí của doanh nghiệp, chi phí Logistics, chi phí vận chuyển, hàng hóa cũng sẽ giảm. Điều này giúp doanh nghiệp có điều kiện giữ giá hàng hóa, đảm bảo ổn định thị trường”, vị Đại biểu lưu ý.
Về các kiến nghị để giảm giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có giải trình tại phiên họp Quốc hội ngày 2/6. Theo đó, việc giảm thuế để giảm giá xăng dầu là một trong nhiều giải pháp, mà muốn giảm giá xăng dầu thì phải thực hiện đồng bộ các giải pháp.
“Các loại thuế chiếm khoảng 28% trong giá xăng đầu, vừa qua đã giảm 50% thuế môi trường. Còn lại là thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, một số thuế khác thì thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Tuy nhiên, giảm thuế là một biện pháp mà Bộ Tài chính sẽ cân nhắc để đánh giá tác động; sẽ báo cáo Chính phủ để báo cáo Thường vụ Quốc hội về vấn đề giảm thuế trong giá xăng dầu
Bên cạnh giải pháp giảm thuế, cũng cần thắt chặt hơn việc chống buôn lậu xăng dầu khi giá xăng dầu trong nước so với giá Lào chênh nhau 11.000 đồng, giá tại Campuchia, Thái Lan cũng chênh. Một vấn đề nữa là thúc đẩy nguồn cung, làm thế nào để nâng công suất 2 nhà máy Nghi Sơn và Dung Quất”, Bộ trưởng Bộ Tài chính thông tin.
Theo dữ liệu của Bộ Công Thương, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 27/5 tiếp tục tăng. Cụ thể, xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 có giá 146,08 USD/thùng, còn xăng RON 95 là 154, 26USD/thùng, cùng tăng 4,3 USD/thùng so với ngày 23/5. Tương tự, giá dầu hỏa và dầu diesel cũng tăng 9 USD/thùng và 11 USD/thùng, lần lượt ở mức 146,43 USD/thùng và 149,49 USD/thùng. Riêng dầu mazut giảm 7,5 USD/thùng xuống còn 652,59 USD/tấn. Vì vậy, Liên Bộ Công thương - Tài chính quyết định điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều ngày 1/6. Theo đó, giá xăng E5RON92 không cao hơn 30.235 đồng/lít; Xăng RON 95 không cao hơn 31.578 đồng/lít; Dầu diesel không cao hơn 26.394 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 25.346 đồng/lít; Dầu mazut không cao hơn 20.901 đồng/lít. |
Có thể bạn quan tâm
10:40, 01/06/2022
04:00, 26/05/2022
01:00, 26/04/2022
04:00, 16/04/2022