Đã bước sang năm 2020, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông lại thêm một lần lỡ hẹn khi chưa thể đưa vào khai thác thương mại.
Còn nhớ, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm hồi tháng 11/2019, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã cho biết: “Nếu như mọi việc suôn sẻ, hết 31/12/2019, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ khai thác thương mại”.
Tại thời điểm đó, người đứng đầu TP Hà Nội đã đưa ra 4 vấn đề lớn chưa được giải quyết khiến dự án này chậm tiến độ và chưa thể đưa vào vận hành.
Thứ nhất, hội đồng nghiệm thu nhà nước phải tiến hành nghiệm thu đánh giá về an toàn khi đưa toàn bộ hệ thống của dự án vào vận hành. Hiện nay, chúng ta đồng ý cho Công ty đường sắt 6 Trung Quốc đưa toàn bộ chứng minh liên quan nguồn gốc, xuất xứ toàn bộ thiết bị theo tiêu chuẩn Trung Quốc. Tuy nhiên, tổng thầu đang chậm và hứa sẽ sớm cung cấp, khi đó, hội đồng nghiệm thu nhà nước mới nghiệm thu hoàn toàn.
Thứ hai là những nội dung về kiểm toán. Tổng thầu nói không phải kiểm toán nhưng quan điểm rõ ràng là bất kể một dự án FDI, vốn ODA của bất cứ nước nào hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam phải chấp hành theo pháp luật của Việt Nam, cơ quan kiểm toán Việt Nam hoàn toàn có quyền và tổng thầu phải giải trình.
Thứ ba, tất cả các thiết bị liên quan đến nguồn gốc xuất xứ là phải phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT để cung cấp trang thiết bị và các nội dung trong hợp đồng đã ký thì phải thực hiện.
Thứ tư, tất cả các kiến nghị của kiểm toán là phải khắc phục, Hà Nội cũng đồng ý việc này vì sau khi dự án kiểm định sẽ bàn giao cho Hà Nội quản lý và sử dụng.
Có thể bạn quan tâm
17:00, 22/12/2019
07:35, 16/11/2019
09:45, 02/11/2019
01:05, 31/10/2019
10:45, 23/10/2019
00:03, 19/10/2019
00:29, 03/10/2019
18:50, 02/10/2019
Đến ngày 19/12/2019, ông Đường Hồng - Giám đốc dự án Cát Linh - Hà Đông (Tổng thầu Trung Quốc) cho biết, việc xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình dự án và đào tạo nhân sự vận hành đã hoàn thành toàn bộ. Tổng thầu đã gửi hồ sơ hoàn công đến chủ đầu tư.
Về phía Ban quản lý dự án đường sắt, đại diện đơn vị này cũng xác nhận dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã cơ bản hoàn thành các hạng mục xây dựng; thiết bị lắp đặt đạt khoảng 97%, phần chưa lắp đặt không liên quan đến hoạt động chạy tàu.
Tổng thầu Trung Quốc đang tiếp tục thực hiện các điều kiện để vận hành thử toàn hệ thống của dự án; chịu trách nhiệm đánh giá khả năng thành thục của nhân sự trực tiếp vận hành dự án cũng như khả năng ứng phó với các tình huống khẩn cấp.
Theo quy trình, công tác nghiệm thu dự án do phía Việt Nam thực hiện, đơn vị tư vấn độc lập ACT (Pháp) sẽ đánh giá an toàn kỹ thuật; sau đó là thanh toán và bàn giao công trình từ Tổng thầu Trung Quốc cho Bộ Giao thông Vận tải. UBND Hà Nội sẽ tiếp nhận lại toàn bộ dự án để vận hành khai thác.
Kiến nghị Bộ GTVT sớm hoàn tất nghiệm thu để dự án được khai thác thương mại, ông Đường Hồng cho hay tuyến đường sắt này chưa hoạt động song toàn bộ thiết bị điện trong các nhà ga, đường ray vẫn phải duy trì với chi phí tiền điện khoảng 100 triệu đồng mỗi ngày. Ngoài ra, dự án phát sinh chi phí mỗi tháng khoảng 50 tỷ đồng bao gồm chi lương cho hơn 200 cán bộ Trung Quốc và Việt Nam, chi phí văn phòng, thuê nhà...
Với chừng đó thông tin, người dân kỳ vọng đến hết 31/12/2019, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ khai thác thương mại như phát biểu của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vào tháng 11/2019.
Thế nhưng, đến thời điểm đã bước sang năm mới 2020, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông vẫn chưa thể đưa vào khai thác thương mại, điều này cũng đồng nghĩa với việc dự án này lại thêm một lần lỡ hẹn.
Lý do, theo tư vấn ACT, tổng thầu chưa cung cấp được các chứng chỉ an toàn của 13 đoàn tàu, chưa có các kết quả thử nghiệm an toàn từ nhà sản xuất khiến tư vấn chưa thể hoàn tất đánh giá an toàn.
Mặc dù Bộ GTVT cho rằng làm đến đâu, tập hợp hồ sơ đến đó sẽ rút ngắn được thời gian. Tuy vậy, tổng thầu lại làm hiện trường nhiều hơn, sau đó mới tập hợp nên mất nhiều thời gian.
Kết thúc năm 2019, Bộ GTVT yêu cầu phải hoàn thành đánh giá an toàn hệ thống mới nhận bàn giao, trong khi tổng thầu khẳng định dự án đã hoàn thành 100%, nên bàn giao ngay. Về yêu cầu hoàn thiện hồ sơ, tổng thầu khẳng định không có hồ sơ để giao nộp.
Để tháo gỡ khó khăn cho dự án, Cục Đăng kiểm đã cấp chứng nhận đăng kiểm tạm thời cho đoàn tàu để đủ điều kiện vận hành thử toàn hệ thống. Đồng thời, Bộ GTVT đề nghị tư vấn rà soát phương thức đánh giá an toàn hệ thống, xem xét cấp tạm thời làm cơ sở vận hành thử và đưa vào khai thác.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 với tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỷ đồng (tương đương 552 triệu USD). Quá trình thực hiện, dự án được điều chỉnh lên 18.000 tỷ đồng (tương đương 868 triệu USD); thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC trọn gói, trong đó Tổng thầu là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc. Với chiều dài hơn 13 km và 12 nhà ga đi trên cao, dự án chính thức vận hành thử liên động toàn hệ thống vào tháng 9/2018. Tuy nhiên, đến nay công trình này vẫn chưa được khai thác thương mại. Sau nhiều năm chậm tiến độ, đến nay dự án đã hoàn thành xong phần xây dựng hạ tầng 13,05 km cầu cạn, 12 nhà ga trên cao và khu depot Yên Nghĩa, đã mua sắm, lắp đặt đủ 13 đoàn tàu, thiết bị phục vụ chạy tàu. Theo Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông, vướng mắc lớn nhất hiện nay là quá trình cung cấp hồ sơ để đánh giá an toàn hệ thống. Tổng thầu Trung Quốc chưa cung cấp đầy đủ, đặc biệt là hồ sơ liên quan đến các chứng chỉ, minh chứng về thí nghiệm trong quá trình sản xuất, thiết bị đoàn tàu. |