Cần phân cấp mạnh mẽ hơn trong giải quyết thủ tục hành chính

HẰNG THY 29/05/2024 21:06

Chính phủ thời gian tới tiếp tục phân cấp mạnh mẽ hơn nữa trong giải quyết thủ tục hành chính, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét các kiến nghị của VCCI.

>>Đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính: Kỳ vọng từ Chỉ thị số 16/CT-TTg

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An cho ý kiến tại phiên thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024, chiều 29/5/2024.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung nhận thấy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số với các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể tại các Nghị quyết, chương trình, các đề án quan trọng về đẩy mạnh, cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Qua báo cáo cho thấy, nhiều chỉ số của Việt Nam do các Tổ chức quốc tế đánh giá công bố năm 2023 được thăng hạng như xếp hàng môi trường kinh doanh tăng 12 bậc, xếp hạng 46/132 quốc gia về nền kinh tế chỉ số đổi mới toàn cầu, tăng 2 bậc so với năm 2022. Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đã được triển khai trên diện rộng, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong cải thiện môi trường kinh doanh, thuận lợi và minh bạch hơn…

Tuy nhiên, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cũng cho rằng, việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin qua thực tiễn đánh giá, cũng như qua phản ánh của người dân, doanh nghiệp vẫn còn tồn tại, hạn chế, vướng mắc như trong Báo cáo đã nêu.

Do đó, đại biểu cơ bản thống nhất với các giải pháp, phương hướng của Chính phủ đề ra đối với công tác này, và kiến nghị Chính phủ thời gian tới tiếp tục phân cấp mạnh mẽ hơn nữa trong giải quyết thủ tục hành chính, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét các kiến nghị của VCCI. Đồng thời phải hoàn thiện đồng bộ các quy định pháp luật song song với thực hiện cải cách thủ tục hành chính.

Để đáp ứng yêu cầu phục vụ tốt nhất cho xây dựng Chính phủ số và chuyển đổi số, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị việc xây dựng các cơ sở dữ liệu này ở mỗi ngành, lĩnh vực, địa phương phải xác định theo nguyên tắc đồng bộ, tích hợp và chia sẻ được với nhau.

>>Cắt giảm thủ tục hành chính, tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp

Có mặt tại phiên thảo luận, Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai yêu cầu làm rõ trách nhiệm đối với các cơ quan không thực hiện đúng cải cách thủ tục hành chính.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương cho biết, ngoài nội dung về kinh tế - xã hội, Chính phủ đã có báo riêng về rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính. Báo cáo của Chính phủ cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trong vấn đề này. 

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai

Hơn 18% quy định đã được cắt giảm và đơn giản hoá, chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2023 tăng lên 13 bậc so với năm 2022. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa các quy định kinh doanh chưa đạt yêu cầu đề ra. Tỷ lệ hoàn thành việc phân cấp thủ tục hành chính theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đạt được 29,5%.

Quá trình triển khai xây dựng, khai thác, ứng dụng, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong thủ tục hành chính còn nhiều khó khăn. Đại biểu chỉ rõ, hiện có 5 tỉnh, thành, trong đó có 4 thành phố trực thuộc Trung ương chưa thành lập trung tâm phục vụ hành chính công. Việc thực hiện thủ tục hành chính trong quá trình chuyển đổi số cũng gặp nhiều hạn chế do cơ sở dữ liệu chưa liên thông, chưa đồng bộ.

Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh của VCCI năm 2023 cho thấy, các vướng mắc về thủ tục hành chính, quy định kinh doanh của doanh nghiệp ít được phản ánh trong đề xuất cắt giảm của các bộ, ngành. Theo báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2023, gần 73% doanh nghiệp cho biết phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh trong năm 2023 do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục về đất đai, tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với tỉ lệ năm 2022 là 42,9 %. 

Trước thực trạng trên, đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm đẩy mạnh và cải cách thực chất hơn nữa, cắt giảm những thủ tục hành chính không cần thiết, đồng thời thực hiện đồng bộ những giải pháp Chính phủ đã đề ra trong báo cáo cũng như kiến nghị của các cơ quan của Quốc hội. Cùng với đó, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm khắc đối với các bộ, ngành, địa phương không thực hiện đúng cải cách thủ tục hành chính.

Góp ý về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023, Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, theo báo cáo, một số chỉ tiêu có biến động tích cực hơn như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế; chỉ số giá tiêu dùng; tỉ lệ huy động nguồn ngân sách nhà nước; thu ngân sách nhà nước; thu hút vốn đầu tư… nhiều chính sách đã phát huy hiệu quả cao ở những tháng cuối năm.

Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Có được nêu trên là sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và các địa phương; đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng vẫn còn một số chỉ tiêu đạt kết quả thấp hơn số đã báo cáo, như: Vốn đầu tư toàn xã hội, một số khoản thu; tổng chi ngân sách nhà nước; Giải ngân vốn đầu tư công…

Về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024, tăng trưởng kinh tế đạt 5,66% cao hơn cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu của sự phục hồi, thậm chí là sự tăng tốc trong các quý sau của năm, đồng thời tăng ở cả 3 khu vực và nông lâm thủy sản tiếp tục là trụ đỡ cho nền kinh tế. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao; Vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục tăng đã khảng định nền kinh tế đang có sự phục hồi. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng 3,93%, thấp hơn so với cùng kỳ và là năm thứ 9 liên tiếp kiểm soát được lạm phát…

Về thách thức cho những tháng cuối năm 2024, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, thách thức về tăng trưởng là rất lớn, ngay cả khi cả năm đạt mục tiêu thì vẫn khó đạt được mục tiêu 5 năm tăng 6,5%-7%. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,93%, tiến tới sát tới ngưỡng cho thấp nhất Quốc hội cho phép; chỉ số này khó đạt được mục tiêu, bởi đến 1/7 thực hiện cải cách tiền lương, cùng với sự tăng giá của 1 số mặt hàng…

Bày tỏ đồng tình với các nhiệm vụ như trong báo cáo, đại biểu Trần Văn Tiến lưu ý một số nội dung:

Thứ nhất, tập trung tháo gỡ các thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Thứ hai, ban hành kịp thời và đồng bộ các văn bản quy định chi tiết và các văn bản hướng dẫn thực hiện khi các dự án luật có hiệu lực. Tránh để luật có hiệu lực nhưng phải chờ các văn bản dưới luật. Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, chống thất thu thuế và đẩy mạnh tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước. Thứ tư, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và tác động đến tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm.

Có thể bạn quan tâm

  • Đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính: Kỳ vọng từ Chỉ thị số 16/CT-TTg

    04:00, 25/05/2024

  • Cắt giảm thủ tục hành chính, tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp

    03:00, 22/05/2024

  • Doanh nghiệp FDI vẫn cảm thấy phiền hà từ thủ tục hành chính

    02:30, 19/05/2024

  • Giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội

    03:00, 15/05/2024

  • Cân nhắc quy định về thời hạn xử lý thủ tục hành chính đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn

    03:00, 20/04/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần phân cấp mạnh mẽ hơn trong giải quyết thủ tục hành chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO