Cần sớm có quy định chi tiết về "Made in Vietnam"

Phương Thanh 11/08/2019 08:20

Doanh nghiệp nên có động thái cấp thiết đề nghị Bộ Công Thương, nhanh chóng hoàn thiện và ban hành quy định chi tiết thế nào là “hàng của Việt Nam” và “Made in Vietnam"

Việc chứng minh nguồn gốc xuất xứ của doanh nghiệp không chỉ liên quan đến lợi ích thuế quan mà còn là uy tín, niềm tin người tiêu dùng đối với thương hiệu sản phẩm. Thế nhưng, căn cứ vào đâu để sản phẩm được gắn mác "Made in Vietnam" hay dựa vào đặc điểm nào để nhận biết hàng "Made in Vietnam" là vấn đề đáng lo ngại của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Quy định xác định về nhãn hiệu hàng hóa còn nhiều bất cập

Quy định xác định về nhãn hiệu hàng hóa còn nhiều bất cập

Khó nhận biết về nguồn gốc

Theo ông Nguyễn Đắc Lộc - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội, hiện nay, chưa có quy định về hàng hóa được ghi nhãn "sản xuất tại Việt Nam" hay còn gọi là "made in Vietnam". Tại Điều 15 của Nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về xuất xứ hàng hóa có quy định:

Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình nhưng phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các Hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết.

Cách ghi xuất xứ hàng hóa được quy định như sau: Ghi cụm từ “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ” hoặc “sản xuất bởi” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó.” Tuy nhiên, xác định xuất xứ hàng hóa theo nguyên tắc nào, thì đến nay chưa có hướng dẫn rõ ràng cụ thể,  dẫn đến khó khăn trong công tác kiểm tra và xử lý của cơ quan quản lý thị trường. Ngoài ra Thông tư 05/2018/TT-BCT ngày 03/4/218 quy định về xuất xứ hàng hóa nhưng chỉ áp đối với hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu, chưa có quy định định chi tiết về hàng hoá tiêu thị nội địa. Do đó đây là khoảng trống gây khó khăn để thực hiện hành lang pháp lý trong công cuộc phòng chống gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, "trên ruyền thông đại chúng, tổ chức nhiều chương trình, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tuy nhiên cũng chưa có định nghĩa thế nào là "hàng Việt Nam" để người Việt Nam biết và ưu tiên lựa chọn, sử dụng; chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam. Do đó, người tiêu dùng trong nước chưa có căn cứ để phân biệt thế nào là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc Made in Vietnam". Ông Lộc nhấn mạnh.

Giải pháp nào cho doanh nghiệp

Theo Luật sư Nguyễn Phó Dũng thuộc Văn phòng Luật sư OPIC và Cộng sự cho biết: Sau  sự việc của công ty Asenzo vừa qua cho thấy, Nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa và Nghị định số 31/2018/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn Luật quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa hay Thông tư số 05/2018/TT-BCT quy định về xuất xứ hàng hóa, còn rất nhiều khoảng trống. Do đó, ngày 25/07/2019 Bộ Công Thương đã ban hành dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam.

Cần có quy định chi tiết về việc gắn nhãn mác hàng hóa

Cần có quy định chi tiết về việc gắn nhãn mác hàng hóa

Mặc dù dự thảo thông tư nhằm mục đích xác định thế nào là “Hàng của Việt Nam” và “xuất xứ Việt Nam”, nhưng trong phần giải thích từ ngữ tại Điều 3 Dự thảo Thông tư Bộ Công Thương chưa ra giải thích và làm rõ được các khái niệm trên. Thêm vào đó, trong Luật có quy định, hàng xuất khẩu được đóng mác "Made in Vietnam" là phải có từ 35 – 55% linh kiện sản xuất nội địa. Tuy nhiên lại chưa có quy định về bộ tiêu chí, cũng như tỉ lệ nội địa hoá để xác định như thế nào là hàng hoá được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam.

"Nếu đã là "Hàng của Việt Nam” hoặc “Hàng Việt Nam” và gắn nhãn “Hàng Việt Nam” phải là hàng có xuất xứ thuần túy tại Việt Nam thì 100% nguyên liệu sản xuất, gia công có xuất xứ Việt Nam và được sản xuất tại Việt Nam. Còn “Hàng sản xuất tại Việt Nam” và gắn nhãn hàng  "Made in Vietnam" là bất kỳ sản phẩm, hàng hóa nào được sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam không phân biệt tỉ lệ nội địa hóa đều có quyền ghi nhãn hàng sản xuất, xuất xứ tại Việt Nam. Có như vậy mới thực rõ ràng cho doanh nghiệp khi ghi nhãn mác và áp dụng". Đặc biệt,Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại FTA thế hệ mới đồng thời là thành viên trong nội khối CPTPP, do vậy việc gắn mác xuất xứ sản phẩm có vai trò quan trọng tới hàng rào thuế quan và uy tín thương mại. Do đó, doanh nghiệp nên có động thái cấp thiết đề nghị Bộ Công Thương, nhanh chóng hoàn thiện và ban hành quy định chi tiết thế nào là “Hàng của Việt Nam” và “Made in Vietnam giúp xác định được hướng đi cụ thể trong việc áp dụng và gắn nhãn mác bảo vệ thương hiệu của mình" - Ông Dũng nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần sớm có quy định chi tiết về "Made in Vietnam"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO