Các bằng chứng trên thế giới cho thấy tác động của diện tích hình ảnh cảnh báo lớn trên bao bì các sản phẩm thuốc lá lên nhận thức và hành vi sử dụng thuốc lá.
Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, với những gánh nặng về bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá đang trở thành vấn đề y tế công cộng được ưu tiên hàng đầu trên thế giới. Sử dụng thuốc lá đang chuyển nhanh từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển, gây ra những tác hại đối với sức khỏe, kinh tế và môi trường cho các nước, trong đó có Việt Nam.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, 90% bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi, 75% bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là do sử dụng thuốc lá. Tại Việt Nam, mỗi năm có ít nhất 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá.
Các giải pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả mà các quốc gia đang nỗ lực ưu tiên thực hiện gồm: thực hiện môi trường 100% không khói thuốc; in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh chiếm diện tích lớn trên bao bì sản phẩm thuốc lá; tăng thuế thuốc lá; thực thi cấm toàn diện quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá, hỗ trợ cai nghiện thuốc lá...
Thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc, ngày 8/2/2013, Bộ Y tế và Bộ Công Thương ban hành Thông tư liên tịch số 05/2013/TTLT-BYT-BCT hướng dẫn việc ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá quy định: Diện tích in cảnh báo sức khỏe phải chiếm ít nhất 50% diện tích của mỗi mặt chính trước và mặt chính sau trên bao bì thuốc lá.
Việc ghi nhãn và in cảnh báo sức khỏe trên bao bì các sản phẩm thuốc lá được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 05/2013/TTLT-BYT-BCT ngày 08/02/2013 hướng dẫn việc ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá đã sử dụng bộ 6 mẫu cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh.
Theo báo cáo của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, về cơ bản, các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá tuân thủ quy định về ghi nhãn thuốc lá, tuân thủ quy định về luân phiên thay đổi hình ảnh cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá.
Các hình ảnh cảnh báo sức khỏe trên bao bì các sản phẩm thuốc lá cùng với các thông điệp làm tăng mong muốn bỏ thuốc và giảm tỉ lệ bắt đầu hút thuốc, đặc biệt là trong giới trẻ.
Các bằng chứng trên thế giới cho thấy tác động của diện tích hình ảnh cảnh báo lớn trên bao bì các sản phẩm thuốc lá lên nhận thức và hành vi sử dụng thuốc lá. Tuy nhiên, hình ảnh và thông điệp về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người in trên bao bì các sản phẩm thuốc lá đã thực hiện 10 năm nhưng chưa có thay đổi về hình ảnh và nội dung.
Theo kinh nghiệm của các nước việc không thay đổi, làm mới các hình ảnh và thông điệp in cảnh báo sức khỏe trên bao bì các sản phẩm thuốc lá sẽ dần làm mất tác dụng cảnh báo đối với người tiêu dùng.
Nghiên cứu năm 2019 của Trường Đại học Y tế công cộng cho thấy, hiệu quả cảnh báo và tác động cảnh báo của cả 6 mẫu CBSK hiện đang áp dụng tại Việt Nam đều giảm rõ rệt so với thời điểm năm 2013 là thời điểm bắt đầu in cảnh báo sức khỏe. Đặc biệt có 3 mẫu bị đánh giá là hiệu quả cảnh báo ở mức dưới trung bình và thông điệp cảnh báo sức khỏe không rõ ràng. Cụ thể là các mẫu “Khói thuốc lá rất có hại cho thai nhi và trẻ nhỏ”, “Hút thuốc dẫn tới cái chết từ từ và đau đớn” và “Hút thuốc gây hôi miệng và hỏng răng”.
Hơn 70% đối tượng tham gia nghiên cứu đồng ý tăng diện tích cảnh báo to hơn so với hiện nay và đa phần đề xuất tăng diện tích cảnh báo lên bằng 75% diện tích của vỏ bao thuốc, phần chữ của hình ảnh cảnh báo được đề nghị in sắc nét, tương phản với hình ảnh cảnh báo và có thể giữ nguyên diện tích phần chữ hoặc tăng diện tích phần chữ lên 30%.
Nghiên cứu khuyến nghị cần thay đổi bộ cảnh báo sức khỏe để đảm bảo hiệu quả của cảnh báo theo hướng dẫn của Điều 11 Công ước Khung về Kiểm soát tác hại của thuốc lá với 6 mẫu CBSK mới được đề xuất bởi cộng đồng.
Diện tích in hình ảnh và thông điệp cảnh báo bằng hình ảnh trên vỏ bao thuốc hiện nay của Việt Nam là 50%, nhỏ hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực, như: Lào, Brunei và Myanmar là diện tích in cảnh báo là 75%.
Thái Lan và Singapore đã thực hiện in bao bao bì theo chuẩn mực chung nhằm hạn chế hoặc cấm sử dụng logo, màu sắc, hình ảnh thương hiệu hoặc các thông tin quảng cáo trên bao bì thuốc lá.
Có thể bạn quan tâm