Trong bối cảnh nền kinh tế được dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức, theo chuyên gia, việc gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN để cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là vô cùng cần thiết…
>> Kéo dài thời hạn Thông tư 02/2023: Giảm áp lực nợ xấu, hỗ trợ doanh nghiệp
Báo cáo gần đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, sau 8 tháng triển khai Thông tư 02/2023/TT-NHNN (lũy kế từ ngày 24/4/2023 đến ngày 30/11/2023), tổng dư nợ bao gồm gốc và lãi được tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 171.083 tỷ đồng, với 175.581 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Số dư nợ được cơ cấu nợ tăng đều qua các tháng và hiện không phát sinh khó khăn, vướng mắc về quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN.
Đáng nói, tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô ngày 07/12/2023 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó Ngân hàng Nhà nước được giao 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung/kéo dài thời gian thực hiện đối với một số Thông tư, trong đó có Thông tư 02/2023/TT-NHNN, nhằm phù hợp với tình hình thực tế, ổn định thị trường tiền tệ, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Thực tế, năm 2023 dòng tín dụng có dấu hiệu bị nghẽn, tăng trưởng tín dụng thấp, đến ngày 13/12/2023 chỉ mới tăng 9,87% so với cuối năm 2022. Doanh nghiệp tiếp cận tín dụng còn nhiều khó khăn, trong khi dư địa tăng trưởng tín dụng còn lại toàn hệ thống để các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng rất lớn, thế nên, việc kéo dài quy định cơ cấu nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN được xem là điều hợp lý.
>>Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm, dòng tiền vào cổ phiếu ngân hàng chưa đủ mạnh
Chưa kể, các dự báo được đưa ra gần đây cũng cho hay, nợ xấu khả năng vẫn chưa đạt đỉnh. Đỉnh của nợ xấu sẽ chính thức bắt đầu khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN hết hiệu lực. Trong khi đó, hành lang pháp lý xử lý nợ xấu sẽ có nhiều khoảng trống khi Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu đã hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023, nhưng Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chưa thông qua. Vì vậy, việc gia hạn, nối dài Thông tư 02/2023/TT-NHNN để giảm áp lực cho cả ngân hàng và doanh nghiệp là điều cần thiết.
Chia sẻ về sự cần thiết gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, việc cơ cấu, giãn hoãn nợ được đánh giá là rất hiệu quả trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian vừa qua. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp kiến nghị ngân hàng gia hạn thêm, thay vì kết thúc là 30/06/2024, bởi hiện nay các khoản nợ xấu cũ chưa được xử lý xong sẽ có thể phát sinh thêm các khoản nợ xấu mới. Khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN hết hiệu lực sẽ gây ra áp lực lớn.
Còn theo các chuyên gia, hiện nợ xấu đã ở mức khá cao và có khả năng tiếp tục tăng trong năm sau, trong khi đó nền kinh tế được dự báo còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, bởi vậy rất cần các giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp phục hồi, trong đó, việc tiếp tục cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN là giải pháp cần tính đến.
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế - TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, có thể kéo dài Thông tư 02/2023/TTNHNN tối đa 1 năm, đến tháng 6/2025, thời điểm thị trường bất động sản được dự báo sẽ phục hồi.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nếu không gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN, các ngân hàng sẽ đối mặt với khó khăn, bởi phải hạch toán trở lại theo đúng nhóm nợ và rất có thể trong số đó có nhiều khoản nợ phải chuyển nhóm sâu, tăng trích lập dự phòng rủi ro, thậm chí lợi nhuận giảm mạnh. Kéo dài thời gian hiệu lực của Thông tư nhằm giãn quá trình xử lý nợ, giúp tiến trình trích lập dự phòng rủi ro diễn ra từ từ, không ảnh hưởng lớn đến nền tảng tài chính.
Được biết, xoay quanh vấn đề gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, tại buổi họp báo mới đây, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước - Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục xem xét gia hạn.
Theo ông Tú, Thông tư 02/2023/TT-NHNN có ý nghĩa rất quan trọng trong cả Ngân hàng Thương mại và doanh nghiệp, khách hàng vay vốn, tháo gỡ trực tiếp nhu cầu. Trong trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục duy trì Thông tư 02/2023/TT-NHNN để gỡ khó cho nền kinh tế.
“Đến 30/6, nếu như nền kinh tế vẫn cần, doanh nghiệp vẫn cần thì trước đó khoảng 3 tháng, chúng tôi sẽ trình để tiếp tục duy trì Thông tư 02/2023/TT-NHNN”, ông Tú chia sẻ.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước trong việc này là phải công khai, minh bạch nợ xấu, không thể vì cơ cấu các khoản nợ mà tổ chức tín dụng được phép giấu nợ xấu.
Có thể bạn quan tâm
Kéo dài thời hạn Thông tư 02/2023: Giảm áp lực nợ xấu, hỗ trợ doanh nghiệp
05:30, 22/12/2023
Cần gia hạn Thông tư 02 để hỗ trợ Ngân hàng và doanh nghiệp
02:50, 18/12/2023
Cách tiếp cận trong Thông tư 02 về thức ăn chăn nuôi không phù hợp
15:00, 01/04/2019
Kiến nghị Thông tư 02 chỉ áp dụng với đơn vị kinh doanh thức ăn chăn nuôi
17:40, 21/03/2019
Ngân hàng mua TPDN để tái cơ cấu nợ: Cần tuân thủ quy định tín dụng
03:28, 12/09/2023