Bài báo in

Cần thiết sửa đổi Luật Kế toán 2019

Gia Nguyễn thực hiện 15/09/2024 00:30

Dù đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành, Luật Kế toán 2019 đã cho thấy còn nhiều hạn chế, bất cập, cần được sửa đổi và bổ sung.

Đây là chia sẻ của Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN với DĐDN.

LS Nguyễn Trọng Hiệp
Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp

Luật Kế toán sửa đổi, bổ sung năm 2019 là văn bản pháp lý cao nhất hiện nay để kiểm tra việc thực hiện công tác tại các đơn vị có thực hiện hoạt động sản xuất - kinh doanh và hoạt động thu, chi ngân sách. Ông có thể chia sẻ đôi chút về Luật này?

Luật Kế toán được Quốc hội khóa XIII, thông qua ngày 20/11/2015 tại Kỳ họp thứ 10, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017. Luật này quy định nội dung công tác kế toán, tổ chức bộ máy kế toán, người làm kế toán, hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán, quản lý Nhà nước về kế toán và tổ chức nghề nghiệp kế toán.

Để triển khai Luật Kế toán, Chính phủ đã ban hành 05 Nghị định, trong đó có Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán về nội dung công tác kế toán, tổ chức bộ máy kế toán và người làm kế toán, hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán, cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới và tổ chức nghề nghiệp về kế toán. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã ban hành 39 Thông tư quy định về chế độ kế toán, chuẩn mực kế toán và tổ chức quản lý Nhà nước về công tác kế toán; cũng như kiểm tra, giám sát.

ke-toan-doanh-nghiep.jpg
Việc quy định thời gian kiểm tra tối thiểu, tối đa cho một cuộc kiểm tra kế toán như hiện tại là chưa thật hợp lý vì quá dài, ảnh hưởng không tốt đến hoạt động doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)

Để phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, ngày 13/6/2019, tại Kỳ họp thứ 7, quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Quản lý thuế năm 2019. Trong đó, có bổ sung Điều 70a vào sau Điều 70 của chương IV Luật Kế toán năm 2015. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020.

Dù đã góp phần thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực kế toán Việt Nam nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung từ khi có hiệu lực, tuy nhiên, sau quá trình áp dụng vào thực tế, luật đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần phải được hoàn thiện cho phù hợp với tình hình thực tế,…

Cụ thể ở đây là những vấn đề gì, thưa ông?

Thứ nhất, về đơn vị sử dụng trong kế toán, theo khoản 3 Điều 10 Luật này: Doanh nghiệp được làm tròn số, sử dụng đơn vị tính rút gọn khi lập hoặc công khai báo cáo tài chính. Việc quy định như vậy là chưa rõ và chi tiết sẽ dẫn đến việc triển khai không thống nhất, đồng bộ của các đơn vị kế toán trong phạm vi quốc gia.

Thứ hai, về các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 13 Luật Kế toán 2019 mặc dù đã quy định rõ 15 hành vi bị nghiêm cấm trong hành nghề kế toán và tổ chức thực hiện công tác kế toán tại các cơ quan đơn vị và doanh nghiệp, tuy nhiên, Luật chưa làm rõ chế tài xử phạt với từng hành vi vi phạm cụ thể nên tính răn đe chưa cao.

Chẳng hạn đối với các hành vi: Thỏa thuận, ép buộc người khác giả mạo, khai man, tẩy xóa chứng từ kế toán hoặc tài liệu kế toán khác (khoản 1); Cố ý, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật (khoản 2); Mua chuộc, đe dọa, trù dập, ép buộc người làm kế toán thực hiện công việc kế toán không đúng với quy định (khoản 6);… rất khó để xác định có căn cứ.

Thứ ba, về kiểm tra kế toán, Điều 36 quy định, thời gian kiểm tra tối thiểu, tối đa cho một cuộc kiểm tra kế toán do cơ quan có thẩm quyền kiểm tra kế toán quyết định nhưng không quá 10 ngày (không kể ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của Bộ luật Lao động).

Trường hợp nội dung kiểm tra phức tạp, cần có thời gian để đánh giá, đối chiếu, kết luận, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra kế toán có thể kéo dài thời gian kiểm tra; thời gian kéo dài đối với mỗi cuộc kiểm tra không quá 05 ngày. Như vậy, thời gian tối đa đối với mỗi cuộc kiểm tra kế toán là 15 ngày.

Việc quy định thời gian kiểm tra tối thiểu, tối đa cho một cuộc kiểm tra kế toán như hiện tại là chưa thật hợp lý vì quá dài, điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động tài chính của doanh nghiệp. Chưa kể, Luật cũng chưa có sự phân biệt thời gian kiểm tra khác nhau cho các doanh nghiệp có quy mô hoạt động không giống nhau…

Vậy để giải quyết các hạn chế, bất cập đã nêu, ông có đề xuất, khuyến nghị gì?

Theo tôi, cần thiết hoàn thiện một số Điều, khoản của Luật Kế toán sửa đổi, bổ sung năm 2019 theo hướng, về đơn vị sử dụng trong kế toán, Luật cần phải có hướng dẫn chi tiết và cụ thể, làm tròn sau dấu phẩy là bao nhiêu số thập phân, làm tròn theo nguyên tắc nào? Và những báo cáo nào được làm tròn số…

Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 13), Luật cần ban hành các Nghị định để quy định cụ thể các chế tài xử phạt cho từng hành vi vi phạm pháp luật, cần xem xét đến các nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan chi phối đến đạo đức của người vi phạm, có như vậy mới ngăn chặn được các hành vi vi phạm pháp luật về kế toán có thể xảy ra trong tương lai làm ảnh hưởng đến chất lượng và làm sai lệch thông tin mà kế toán cung cấp cho các đối tượng có liên quan.

Cuối cùng, về kiểm tra kế toán theo Điều 36, cần phải sửa đổi, điều chỉnh rút ngắn thời gian cho một cuộc kiểm tra như: đối với những doanh nghiệp có quy mô lớn, thời gian kiểm tra cho một cuộc không quá 07 ngày, với những doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, thời gian cho một cuộc kiểm tra không quá 05 ngày. Đối với các trường hợp đặc biệt, thời gian cho một cuộc kiểm tra không quá 12 ngày. Đặc biệt, việc kiểm tra kế toán không nên tiến hành thường xuyên theo định kỳ mà chỉ thực hiện kiểm tra kế toán khi xét thấy đơn vị đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần thiết sửa đổi Luật Kế toán 2019
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO