Ngày 26/10, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng thủ dân sự.
>>Sửa Luật Dầu khí: Cần luật hóa các chính sách khai thác tận thu đặc thù
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp Kỳ thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến lần 2 đối với dự án Luật Phòng thủ dân sự tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022.
Trước đó, tại Hội thảo về dự án Luật Phòng thủ dân sự do Ủy ban Quốc phòng – An ninh tổ chức, các đại biểu đều cơ bản nhất trí về sự cần thiết xây dựng và ban hành luật này với vai trò là luật chung, đồng thời đề nghị rà soát kỹ lưỡng bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Tại hội thảo, dưới góc độ nghiên cứu, các nhà khoa học, chuyên gia đã tham luận, làm rõ bản chất, nội hàm của khái niệm “phòng thủ dân sự” đặt trong mối quan hệ với quy định của Luật Quốc phòng và nghiên cứu đề xuất chỉnh lý cho phù hợp với thực tiễn; làm rõ khái niệm “thảm họa”, “sự cố”, nguyên tắc áp dụng pháp luật để xử lý các tình huống thảm họa, sự cố trong mối quan hệ với các luật chuyên ngành.
Các ý kiến tham luận cũng phân tích về phạm vi và đối tượng điều chỉnh; những nội dung cơ bản cần quy định tại dự thảo Luật Phòng thủ dân sự để tránh chồng chéo với phạm vi điều chỉnh của các luật chuyên ngành, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi; về hoạt động phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp; cơ chế chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự, huy động, phối hợp trong phòng thủ dân sự; về tổ chức lực lượng phòng thủ dân sự và các quy định khác của dự thảo luật.
>>Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV: Đảm bảo chất lượng cao nhất khi thông qua các dự án luật
>>Nhiều vấn đề "nóng" tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV
Khẳng định sự cần thiết xây dựng luật này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hoàng Oanh cũng chia sẻ khó khăn trong xây dựng luật này với vai trò là một luật chung trong bối cảnh đã có rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các nội dung về phòng thủ dân sự rải rác ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Trong đó có Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đê điều hay Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Phòng cháy, chữa cháy và nhiều quy định khác ở luật và dưới luật. Tuy nhiên qua rà soát lại các quy định pháp luật hiện nay về phòng thủ dân sự cho thấy vẫn còn thiếu những quy định mang tính chung nhất về phòng thủ dân sự, phòng, chống khắc phục hậu quả, thảm họa, sự cố, thiên tai. Các quy định cụ thể ở từng luật thì còn tản mát, phân tán, chưa có sự thống nhất và đặc biệt là chưa có quy định mang tính chung nhất, chưa có quy định mang tính hệ thống, bài bản trong việc triển khai các hoạt động kể từ giai đoạn phòng ngừa cho đến giai đoạn ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa khi xảy ra.
Điểm lại một số luật chuyên ngành trong từng lĩnh vực cũng cho thấy còn thiếu các quy định từ xây dựng chiến lược, kế hoạch, quy hoạch, các biện pháp và các phương án, giải pháp để phòng ngừa, ứng phó, khắc phục đối với thảm họa, sự cố trong từng lĩnh vực mà luật đó điều chỉnh; chưa có các quyết định về phân cấp, phân quyền trong triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó và khắc phục thảm họa, sự cố.
Ngoài ra, cũng chưa có các biện pháp để đánh giá rủi ro, phân loại các cấp độ rủi ro để có biện pháp phòng ngừa, ứng phó cụ thể; chưa có các quy định liên quan đến biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích của công dân; các biện pháp chung để huy động sự tham gia của tổ chức, của cá nhân trong việc ứng phó; biện pháp hỗ trợ của Nhà nước trong trường hợp có rủi ro, thảm họa hay sự cố.
Dẫn chứng cho lập luận trên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp chỉ rõ, Luật Bảo vệ môi trường mới chỉ có các quy định chung về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, trách nhiệm về phòng ngừa sự cố môi trường hay là phân cấp sự cố môi trường và các giai đoạn ứng phó sự cố môi trường.
Hay đại dịch COVID-19 vừa qua đã cho thấy Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thiếu vắng quy định liên quan đến các biện pháp có tính chủ động để ứng phó, khắc phục hậu quả do dịch bệnh gây ra. Luật Phòng cháy, chữa cháy còn thiếu các quy định mang tính hệ thống và chưa có quy định về các quy hoạch, về phương án, kịch bản để đảm bảo tính chủ động trong phòng cháy, chữa cháy; các biện pháp khắc phục hậu quả cháy còn sơ sài và chung chung, chưa đảm bảo được sự hỗ trợ kịp thời cho người dân bị ảnh hưởng do vụ cháy.
Luật Năng lượng nguyên tử cũng chỉ có một số các quy định rất sơ sài về ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân. Trong khi đó, dự thảo Luật Phòng thủ dân sự có đầy đủ quy định về hoạt động khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, tổ chức thống kê, đánh giá thiệt hại hay rõ về trách nhiệm của từng cơ quan từ Chỉ huy phòng thủ dân sự ở cấp các bộ, ngành Trung ương, cơ quan chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp, Ủy ban nhân dân các cấp… các biện pháp để cứu trợ, hỗ trợ thiệt hại, huy động quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hoàng Oanh nhấn mạnh với thực trạng pháp luật về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố như hiện nay thì dự thảo Luật Phòng thủ dân sự được quy định mang tính chất là một luật chung nhất, quy định đầy đủ, toàn diện những vấn đề có liên quan đến phòng chống và khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh sẽ tạo ra được một hệ thống pháp lý hoàn chỉnh và đầy đủ để điều chỉnh tất cả các loại thảm họa, sự cố có thể xảy ra trên thực tế, kịp thời bổ khuyết với những khoảng trống pháp luật đảm bảo chủ động phòng ngừa, ứng phó, bảo đảm an ninh, an toàn.
Bày tỏ đồng tình về sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Phòng thủ dân sự, Đại tá, PGS.TS Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an đề nghị dự thảo luật cần bổ sung, chỉnh lý để quy định, làm rõ hơn nội hàm của phạm vi điều chỉnh, xác định các dạng thảm họa, phân định cấp độ phòng thủ dân sự và rà soát, củng cố quy định về phân công nhiệm vụ ứng phó, trách nhiệm chỉ đạo, chỉ huy ứng phó để kích hoạt hoạt động phòng thủ dân sự bảo đảm kịp thời, hiệu quả và thống nhất, giải quyết vấn đề còn chồng chéo, phân tán giữa các luật và nghị định, thông tư chuyên ngành trong việc phòng, chống, ứng phó với các loại thảm họa.
Theo ThS. Đinh Ngọc Quang, Trưởng Phòng Pháp chế và Chính sách, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Bộ Khoa học và Công nghệ, hoạt động phòng thủ dân sự khi có nguy cơ xảy ra thảm họa, sự cố và hoạt động phòng thủ dân sự khi xảy ra thảm họa, sự cố cần phải là nội dung quan trọng của kế hoạch phòng thủ dân sự.
Kế hoạch này cần được cụ thể hóa thành các kịch bản, mỗi kịch bản lại có một hoặc nhiều quy trình hành động khác nhau làm căn cứ để chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị và diễn tập; để khi có nguy cơ xảy ra thảm họa, sự cố thì hệ thống ứng phó có thể kích hoạt được kịp thời, trơn tru.
Thiếu tướng Bùi Trọng Quỳnh, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho rằng, chính quyền địa phương có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng thủ dân sự với phương châm "4 tại chỗ", chính quyền địa phương là nơi trực tiếp huy động lực lượng, phương tiện bước đầu xử lý các tình huống về phòng thủ dân sự, hạn chế thiệt hại về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Trong đợt dịch COVID-19 vừa qua đã thể hiện rõ vị trí, vai trò quan trọng của chính quyền địa phương các cấp, góp phần quan trọng vào thành công của công tác phòng, chống dịch. Do đó, công tác cảnh báo, dự báo, xây dựng công trình gắn với phòng thủ dân sự tại địa phương là rất quan trọng, cần phải được chủ động hơn...
Đại diện Ban soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương cho biết, ngày 30/8/2022 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22 về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo, trong đó, giao Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo việc ban hành Luật Phòng thủ dân sự; rà soát, sửa đổi, bổ sung xây dựng các văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ cho việc thực hiện và giám sát việc thực hiện nghị quyết.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đánh giá cao tinh thần 3 chủ động gồm: chủ động dự báo, đánh giá; chủ động vào cuộc từ sớm từ xa; chủ động phối hợp chặt chẽ để tổ chức hội thảo này; đề nghị cơ quan thẩm tra và Ban soạn thảo tiếp tục làm rõ 3 cơ sở xây dựng Luật về cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn bảo đảm thuyết phục.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần có 1 đạo luật quy định chung nhất để ứng phó, kích hoạt các hoạt động Phòng thủ dân sự cho tất cả các tình huống. Tuy nhiên, cần làm rõ các khái niệm, phạm vi điều chỉnh để thiết kế các điều luật, tránh sự chồng chéo với 75 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Có thể bạn quan tâm
03:02, 22/10/2022
17:27, 21/10/2022
05:05, 21/10/2022
09:49, 20/10/2022
05:34, 20/10/2022
18:26, 17/10/2022