Hoan nghênh những đề xuất mang tính cải cách trong Dự thảo phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định của Bộ Công Thương, tuy nhiên, VCCI đề nghị, cần tiếp tục hoàn thiện.
Theo đó, trả lời Công văn số 132/HĐTV của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị góp ý Dự thảo Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương năm 2025 (Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Dự thảo đã có những đề xuất mang tính cải cách (ví dụ: thu hẹp phạm vi của ngành nghề kinh doanh có điều kiện; bãi bỏ một số thủ tục hành chính, cắt giảm các giấy tờ trong thủ tục hành chính …). Điều này sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và cộng đồng rất hoan nghênh các đề xuất này.
Tuy vậy, để hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thực chất, VCCI đề nghị cân nhắc, xem xét lại một số vấn đề để hoàn thiện Dự thảo.
Cụ thể, về phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính, theo VCCI, Dự thảo đã đề xuất phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính theo hướng chuyển từ Bộ trưởng xuống cho Cục trưởng, tại một số thủ tục như: cấp mới, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô; cấp mới, cấp đổi, cấp lại Giấy phép chế biến nguyên liệu thuốc lá; giấy phép sản xuất rượu công nghiệp; chấp thuận nhập khẩu nguyên liệu thuốc lá để chế biến nguyên liệu thuốc lá xuất khẩu hoặc gia công chế biến nguyên liệu thuốc lá xuất khẩu;…
Việc phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính sẽ góp phần giảm các tầng nấc trong quy trình giải quyết thủ tục, làm cho thủ tục trở nên đơn giản hơn. Điều này đồng nghĩa với việc thời gian giải quyết thủ tục sẽ được rút ngắn hơn.
“Trên thực tế, việc phân cấp giải quyết thủ tục hành chính từ Bộ trưởng xuống Cục trưởng nhưng không sửa đổi thời gian giải quyết thủ tục hành chính, đối với các đối tượng thực hiện thủ tục hành chính là không có nhiều tác động thuận lợi hơn. Đề nghị cân nhắc sửa đồng thời với việc phân cấp là rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính”, VCCI góp ý.
Bên cạnh đó, về thủ tục cấp phép nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, Dự thảo đưa ra đề xuất bãi bỏ toàn bộ thủ tục hành chính với lý do “tạo điều kiện cho doanh nghiệp và giảm bớt chi phí tuân thủ khi thực hiện thủ tục hành chính”.
Góp ý quy định này, VCCI cho biết, trên thực tế, từ cơ chế kiểm soát các chất HCFC đã được thực hiện theo quy định tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP, các quy định liên quan đến quản lý các chất HCFC tại các Thông tư 47/2011/TTLT-BCT-BTNMT, Thông tư 51/2018/TT-BCT, Thông tư 05/2020/TT-BCT sẽ hết hiệu lực.
Như vậy, việc bãi bỏ thủ tục cấp phép nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ô-dôn tại ba thông tư này không có tính chất cắt giảm về thủ tục hành chính, mà thuộc về trường hợp rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực vì có văn bản quy phạm pháp luật khác thay thế.
Mặt khác, cơ chế quản lý các chất HCFC theo quy định tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP là phân bổ hạn ngạch, đăng ký về cơ bản là không thay đổi so với các quy định tại các Thông tư đã được đề xuất bãi bỏ.
Vì vậy, VCCI cho rằng, đề xuất liên quan đến “thủ tục cấp phép nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ô-dôn” tại Dự thảo là chưa phù hợp, đề nghị bỏ khỏi Dự thảo.
Ngoài vấn đề đã nêu, tại văn bản góp ý, theo VCCI, Dự thảo có một số đề xuất không đủ rõ về hướng cắt giảm, đơn giản hóa các quy định kinh doanh vì vậy không đủ thông tin để nhận diện được tính hợp lý của các đề xuất này.
Cụ thể như: Mục I.3 Phần VI Dự thảo đề xuất cắt giảm nội dung kiểm tra định kỳ/đột xuất đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô. Nội dung này chưa rõ là sẽ bỏ hoạt động kiểm tra định kỳ/đột xuất hay là giảm tần suất kiểm tra định kỳ/đột xuất?
Mục I.6 Phần VI Dự thảo đề xuất cắt giảm một số trường hợp phải thực hiện thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô. Nội dung này chưa rõ sẽ bãi bỏ/sửa đổi trường hợp nào về cấp đổi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô?
Mục I.2 Phần VIII Dự thảo đề xuất sửa đổi điều kiện cấp lại Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá, Giấy phép chế biến nguyên liệu thuốc lá trong trường hợp hết hạn và có nhu cầu tiếp thục hoạt động, nhưng không rõ sửa đổi theo hướng nào?; Mục I.4 Phần VIII Dự hảo đề xuất sửa đổi điều kiện về hệ thống phân phối đối với thương nhân phân phối rượu, nhưng không rõ sửa theo hướng nào? Bỏ điều kiện này hay là giảm yêu cầu về hệ thống phân phối?
Để đảm bảo tính rõ ràng và có đủ thông tin đánh giá, VCCI đề nghị bổ sung rõ hơn các đề xuất nêu trên.