Trước khi Thông tư 14/2017/TT-NHNN có hiệu lực, hiếm có việc khách hàng được tiếp cận bảng kê tính toán lãi suất của ngân hàng nếu không thuộc trường hợp bất đắc dĩ là đáo tụng đình.
Bởi vậy, lãi suất thả nổi trở thành “con dao hai lưỡi” khi khách hàng gặp khó khăn trong việc chủ động về tài chính.
Hiện nay, khách hàng thường bắt gặp mẫu hợp đồng vay vốn ngân hàng với 2 hình thức cơ bản về phương thức lãi suất. Mẫu thứ nhất thường ghi “ngân hàng áp dụng mức lãi suất cố định …%/năm”.
Mẫu thứ hai là “Phương thức áp dụng lãi suất cho vay: lãi suất thả nổi. Lãi suất cơ sở + biên độ”; “lãi suất linh hoạt, áp dụng kể từ ngày giải ngân lần đầu …%/năm + biên độ”; hoặc “lãi suất cho vay điều chỉnh theo định kỳ + biên độ”. Đây cũng là 2 hình thức mà bên vay cân nhắc để lựa chọn phương thức trả lãi hợp lý là lãi suất cố định và lãi suất thả nổi.
Lãi suất cố định được hiểu là mức lãi suất được ấn định ở một mức cụ thể và quy định trong hợp đồng vay vốn. Ưu điểm của hình thức này là không chịu tác động của biến động lãi suất thị trường. Lãi suất không thay đổi trong suốt thời gian vay. Còn lãi suất thả nổi là lãi suất cho vay được điều chỉnh theo định kỳ, tăng/giảm theo thời gian.
Mức điều chỉnh và kỳ hạn điều chỉnh lãi suất theo thỏa thuận giữa bên vay và khách hàng, theo quy định pháp luật. Kỳ hạn điều chỉnh lãi suất thường là 3 tháng/lần, 6 tháng/lần hoặc 12 tháng/lần. Thông thường lãi suất cố định được áp dụng cho vay ngắn hạn còn lãi suất thả nổi/điều chỉnh được áp dụng cho khoản vay trung và dài hạn.
Nếu lãi suất cố định được thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng và đúng quy định pháp luật, trường hợp xảy ra tranh chấp các bên thường quan tâm lãi phạt quá hạn, thì với phương thức lãi suất thả nổi, khách hàng sẽ yêu cầu ngân hàng xuất trình bảng kê tính lãi. Bởi lẽ hiếm có việc khách hàng được tiếp cận bảng kê tính toán lãi suất của ngân hàng nếu không rơi vào trường hợp bất đắc dĩ là đáo tụng đình. Khi đó, việc theo dõi những lần điều chỉnh là cần thiết.
Trong vụ việc mới đây, Công ty TNHH Kim Anh (chủ đầu tư dự án Khu nhà phố Wall, Khu đô thị mới Cầu giấy, Hà Nội) đã yêu cầu Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) xem xét lại cách tính lãi và được tòa án chấp nhận.
Theo đó, năm 2011, Công ty vay ngân hàng số tiền 64 tỷ đồng với mục đích chi phí cho công trình xây dựng nhà ở. Trong hợp đồng nêu rõ, phương thức áp dụng lãi suất điều chỉnh 1 tháng/lần cộng biên độ 5%. Lãi suất được xác định bằng lãi suất huy động vốn trả sau kỳ hạn 6 tháng.
Trước mỗi kỳ điều chỉnh, Ngân hàng thông báo bằng văn bản đến khách hàng. Tính đến ngày 2/6/2013, Công ty Kim Anh đã thanh toán 17 tỷ đồng tiền gốc và 22 tỷ đồng tiền lãi. Do Công ty chây ỳ trả nợ, năm 2017, Ngân hàng khởi kiện ra tòa đòi nợ gốc và lãi là 40,6 tỷ đồng.
Nội dung vụ việc thể hiện, từ năm 2013 - 2017, Ngân hàng giảm lãi suất trong hạn nhiều lần từ 23,5%/năm xuống còn 14,5%/năm. Tuy nhiên Công ty cho rằng không được Ngân hàng thông báo mức điều chỉnh. Mặc khác, từ năm 2013 – 2017, lãi suất thay đổi nhiều lần; nhà băng tính lãi suất không đúng, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Quá trình xét xử tại tòa, Ngân hàng đã cung cấp bảng tính lãi kèm các văn bản nội bộ từ năm 2011 - 2013 quy định về nguyên tắc xác định lãi suất cho vay với từng đối tượng cụ thể. Tòa án nhận thấy, kể từ kỳ tính lãi năm 2014 - 2017, Ngân hàng có các văn bản giảm mức lãi suất cho vay. Nếu áp dụng các văn bản này với mục đích chi phí cho công trình xây dựng nhà ở thì mức lãi suất có thể giảm dưới mức 14,5%/năm.
Ngoài ra, phía Ngân hàng không xuất trình được văn bản cung cấp cho khách hàng trước khi điều chỉnh. Do đó, ngày 28/3/2018, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã hủy bản án sơ thẩm để xem xét lại cách tính lãi suất.
Từ ngày 1/1/2018, Thông tư số 14/2017/TT-NHNN quy định về phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa tổ chức tín dụng và khách hàng có hiệu lực pháp luật. Tổ chức tín dụng được thỏa thuận với khách hàng về mức lãi suất, phương pháp tính lãi phù hợp.
Đặc biệt, Thông tư quy định rõ, trường hợp có áp dụng lãi suất điều chỉnh thì tại thời điểm điều chỉnh lãi suất, tổ chức tín dụng phải thông báo cho khách hàng về mức lãi suất cụ thể được điều chỉnh. Tổ chức tín dụng phải có xác nhận của khách hàng về việc đã được tổ chức tín dụng cung cấp đầy đủ thông tin trong trường hợp pháp luật về nhận tiền gửi, cấp tín dụng có quy định.
Với quy định mới nâng cao tính minh bạch, khách hàng có thể chủ động các phương án kinh doanh, lường tính bài toán vay vốn cho phù hợp, tránh “ma trận” lãi suất điều chỉnh như trường hợp kể trên.