Cần xác định thời gian thực hiện bồi thường, tái định cư, tránh khiếu kiện phức tạp

NGUYỄN VIỆT 07/04/2023 17:37

Về công tác bồi thường tái định cư với đất nhà nước thu hồi, cần xác định thời gian thực hiện bồi thường, tái định cư, vì đây là cội nguồn của các khiếu kiện phức tạp.

>>Đại biểu Quốc hội đồng thuận việc thành lập Quỹ phòng thủ dân sự

Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (Nam Định) nhấn mạnh tại phiên thảo luận Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), ngày 7/4.

Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (Nam Định). Ảnh: QH

Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (Nam Định). Ảnh: QH

Theo đại biểu Vũ Trọng Kim, khi tính thời gian thì thực hiện việc tính lãi cho người giao đất, để người được đền bù tích cực khi giải quyết vấn đề. Trong tái định cư cũng phải đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng hạ tầng, văn hóa, cần có bản cam kết giữa bên sử dụng và bên giao đất để giảm thiểu các bất đồng, khiếu kiện phức tạp, đạt được sự hài hòa lợi ích giữa hai bên.

Ngoài ra, đại biểu Vũ Trọng Kim cũng đề nghị nên giao phòng công chứng chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về việc xác định giá cả khi tiến hành giao dịch trên cơ sở bảng giá tại vùng đất, thửa đất tại địa điểm đó, để nâng cao trách nhiệm của phòng công chứng, giảm tải vai trò của ngành tài nguyên, môi trường, phòng đăng ký đất đai.

“Có thể liên thông thẳng từ phòng công chứng đến cơ quan thuế để rút ngắn thủ tục, đảm bảo được nguồn thu thuế cho nhà nước”, đại biểu Vũ Trọng Kim đề xuất.

Đánh giá cao ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã tiếp thu khối lượng lớn ý kiến của nhân dân, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho biết,  Điều 86 về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất có quy định, Nhà nước xem xét hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất để tạo điều kiện cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản có việc làm, có thu nhập, ổn định đời sống, sản xuất.

>>Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

>>Phó Chủ tịch Quốc hội: Đánh giá kỹ sự cần thiết của Quỹ bình ổn giá xăng dầu

đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương). Ảnh: QH

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Bình Dương). Ảnh: QH

Đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, để đánh giá cuộc sống tốt hơn không chỉ dựa vào thu nhập, mà còn dựa trên nhiều tiêu chí, nên cần nghiên cứu rà soát để quy định một cách toàn diện. Bên cạnh đó, Điều 91 trong dự thảo luật có quy định về việc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân.

Theo đó, có 4 cách bồi thường thi thu hồi đất nông nghiệp, bao gồm bồi thường bằng đất nông nghiệp, hoặc bằng tiền, hoặc bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi, hoặc bằng nhà ở. Đại biểu cho rằng cần giải trình rõ lý do bồi thường đất nông nghiệp bằng nhà ở. 

Điều 92 bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo quy định, cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo đang sử dụng đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất mà có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 90 của Luật này thì được bồi thường về đất theo quy định của Chính phủ.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị cần bổ sung nội dung về hỗ trợ sinh kế để đảm bảo nguyên tắc giá thị trường, đồng thời lưu ý nơi ở phải được nhận, được đền bù trước khi di dời. Ngoài ra, cần có điều khoản quy định hợp lý, khả thi để tránh hiện tượng nhà quá mỏng trên mặt phố.

Góp ý quy định về định giá đất tại Điều 158, theo đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TP. HCM) bên cạnh doanh nghiệp tư nhân hoạt động về định giá đất, cần có đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước hoạt động trên lĩnh vực này.

đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TP. HCM). Ảnh: QH

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân (TP. HCM). Ảnh: QH

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân phân tích, nếu doanh nghiệp nhà nước chuyển nhượng đất là tài sản công, bắt buộc đơn vị kiểm tra giá đất phải là một đơn vị công lập.

Hơn nữa, nếu đất do Nhà nước thu hồi để sử dụng chung, đơn vị thẩm định cũng phải là đơn vị sự nghiệp công lập, có như vậy mới đảm bảo trách nhiệm của Nhà nước trong việc quản lý tài sản. Còn nếu là giao dịch tư nhân, có quyền chọn đơn vị tư vấn là tư nhân. 

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nêu quan điểm, trong hệ thống nhà nước cấp tỉnh và một số cấp huyện cần hình thành đơn vị sự nghiệp làm nhiệm vụ tư vấn, định giá đất để Nhà nước sử dụng hoặc để nhân dân đối chiếu.

Về quyền và nghĩa vụ của đơn vị tư vấn định giá đất, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng để hoạt động định giá đất có cơ sở khách quan cần sử dụng tư liệu quốc gia về đất. Đây là điều kiện bắt buộc để hoạt động định giá đất, dù là đơn vị tư nhân hay công lập. 

Quy định trên cũng liên quan đến Điều 162 về khai thác hệ thống thông tin, dữ liệu quốc gia về đất: “Cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chỉ chọn được quyền khai thác cho mục đích của mình; người tiêu dùng được khai thác để đảm bảo lợi ích của mình; các đơn vị không thuộc hai loại trên muốn sử dụng dữ liệu này phải xin phép và được cho phép”.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, quy định như vậy là chưa phù hợp bởi tất cả đơn vị định giá đất cần phải sử dụng dữ liệu quốc gia về đất mới đảm bảo khách quan, do vậy cần sửa đổi theo hướng khuyến khích sử dụng…

đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hoà). Ảnh: QH

Đại biểu Quốc hội Lê Xuân Thân (Khánh Hoà). Ảnh: QH

Góp ý tại phiên họp, đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hoà) cũng tán thành việc nên có 1 hội đồng thẩm định giá đất, đồng thời cần quy định rõ Chủ tịch của hội đồng này là Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện và cơ quan chuyên môn về tài chính, về tài nguyên và môi trường là phó và các đại diện một số sở, ngành.

Liên quan đến giải quyết tranh chấp đất đai, Đại biểu Lê Xuân Thân cho rằng, việc khiếu nại về đất đai, tố cáo về đất đai và khởi kiện theo thủ tục hành chính về đất đai ở UBND các cấp là đang rất cao, số lượng rất nhiều.

Đại biểu Lê Xuân Thân đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc giữ lại Khoản 2, Điều 235 của dự thảo luật cũ để bảo đảm được cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến hoạt động thương mại đối với tranh chấp đất đai. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bỏ 3 điều luật: Điều 231 quy định về xử lý đối với người có hành vi vi phạm về đất đai; Điều 229 về khiếu nại và Điều 230 về giải quyết tố cáo về đất đai vì nội dung không có gì mới.

Có thể bạn quan tâm

  • Đại biểu Quốc hội đồng thuận việc thành lập Quỹ phòng thủ dân sự

    16:48, 06/04/2023

  • Ngày 6/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận dự án Luật Giá (sửa đổi)

    20:16, 05/04/2023

  • Ngày 5/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ thảo luận dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

    20:11, 04/04/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần xác định thời gian thực hiện bồi thường, tái định cư, tránh khiếu kiện phức tạp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO