Trước thực tế còn bất cập, nhiều ý kiến đề nghị, khi sửa Luật Điện lực, cần có lộ trình rõ ràng để xóa bỏ bù chéo giá điện sinh hoạt cho sản xuất.
Theo đó, Luật hiện hành quy định "thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý với các nhóm khách hàng", nhưng gần 10 năm qua cơ cấu biểu giá bộc lộ bất cập khi người dân phải bù chéo cho sản xuất. Tức là, giá điện sinh hoạt của người dân chi trả cao hơn điện bán sản xuất của doanh nghiệp và người dùng nhiều bù cho dùng ít.
Năm 2023, khi giải trình bổ sung chất vấn gửi Quốc hội, Bộ Công Thương từng thừa nhận "vẫn tồn tại bù chéo giữa các nhóm khách hàng sử dụng điện ở các mức độ khác nhau". Bởi, do có sự thay đổi về cơ cấu sử dụng điện, nên giá bán cho các nhóm khách hàng không phản ánh kịp thời chi phí sản xuất, ảnh hưởng tới mục tiêu sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm.
Thực tế, theo cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hiện nay, có thời điểm điện cho sản xuất bằng 52% giá bình quân, trong khi giá đối với hộ nghèo chính sách, ưu đãi lớn nhất cũng bằng 90% giá bình quân. Tương tự, vẫn còn tình trạng bù chéo giữa hộ dùng nhiều bù và sử dụng ít và giữa các vùng miền.
Để khắc phục, cơ quan quản lý cho biết từ 2022 đã nghiên cứu phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Tại bản thảo đưa ra cuối năm 2023, biểu giá bán lẻ dự kiến rút ngắn còn 5 bậc, thay vì 6 như hiện hành. Khoảng cách giữa các bậc cũng được phân chia lại, phù hợp thực tế dùng điện của người dân và giá ở bậc cao nhất (701 kWh trở lên) trên 3.600 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT).
Đáng nói, Nghị quyết số 55-NQ/TW (Nghị quyết 55) ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị đưa ra định hướng không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, vùng miền.
Do đó, ở lần sửa đổi Luật Điện lực này, Chính phủ cho biết, Dự thảo bổ sung quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ hợp lý, giảm dần và tiến tới xóa bỏ bù chéo giá giữa các vùng miền và nhóm khách hàng không tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Cơ chế giá điện cũng được áp dụng phù hợp với các nhóm khách hàng có mức tiêu thụ điện lớn.
Xoay quanh vấn đề này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, việc bổ sung các quy định về xây dựng chính sách giá điện tiến tới sát thị trường là phù hợp. Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, các quy định về giảm bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng chưa thể hiện cụ thể tại Dự thảo.
“Dự thảo cần đưa ra nguyên tắc, lộ trình rõ ràng hơn nhằm bảo đảm bình đẳng xã hội, nguyên tắc thị trường và khuyến khích tiết kiệm điện trong ngành sản xuất”, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị.
Bên cạnh đó, về giá điện và giá các dịch vụ điện nói chung, Thường trực Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể về việc bảo đảm cơ cấu giá điện ổn định; quy định nguyên tắc, lộ trình rõ ràng về cải cách giá điện như xóa bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, thực hiện giá điện hai thành phần, giá điện cho khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện, giá điện nhập khẩu, xuất khẩu... để tạo tín hiệu tốt, thu hút đầu tư vào ngành điện.
Đồng quan điểm, Chuyên gia về giá Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nhận định, vẫn còn nhiều bất cập trong cơ chế bù chéo giữa nhóm những người tiêu dùng điện sinh hoạt với nhau - bậc cao bù cho bậc thấp, bù chéo giữa giá điện sinh hoạt - giá điện trong sản xuất ở mức độ nhất định, và bù chéo về giá điện giữa các vùng miền với nhau. Tình trạng này để kéo quá dài và lộ trình xử lý không rõ ràng; giá điện chưa tách bạch giữa giá với chính sách an sinh xã hội, không bảo đảm đúng nguyên lý về giá cả để bảo đảm mục tiêu khuyến khích ngành điện phát triển, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
" Chẳng hạn, giá điện ở các xã, huyện hải đảo thường phải lên đến 7.000-9.000 đồng/KwH, nhưng chúng ta vẫn bán 1.000-2.000 đồng, tức là lấy vùng thấp bù cho vùng cao. Luật Điện lực cũ có 17 thủ tục hành chính đối với đầu tư điện. Tất cả những rào cản hành chính như Nghị quyết 55 đã đề cập, kể cả về đầu tư, về giá... phải xóa bỏ để hướng đến tính thị trường nhiều hơn", chuyên gia này nhấn mạnh.