Nhận định này được đưa ra trong ấn phẩm “Phụ nữ khu vực ASEAN: Khai mở tiềm năng” do Khối Tư vấn Dịch vụ Công và Chính phủ thuộc Tập đoàn EY khu vực ASEAN giới thiệu. Đây là ấn phẩm được phát hành nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập khối ASEAN (1967-2017).
Ấn phẩm giới thiệu về những bước tiến trong vai trò của nữ giới đối với sự phát triển kinh tế tại khu vực ASEAN. Trong nhiều năm qua, nữ giới trong khu vực đã có nhiều tiến bộ về sức khỏe, học vấn, có nhiều đóng góp hơn cho kinh tế và đặc biệt là nắm giữ nhiều vai trò lãnh đạo hơn trong doanh nghiệp cũng như trong các cơ quan chính phủ.
Theo một khảo sát trên 222 công ty đa quốc gia, ở cấp bậc nhân viên mới, số lượng nhân viên nam và nữ khá tương đồng. Tuy nhiên, khoảng cách về tỷ lệ giới tính dần gia tăng ở các cấp bậc cao hơn với tỷ lệ nam giới cao hơn. Tỷ lệ nam giới là các doanh nhân thành công và có mức lương cao cũng nhiều hơn.
Tại các thị trường phát triển trong khu vực ASEAN, Malaysia có tỷ lệ nữ giới trong ban điều hành cao nhất là 12,5%, tiếp theo sau đó là Indonesia là 11,1% và Singapore là 7,7%. Trong khu vực công, tỷ lệ nữ giới là đại biểu quốc hội/viện tại tất cả các nước đều dưới 30%. Việt Nam đứng thứ 3 trong danh sách với 27%, sau Philippine (25-30%) và Lào (28%). Tuy nhiên, so với 50 năm trước đây (từ 0% - cao nhất là 13%), những con số này cũng đã khả quan hơn khá nhiều.
Tỷ lệ nữ giới ở vị trí điều hành cấp cao mang ý nghĩa lớn vì thăng tiến trong công việc không chỉ là sự công nhận về tài năng, mà còn mang tới những quyền lợi về mặt vật chất cũng như có nhiều cơ hội hơn để tỏa sáng và tạo ra ảnh hưởng đến các lãnh đạo cấp cao hơn trong tổ chức.
Vấn đề không xuyên suốt trong phát triển sự nghiệp của nữ giới là một trong những lý do gây cản trở cho cân bằng giới của tổ chức. Theo các chuyên gia của EY, để có thể gạt bỏ những rào cản về lãnh đạo nữ, các tổ chức cần tạo ra nhiều cơ hội hơn cho họ, thay vì chỉ đưa họ vào một số vị trí nhất định như là một giải pháp mang tính tạm thời.
Khi xây dựng và triển khai các chương trình phát triển, nuôi dưỡng tài năng cho nữ giới, các lãnh đạo cần xác định và hiểu rõ những rào cản trong sự nghiệp của họ, từ đó đưa ra các giải pháp cần thiết. Ví dụ như đối với nữ giới, tổ chức cần áp dụng đúng đắn các chế độ nghỉ thai sản và tạo điều kiện để họ có thể dành thời gian cân bằng cuộc sống cá nhân, chăm sóc gia đình, con nhỏ.
Nhóm điều hành, ban giám đốc các tổ chức cần chủ động mở rộng các tiêu chuẩn tìm kiếm, từ đó có thể thu hút các ứng viên đa dạng hơn về giới tính. Tại tập đoàn PepsiCo quốc tế, tỷ lệ nữ giới tại các vị trí lãnh đạo cao cấp đã tăng từ 0% lên đến 33% trong vòng 2 năm. Đây là kết quả từ chương trình “Chiến lược Thành công”, một chương trình đào tạo nội bộ về kỹ năng quản lý, hướng dẫn dành cho nữ giới để có thể sẵn sàng cho các cấp bậc cao hơn.
Ngoài ra, các chuyên gia của EY cũng cho rằng, Chính phủ sẽ đóng một vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển của nữ giới. Để có thể tạo ra một môi trường lao động tốt và phát triển cho nữ giới, Chính phủ nên tập trung đưa ra những quy định hỗ trợ tài chính tối thiểu dành cho phụ nữ, đặc biệt là trong thời kỳ thai sản và nuôi con nhỏ cũng như khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào việc xây dựng năng lực cho phụ nữ thông qua các chương trình đào tạo và nâng cao kỹ năng.
Ngoài các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới trong doanh nghiệp, “Phụ nữ khu vực ASEAN: khai mở tiềm năng” cũng đưa ra những con số thể hiện sự tiến bộ của nữ giới trong khía cạnh giáo dục, sức khỏe. Thêm vào đó, ấn phẩm cũng giới thiệu tới độc giả những nữ lãnh đạo nổi bật trong khu vực. Tiến sĩ Phạm Thị Việt Nga, Cựu Chủ tịch Dược Hậu Giang, Top 5 “EY - Bản lĩnh Doanh nhân Lập nghiệp” Việt Nam năm 2014 cũng góp mặt trong ấn phẩm với lời tựa dành cho các nữ doanh nhân “Những người phụ nữ sinh ra, tạo hóa đã ban cho họ một tấm lòng vàng. Hãy biến nó thành ưu thế khi là nữ doanh nhân. Dùng cái tâm của mình để tạo ra các sản phẩm chất lượng, vì người tiêu dùng.”
Câu chuyện thành công của TS. Phạm Thị Việt Nga cũng đã từng được khắc họa khá rõ nét trong cuốn sách “Vượt mọi gian nan, vững vàng lập nghiệp” do EY Việt Nam biên soạn và phát hành với sự hợp tác của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Báo Diễn đàn Doanh nghiệp – đơn vị chủ trì và đồng tổ chức Giải thưởng EY – Bản lĩnh Doanh nhân Lập nghiệp (EOY) tại Việt Nam năm 2011 và 2014.