Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan chức năng chuẩn bị kịch bản ứng phó với nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu.
Đúng với phong cách hành động của người Mỹ nói là làm, ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump lập tức thực hiện những cam kết đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử.
Ngay lập tức, Mỹ áp thuế lên hàng hóa từ Trung Quốc và sử dụng thuế quan như một đòn bẩy với Mexico, Canada nhằm đạt mục tiêu chính trị. Cuộc chiến thương mại chính thức nổ ra khi các đối tác láng giềng đáp trả bằng những chính sách tương ứng.
Dĩ nhiên, trong một cuộc chiến, cả hai bên đều chịu tổn thất. Tuy nhiên, đối đầu với một siêu cường kinh tế như Mỹ, phần thắng không dễ thuộc về quốc gia khác. Như câu nói "Buôn tài không bằng dài vốn", Mỹ vẫn giữ lợi thế nhờ dự trữ ngoại hối dồi dào và sức mạnh của đồng USD, vốn đang thống trị toàn cầu. Nếu cuộc chiến kéo dài, nền kinh tế của Canada, Mexico, và thậm chí cả Trung Quốc, khó có thể trụ vững.
Mục tiêu của Tổng thống Donald Trump là bảo vệ ngành sản xuất trong nước bằng cách áp thuế cao lên hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc, nhằm triệt tiêu lợi thế cạnh tranh về giá rẻ của hàng Trung Quốc. Điều này giúp doanh nghiệp Mỹ phục hồi sản xuất, tạo việc làm và gia tăng lợi nhuận cho nền kinh tế Mỹ.
Đòn phủ đầu được tung ra vào ngày 4/2/2025 khi tất cả hàng hóa từ Trung Quốc vào Mỹ bị áp thêm 10% thuế, bất kể chủng loại. Dự báo, căng thẳng sẽ tiếp tục leo thang khi Trung Quốc trả đũa bằng cách tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ. Ban đầu, Trung Quốc tiến hành thủ tục kiện Mỹ lên WTO, sau đó áp thuế 15% lên than đá và khí hóa lỏng (LPG) từ Mỹ, đồng thời tăng 10% thuế đối với dầu thô, máy móc nông nghiệp và ô tô.
Căng thẳng nhất là việc Trung Quốc siết chặt xuất khẩu kim loại quý và đất hiếm - những nguyên liệu quan trọng trong sản xuất chip và linh kiện điện tử - không chỉ đối với Mỹ mà còn cả các đồng minh của Mỹ.
Thực tế, dù đối đầu về kinh tế, Mỹ và Trung Quốc vẫn phụ thuộc lẫn nhau. Mỹ nhập khẩu số lượng lớn thép, nhôm, linh kiện điện tử, máy móc công nghiệp và đặc biệt là hàng tiêu dùng từ Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc cần nhập khẩu nông sản, ngũ cốc - đặc biệt là đậu tương để sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc - cũng như ô tô, năng lượng, chip và các công nghệ tiên tiến như AI và công nghệ thông tin từ Mỹ.
Mối quan hệ kinh tế này tạo ra thế giằng co, khiến cả hai nước phải cân nhắc kỹ lưỡng khi áp dụng các chính sách thương mại cứng rắn.
Giao dịch thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đạt quy mô khổng lồ, lên đến hàng ngàn tỷ USD, nên bất kỳ thay đổi nào trong chính sách thuế đều tác động mạnh mẽ đến hoạt động doanh nghiệp và sức sản xuất của cả hai nước.
Việc Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa từ Trung Quốc không chỉ làm tăng chi phí sản xuất mà còn thúc đẩy doanh nghiệp tìm kiếm những điểm đến mới như Ấn Độ, Việt Nam… để giảm chi phí và duy trì lợi thế cạnh tranh. Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng này có thể làm suy yếu vị thế của Trung Quốc với vai trò là công xưởng của thế giới, đồng thời giúp các quốc gia khác hưởng lợi từ dòng vốn và công nghệ dịch chuyển.
Đây là cơ hội lớn để Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất thay thế Trung Quốc. Các ngành như dệt may, da giày, điện tử, nội thất, linh kiện ô tô… sẽ hưởng lợi đáng kể từ làn sóng dịch chuyển này. Nếu Việt Nam tiếp tục cải thiện chính sách ưu đãi đầu tư, lượng vốn FDI đổ vào sẽ tăng vọt trong thời gian ngắn, tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế.
Quan hệ thương mại giữa Mỹ và Việt Nam cũng sẽ phát triển mạnh mẽ, với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam mang về nguồn USD quý giá phục vụ đầu tư và phát triển kinh tế. Đồng thời, các ngành công nghiệp phụ trợ và dịch vụ đi kèm sẽ hưởng lợi, kéo theo sự phát triển của thị trường bất động sản công nghiệp, khi nhu cầu đất cho nhà máy, kho bãi tăng cao.
Bên cạnh những cơ hội, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức từ xu hướng dịch chuyển này. Một trong những nguy cơ lớn là hàng hóa Trung Quốc dư thừa có thể tràn vào Việt Nam với giá rẻ, gây áp lực lớn lên các doanh nghiệp trong nước vốn nhỏ, yếu và thiếu nguồn lực cạnh tranh. Điều này có thể khiến nhiều ngành sản xuất nội địa bị bóp nghẹt trước sức ép từ hàng ngoại giá rẻ.
Hơn nữa, Việt Nam có nguy cơ chỉ trở thành một "công xưởng gia công" - chủ yếu lắp ráp, dán nhãn và xuất khẩu mà không nắm giữ công nghệ lõi. Nếu không có chiến lược phát triển công nghệ và chuỗi cung ứng nội địa, Việt Nam sẽ mãi phụ thuộc vào nguyên liệu và linh kiện từ nước ngoài, không thể vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngoài ra, Mỹ cũng có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt nếu phát hiện Việt Nam lợi dụng chiêu "hồn Trương Ba, da hàng thịt" - tức nhập hàng từ Trung Quốc, dán nhãn "Made in Vietnam" để xuất khẩu sang Mỹ nhằm né thuế. Trước đây, mặt hàng như pin năng lượng mặt trời, thép… từ Việt Nam từng bị Mỹ áp thuế do nghi ngờ có nguồn gốc Trung Quốc. Nếu không kiểm soát chặt chẽ, Việt Nam có thể trở thành mục tiêu tiếp theo của các biện pháp trừng phạt thương mại.
Làn sóng doanh nghiệp FDI từ Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam không chỉ mang lại cơ hội mà còn gây ra nhiều thách thức. Một trong số đó là sự xáo trộn trên thị trường lao động, khi cả lao động phổ thông lẫn lao động chất lượng cao trở nên khan hiếm, tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp nội địa trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân lực.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc còn tiềm ẩn nguy cơ lớn hơn nếu Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ nhằm bảo hộ hàng xuất khẩu. Điều này không chỉ làm giảm giá trị hàng hóa Việt Nam khi xuất sang Trung Quốc mà còn khiến hàng Trung Quốc, vốn đã rẻ, nay càng rẻ hơn, đẩy doanh nghiệp sản xuất trong nước vào thế khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản.
Nhận thức rõ những rủi ro từ căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc, mới đây Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các cơ quan chức năng chuẩn bị kịch bản ứng phó với nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu. Theo đó, Việt Nam cần chủ động xây dựng chiến lược đối phó với biến động kinh tế và tài chính như cách phòng chống một cơn bão mạnh - giảm thiểu thiệt hại tối đa và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.
Để làm được điều này, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, đầu tư hạ tầng, logistics, nâng cao chất lượng lao động, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu để giảm phụ thuộc vào bất kỳ một đối tác nào. Sự chủ động và linh hoạt trong chính sách sẽ giúp Việt Nam đứng vững trước những biến động của kinh tế toàn cầu.