Căng thẳng thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã và đang tác động tiêu cực đến chuỗi sản xuất của ngành điện tử toàn cầu.
Cuộc xung đột này, cộng với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang leo thang khiến mối lo ngại của doanh nghiệp, nhà đầu tư ngành điện tử toàn cầu càng lớn hơn bao giờ hết.
Nhật chơi chiến thuật của Trump
Chính phủ Nhật đã hạn chế xuất khẩu những hóa chất quan trọng trong lĩnh vực bán dẫn sang Hàn Quốc từ ngày 4/7 vừa qua. Lý do Nhật đưa ra là do Hàn Quốc tái xuất những chất này sang Bắc Triều Tiên vi phạm lệnh cấm vận quốc tế.
Tuy nhiên, căng thẳng thương mại Nhật- Hàn thực chất lại bắt nguồn từ vấn đề thuần túy chính trị. Còn nhớ vào tháng 10/2018, tòa án Hàn Quốc ra phán quyết các công dân Hàn Quốc bị ép buộc lao động trong thời kỳ Nhật chiếm đóng hối Thế chiến thứ 2 có thể kiện các công ty Nhật để đòi bồi thường. Phía Nhật cho rằng, các vấn đề vướng mắc giữa hai nước trong quá khứ đã được giải quyết theo hiệp ước 1965 khi hai nước bình thường hóa quan hệ.
Nhật Bản lo ngại hành động nói trên của Hàn Quốc sẽ gây bất lợi lâu dài cho các công ty Nhật trong tương lai. Sau nhiều nỗ lực nhằm ngăn chặn và chấm dứt những hành động tương tự của phía Hàn Quốc không đạt kết quả, Nhật Bản đã quyết định đi đến hành động trên. Như vậy, Nhật Bản đã áp dụng một chiến thuật giống như Tổng thống Mỹ Donald Trump đang áp dụng trong quan hệ quốc tế hiện nay, đó là dùng cấm vận kinh tế để xử lý các bất đồng chính trị.
Nhật Bản cũng thừa nhận căng thẳng hiện nay với Hàn Quốc sẽ gây thiệt hại cho chính các công ty của họ, nhưng không còn cách nào khác để phản ứng lại hành động mang tính thù địch chính trị của Hàn Quốc.
Có thể bạn quan tâm
06:00, 05/08/2019
06:00, 02/08/2019
04:24, 21/07/2019
Nguy cơ gián đoạn chuỗi sản xuất toàn cầu
Hiện tại, Nhật tuyên bố hạn chế bán cho Hàn Quốc ba loại chất quan trọng (fluorinated polyimides, hydrogen fluoride, photoresists) mà Nhật kiểm soát từ 70% đến 90% lượng cung trên toàn cầu. Nhưng nếu Hàn Quốc bị loại khỏi “danh sách trắng” thì lệnh hạn chế có nguy cơ sẽ áp đặt lên 850 chất nhạy cảm. Điều này sẽ ảnh hưởng mạnh đến quan hệ thương mại song phương, nhưng trầm trọng hơn là ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ ngành điện tử thế giới.
Ba chất kể trên được sử dụng để sản xuất màn hình TV và smarphone, trong khi Hàn Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất trong sản xuất và cung ứng màn hình TV, smarphone trên toàn cầu. Điều này khiến thế giới lo ngại ngành điện tử trên toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Xung đột thương mại Nhật - Hàn không chỉ gây tổn hại đến ngành điện tử thế giới, mà còn cả các chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu khác vốn đang gặp khó do chiến tranh thương mại Mỹ -Trung.
Trên thực tế, hai công ty của Hàn Quốc là South Korea’s Samsung (SSNLF) và SK Hynix đang sản xuất khoảng 2/3 số con chip bộ nhớ của thế giới được dùng cho smartphone, TV và xe tự lái. Trong khi đó, các nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới như Apple, Huawei… lại phụ thuộc nhiều vào các con chip của các công ty Hàn Quốc.
Mỹ và Đài Loan cũng sản xuất chip nhưng do Hàn Quốc chiếm tới 60% nguồn cung chip toàn cầu, nên nếu Hàn Quốc gặp khó thì nguồn cung toàn cầu bị tổn thương nặng. Điều này có nguy cơ đẩy giá các sản phẩm điện tử có sử dụng chíp nhờ tăng mạnh.Tồi tệ hơn, nếu thiếu con chip thì tất cả các chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu sẽ bị ngừng trệ. Nói cách khác, không chỉ ngành điện tử tổn hại, mà nhiều lĩnh vực sản xuất khác lệ thuộc vào điện tử cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực theo. Thế giới lo ngại động thái này sẽ gây thêm nhiều bất ổn đối với các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu các sản phẩm công nghệ cao vốn đang bị thương chiến Mỹ-Trung gây bất lợi.
=>> Kỳ II: Việt Nam không nằm ngoài ảnh hưởng