Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), doanh số tháng 4 của các hãng xe đạt 11.761 xe, giảm 39% so với tháng 3 và 44% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tổng doanh số bán hàng trên có 7.796 xe du lịch, giảm 40%; 3.652 xe thương mại, giảm 36% và 313 xe chuyên dụng, giảm 16% so với tháng trước.
Xét về xuất xứ xe, trong khi xe ô tô sản xuất lắp ráp trong nước có doanh số bán 7.400 xe, giảm 38% thì doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 4.361 xe, giảm 40% so với tháng trước.
Tính chung 4 tháng đầu năm, các thành viên VAMA tiêu thụ được 64.100 xe, giảm 36% so với cùng kỳ năm 2019. Hiện tượng sụt giảm doanh số diễn ra ở tất cả các phân khúc. Cụ thể, ôtô du lịch giảm 37%; xe thương mại giảm 30% và xe chuyên dụng giảm 36%. Xét về xuất xứ, doanh số xe lắp ráp giảm 33% trong khi xe nhập khẩu giảm 40%.
Đáng chú ý, nhiều mẫu xe của các hãng chỉ bán được vài chiếc như mẫu Swift loại hatchback 4 chỗ của Suzuki chỉ bán được 4 chiếc, mẫu Suzuki Ciaz không bán được chiếc nào. Ngay cả mẫu xe SUV Suzuki XL7 loại 7 chỗ được xem là món hàng "hot" cạnh tranh trực diện với Mitsubishi Xpander vừa mới tham gia thị trường cũng chỉ bán được 1 xe.
Tương tự, hãng Honda cũng có nhiều mẫu tiêu thụ rất chậm như Jazz sedan 4 chỗ chỉ bán được 3 xe, mẫu Accord bán được 7 chiếc. Mẫu Tourneo MPV của Ford chỉ có 4 xe bán được. Toyota cũng có các mẫu Alphard bán được 2 xe, Avanza 8 xe, Land Prado SUV 7 xe. Hoặc xe bán tải D-Max của Iuu chỉ có 7 xe bán ra thị trường.
Về thương hiệu, doanh số của hầu hết các thành viên VAMA đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, Thaco tiêu thụ được 20.469 xe trong 4 tháng đầu năm, giảm 34% so với năm 2019; Toyota Việt Nam bán được 16.551 xe (chưa kể Lexus), giảm 29%; Honda Việt Nam giảm 41%; Ford Việt Nam giảm 53%...
Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, doanh số bán hàng trên chưa thể hiện hết toàn cảnh thị trường ô tô Việt Nam bởi còn có sự góp mặt của các thương hiệu khác như: Audi, Jaguar Land Rover, Mercedes-Benz, Subaru, Volkswagen, Volvo, VinFast, TC MOTOR…
Một số đơn vị này không phải là thành viên VAMA hoặc là đơn vị thành viên, nhưng tạm dừng gửi báo cáo hoặc không tiết lộ doanh số bán hàng.
Trong tháng 4, thực hiện Chỉ thị cách ly xã hội của Chính phủ, người dân hạn chế đi lại, nhiều hãng xe phải tạm ngừng hoạt động sản xuất, các đại lý phân phối đóng cửa. Theo Báo cáo của Bộ Công Thương, sản lượng ôtô sản xuất trong nước 4 tháng đầu năm đạt 61.400 chiếc, giảm 24% so với cùng kỳ 2019.
Để kích cầu, các hãng xe và đại lý liên tiếp thực hiện nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá trong thời gian qua. Trong tháng 5 này, nhiều mẫu ôtô đang giảm giá hàng trăm triệu đồng như VinFast Lux SA2.0 và Lux A2.0 (giảm 233-286 triệu đồng); Volkswagen Tiguan Allspace Highline và Passat BlueMotion High (giảm 177-207 triệu đồng); Mazda CX-8 (giảm 95-150 triệu đồng)…
Trên thực tế, ngoài tác động của dịch COVID-19, thông tin sắp tới thuế, phí ô tô sẽ được điều chỉnh giảm đã phần nào tác động tiêu cực đến thị trường, do tâm lý người tiêu dùng đang chờ đợi.
Theo đó, Bộ KH-ĐT đã trình dự thảo tới Chính phủ, trong đó có đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết năm 2020, đồng thời xây dựng chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành ô tô trong nước.
Bộ Công thương cũng sẽ kiến nghị Chính phủ về việc giảm 50% phí trước bạ cho ô tô trong nước tại Việt Nam, dự kiến trình trong tháng 5. Trước đó, VAMA có văn bản gửi Chính phủ và các bộ ngành, đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô và lệ phí trước bạ cho người tiêu dùng khi mua xe.
Xung quanh đề xuất nêu trên đang có nhiều luồng ý kiến trái chiều. Nguyên nhân là hiện nay thị trường Việt Nam đang tiêu thụ cả ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước lẫn ô tô nhập khẩu nguyên chiếc.
Nếu thông qua đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ khi mua ô tô lắp ráp trong nước, các nhà nhập khẩu ô tô nguyên chiếc sẽ gặp bất lợi vì khách hàng mua xe không được hưởng quyền lợi. Chưa kể, vi phạm cam kết quốc tế về không phân biệt đối xử giữa hàng hóa sản xuất trong nước với hàng hóa nhập khẩu theo Hiệp định GATT của WTO....
Có thể bạn quan tâm
00:26, 13/05/2020
15:00, 11/05/2020
13:26, 11/05/2020
06:30, 11/05/2020
16:35, 09/04/2020
03:45, 14/04/2020