Cạnh tranh bằng “nụ cười” trong xúc tiến thương mại

Nguyễn Việt 14/04/2019 11:02

Tự lái xe đi khắp châu Âu để tìm thị trường cho chè hữu cơ, nhưng cái nhận được chỉ là sự “lạnh nhạt” của phía đối tác.

Mặc dù đang đứng thứ 7 thế giới về sản xuất và thứ 5 thế giới về xuất khẩu nhưng để thâm nhập sâu hơn vào các thị trường khó tính trên thế giới, đòi hỏi chất lượng chè của Việt Nam cần cao hơn.

Mặc dù đang đứng thứ 7 thế giới về sản xuất và thứ 5 thế giới về xuất khẩu nhưng để thâm nhập sâu hơn vào các thị trường khó tính trên thế giới, đòi hỏi chất lượng chè của Việt Nam cần cao hơn.

Đây là chia sẻ của Phạm Minh Đức, Giám đốc điều hành Ecolink khi một mình bươn trải nơi “trời tây” để tìm kiếm thị trường cho chè hữu cơ Việt Nam, tại Diễn đàn Xúc tiến Xuất khẩu Việt Nam vừa diễn ra gần đây. Là một doanh nghiệp sản xuất chè hữu cơ và xuất khẩu chủ yếu sang thị thị trường châu Âu, ông Phạm Minh Đức cho biết, công ty đã tìm mọi cách để đưa chè hữu cơ của Việt Nam vào thị trường châu Âu với một niềm tin chè Việt Nam sẽ chiếm được thiện cảm người tiêu dùng tại một trong những thị trường được đánh giá là “khắt khe” nhất thế giới. Mặc dù cũng đã đưa được một số đơn hàng nhưng tình hình xem ra khá “đì đẹt”. Để tìm hiểu nguyên nhân, đích thân ông Đức “lặn lội” sang trời tây để khảo sát thì đã vỡ lẽ ra một điều, người châu Âu đang có ấn tượng không tốt với chè Việt Nam vì dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá cao.

"Đi một ngày đàng, học một sàng khôn"

“Tự lái ô tô đi khắp châu Âu để tìm hiểu thị trường chè hữu cơ, nhưng phần lớn các doanh nghiệp chè châu Âu không tiếp đón chúng tôi vì họ bị ấn tượng không tốt về chè Việt Nam. Dù đã giải trình rất tỉ mỉ các loại giấy chứng nhận chè hữu cơ đạt tiêu chuẩn, tuy nhiên phía đối tác vẫn tỏ ra lạnh nhạt. Sau 3 năm kiên trì gửi mẫu, cuối cùng phía đối tác cũng đã có những dấu hiệu tích cực và nở nụ cười thân thiện với chè hữu cơ của chúng tôi”, ông Đức bày tỏ.

Có thể bạn quan tâm

  • Việt Nam đón “cơn lốc” thương mại số vào năm 2030

    Việt Nam đón “cơn lốc” thương mại số vào năm 2030

    05:00, 13/04/2019

Đến thời điểm này mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng ông Đức đã cảm thấy tự tin hơn khi sản phẩm chè hữu cơ của công ty đã được bạn hàng châu Âu hồ hởi đón nhận. Ông Đức cho rằng, với một doanh nghiệp nhỏ, nguồn lực còn nhiều hạn chế như Ecolink, để đưa được hàng vào thị trường châu Âu thì bản thân doanh nghiệp vẫn phải chủ động làm tất cả các việc như tổ chức sản xuất, duy trì chứng nhận, nắm bắt xu thế và sự phát triển của thị trường mới, phát triển sản phẩm, dịch vụ khách hàng…

Tuy nhiên, để phát triển bền vững, doanh nghiệp nên tập trung vào một vài điểm trọng tâm như dịch vụ khách hàng và phát triển sản phẩm. Còn các công việc duy trì chứng nhận, thông tin thị trường doanh nghiệp rất kỳ vọng nhận được sự hỗ trợ từ phía nhà nước cũng như các hiệp hội”, ông Đức kiến nghị.

Ông Nguyễn Trọng Bảo, đại diện một doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu cho rằng, trong bối cảnh doanh nghiệp Việt vẫn “mạnh ai nấy làm” hoặc "ngồi chờ" sự hỗ trợ từ phía nhà nước, thì vai trò của các hiệp hội ngành hàng là rất quan trọng. “Hiệp hội phải thay đổi tư duy xúc tiến thương mại, có thể thành lập văn phòng xúc tiến thương mại, tự trả tiền, tự lo phí. Nguồn tài chính do thành viên nộp, ai sử dụng thông tin, tư vấn về đối tác nước ngoài, người đó trả tiền”, ông Bảo đề xuất.

Là một tổ chức chuyên cung cấp dịch vụ, ông Lê Bá Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng Thủ công Mỹ nghệ Việt Nam xác định, nhiệm vụ chính lúc này là chấp nhận thị trường cạnh tranh. Hiệp hội có con đường đi riêng để cạnh tranh và đạt được mục tiêu đối với khách hàng. Kháng hàng ở đây là doanh nghiệp, các nhà nhập khẩu trong và ngoài nước và cuối cùng là các nhà cung cấp dịch vụ khác. “Chúng tôi chấp nhận cạnh tranh để hợp tác”, ông Ngọc nói.

Vẫn theo ông Ngọc, Hiệp hội Xuất khẩu hàng Thủ công Mỹ nghệ Việt Nam hoạt động rất “cạnh tranh” và tự hào là một trong những tổ chức hoạt động cạnh tranh nhất trong khu vực ASEAN. Vì lẽ đó mà Hiệp hội đã nhiều lần bị “lên báo” nước ngoài là Việt Nam đang “trỗi dậy” và cần phải “cảnh giác” với ngành hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam. Đây là câu chuyện tại Philipines cách đây 6 năm.

“Nếu Hồng Kông cạnh tranh bằng chuyến bay miễn phí, Thái Lan là khách sạn miễn phí, Ấn Độ và Philippines miễn phí khách sạn cho nhà nhập khẩu, còn chúng tôi cạnh tranh bằng nụ cười, và dịch vụ tốt nhất cho các nhà nhập khẩu khi đến Việt Nam”, ông Ngọc nói.

Doanh nghiệp tự "bươn trải" tìm thị trường

Ông Ngọc cho biết thêm, trên thực tế doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu tính chuyên nghiệp trong xuất nhập khẩu. Hiện nay nhiều nhà đầu tư đang “rời bỏ” Trung Quốc để chuyển đến Việt Nam với sự kỳ vọng đây sẽ là một nhà cung cấp mới. Tuy nhiên, khi vừa đặt chân đến Việt Nam, họ đã trao đổi ngay với ông Ngọc rằng, tại sao giá ở Việt Nam lại đắt như vậy, doanh nghiệp thì không chuyên nghiệp trong việc báo giá…Điều này cho thấy rằng, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng cho hội nhập. Khi nhà đầu tư chuyển ra khỏi Trung Quốc thì họ đã mang theo một tâm lý sẽ mua được “hàng giá rẻ”, nhưng hàng hóa ở Việt Nam lại không rẻ vì chúng ta làm theo phân khúc trung và cao cấp.

Có một điều nữa ở Việt Nam, đó là chúng ta hay đặt câu hỏi làm gì để nâng cao giá trị gia tăng trong mỗi sản phẩm, truy nhiên làm việc đấy bằng cách nào thì lại không nói. Bản thân doanh nghiệp cũng lại không “sẵn sàng” trả tiền để nghiên cứu sản phẩm mới và cũng “rất lười” làm sản phẩm mới. “Muốn có khách hàng nhưng không chịu đầu tư nghiên cứu ra sản phẩm mới thì làm sao có khách hàng và tăng giá trị gia tăng của sản phẩm”, ông Ngọc thẳng thắn.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) thừa nhận, mặc dù có nhiều doanh nghiệp Việt Nam rất chủ động hội nhập, nhưng do đặc điểm phần lớn những doanh nghiệp này là DNNVV, nguồn lực có hạn mà lại phải tự bươn trải, “luồn lách” để đi tìm thị trường là hơi quá sức với doanh nghiệp. “Vì vậy, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại hiệu quả, giảm chi phí, nguồn lực là câu hỏi lớn đặt ra lúc này”, ông Phú đánh giá.

 Còn theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), mỗi doanh nghiệp có cách đi riêng, nhưng đích chung là tiếp cận vào từng thị trường. Sự chủ động của doanh nghiệp là yếu tố then chốt để hàng hoá Việt Nam đẩy mạnh ra nước ngoài. Bên cạnh đó, vai trò của hiệp hội là không thể thiếu, hiệp hội định hướng, dẫn dắt và làm những việc doanh nghiệp chưa làm được, sau khi doanh nghiệp đã “vào guồng” thì hiệp hội “nhường sân”. Về phía nhà nước thì có vai trò thiết lập môi trường, cơ chế chính sách thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cạnh tranh bằng “nụ cười” trong xúc tiến thương mại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO