Là cửa ngõ của tỉnh Lạng Sơn, với lợi thế gần 75 km đường biên giới, có cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu quốc tế Ga Đồng Đăng; giao thông rất thuận tiện giao thương…
Không những thế, Cao Lộc còn được biết đến bởi tiềm năng về phát triển nông nghiệp và du lịch.
Cao Lộc có Đền Mẫu Đồng Đăng; Chùa Bắc Nga; Nhà bia Thủy Môn Đình; Chợ Đồng Đăng; Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Ga quốc tế Đồng Đăng. Đồng thời, Cao Lộc đã xây dựng 07 tuyến du lịch, kết nối các điểm du lịch, di tích văn hoá lịch sử trên địa bàn và xây dựng một số sản phẩm giá trị kinh tế cao, được du khách và thị trường đón nhận như: hồng không hạt Bảo Lâm, rau sạch Tân Liên; mật ong Mẫu Sơn...
Thực hiện tốt “mục tiêu kép”
Ông Nguyễn Duy Anh - Chủ tịch UBND huyện cho biết, để khẳng định vai trò là vùng kinh tế động lực của tỉnh, bên cạnh tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu, huyện đang chú trọng thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực dịch vụ, du lịch.
Theo đó, huyện đang tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, xây dựng, nông nghiệp, nông thôn; Tập trung thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các Chương trình, Nghị quyết, Quyết định của tỉnh, của huyện về mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
Trong giai đoạn hiện nay, huyện lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện mục tiêu kép vừa đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục triển khai quyết liệt, nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép, quản lý tốt các khu cách ly, không chủ quan, lơ là; Đồng thời, do dịch bệnh huyện tiếp tục tập trung phát triển ngành nông nghiệp, rau an toàn chất lượng cao và hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới.
Trong Quý I, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 119.090 triệu đồng, đạt 127,88% so với cùng kỳ.
Được biết, trên địa bàn huyện hiện có trên 450 doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực xây dựng, thương mại - dịch vụ, nông lâm thổ sản và một số lĩnh vực khác. Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn hoạt động ổn định, hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn vẫn diễn ra khá tấp lập.
Mặc dù, doanh nghiệp trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: quy mô sản suất nhỏ, lẻ, chi phí sản xuất cao, chất lượng sản phẩm chưa cao... Tuy nhiên, cộng đồng dân cư nơi đây luôn ghi nhận những đóng góp quan trọng của doanh nghiệp vào tăng trưởng và ổn định kinh tế- xã hội, góp phần tích cực giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động, đóng góp ngân sách nhà nước.
Luôn đồng hành cùng nhà đầu tư
Để tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, phát triển kinh tế, huyện giao các phòng chức năng chủ động tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, nông nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin, khởi nghiệp, tiếp cận tín dụng, bảo hiểm xã hội... Qua đó, tỉnh kịp thời triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị sản phẩm.
Mặt khác, huyện tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; hỗ trợ, tạo thuận lợi để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án Xây dựng Hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Hợp Thành 1, Hợp Thành 2 và khu tái định cư Hợp Thành, dự án Khu Chế xuất 1, Dự án đường Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn; Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B... Nỗ lực huy động các nguồn lực từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp vào địa phương đầu tư, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng và phát triển sản xuất kinh doanh.
“Trong thời gian tới, huyện Cao Lộc sẽ nỗ lực để tiếp tục cải thiện vị trí xếp hạng xây dựng Chính quyền điện tử tăng từ 1 - 2 bậc và phấn đấu là một trong 3 đơn vị huyện, thành phố đứng đầu của tỉnh về chỉ số DDCI”, Chủ tịch Nguyễn Duy Anh nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm