Dự án đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận có hoàn thành, thông xe như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và sự trông đợi của gần 20 triệu dân vùng ĐBSCL?
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình thực hiện và các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện một số dự án hạ tầng giao thông cấp bách của Bộ Giao thông vận tải.
Trong đó nêu rõ: “Về đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đường bộ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bảo đảm đủ nguồn vốn cho hai Dự án; UBND tỉnh Tiền Giang tập trung chỉ đạo triển khai Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận bảo đảm thông xe vào năm 2020 và khánh thành vào năm 2021”.
Có thể bạn quan tâm
14:50, 02/10/2019
13:33, 27/09/2019
19:05, 27/08/2019
16:45, 27/08/2019
14:22, 27/08/2019
00:00, 27/08/2019
12:35, 15/08/2019
11:00, 14/08/2019
16:05, 13/08/2019
Có thể nhận thấy, mặc dù đã được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của Ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ nhưng dự án xây dựng đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận (địa phận tỉnh Tiền Giang) hiện nay gặp khó khăn có nguy cơ dừng dự án trong tháng 11 vì cả nhà đầu tư, nhà thầu đều ở giai đoạn “cạn vốn”.
Điều này cũng có nghĩa là đến năm 2021, dự án đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận khó hoàn thành, thông xe như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và sự trông đợi của gần 20 triệu dân vùng ĐBSCL.
Trao đổi trên VOV sáng 01/11/2019, ông Mai Mạnh Hồng, Tổng Giám đốc công ty cổ phần BOT Trung Lương- Mỹ Thuận cho biết, nguồn vốn 2.186 tỷ đồng là vốn Nhà nước hỗ trợ cho dự án thay thế quyền thu phí đường cao tốc TPHCM- Trung Lương.
Vì trước đây khi lập dự án được phê duyệt có việc thu phí đường cao tốc TPHCM- Trung Lương để hỗ trợ dự án. Sau khi Luật Đầu tư công ra đời, Chính phủ thay đổi phương án hỗ trợ thu phí cao tốc TPHCM- Trung Lương bằng việc hỗ trợ trực tiếp cho dự án bằng vốn ngân sách từ nguồn tăng thu năm 2018 là 2.186 tỷ đồng.
Theo ông Mai Mạnh Hồng, hiện tại nguồn vốn đó đã được Quốc hội ban hành Nghị quyết thông qua để bố trí cho dự án. Tuy nhiên, để nguồn vốn này về dự án thì tiếp theo là Bộ kế hoạch- Đầu tư, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Tiền Giang phải làm một số thủ tục nữa… nguồn vốn đó mới phân bổ về dự án. Hiện tại, dự án vẫn chưa nhận được.
Trong khi đó, vốn tín dụng thì hiện tại các ngân hàng thì đang thẩm định. Các ngân hàng như: Vietcombank, BIDV, Agribank… đang thực hiện và có báo cáo thẩm định chung sau đó có thẩm định riêng của từng ngân hàng. Hiện tại, vẫn chưa kết thúc việc thẩm định nên vốn tín dụng vẫn chưa bố trí được cho dự án.
“Dự án vẫn được duy trì bằng mọi nỗ lực của nhà đầu tư, nhà thầu. Tuy nhiên, việc duy trì này từ tháng 3 đến nay. Khi chúng tôi vào thì đã cơ cấu lại khâu quản trị dự án, cơ cấu lại cách điều hành… Chúng tôi đã sử dụng nguồn vốn của nhà đầu tư, các nhà thầu cũng tự ứng vốn của mình ra, cùng với chủ đầu tư triển khai thi công. Vì nếu như dừng lại như hồi cuối năm 2018, thì không biết khi nào mới hoàn thành được.
Bây giờ chúng tôi cố gắng duy trì việc đó, chờ nguồn vốn của ngân sách cũng như vốn tín dụng. Tháng 11 này mà không có vốn thì chúng tôi cũng chịu, “lực bất tòng tâm” vì các nhà thầu đã cạn kiệt rồi và chủ đầu tư cũng đã bỏ ra toàn bộ nguồn vốn của mình rồi”. – ông Hồng nói.
Được biết, ngày 27/9 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi thị sát, kiểm tra việc thi công, triển khai dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận. Ngay tại công trường, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị phải thực hiện đảm bảo tiến độ dự án, thông tuyến vào cuối năm 2020 và khánh thành thông xe vào dịp 30/4/2021.
Đáng chú ý, cũng tại công trường ngày, Thủ tướng đã trao cho các bộ, cơ quan liên quan các văn bản về việc đồng ý bố trí 2.186 tỷ đồng vốn đầu tư từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2018 cho dự án đường bộ cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Đồng thời yêu cầu nhà đầu tư, các nhà thầu phải tập trung tối đa nguồn lực, huy động nhân công, thiết bị vào công trường để thi công.
Tuy nhiên, trên thực tế, dù nguồn vốn ngân sách đã được bố trí nhưng đến nay, nguồn vốn cho Dự án vẫn vướng mắc, do những yêu cầu từ các ngân hàng tài trợ.
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 2463/QĐ-UBND ngày 02/8/2019, tổng vốn đầu tư Dự án là 12.668 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn BOT là 10.482 tỷ đồng, nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ dự án là 2.186 tỷ đồng.
Thời gian qua UBND tỉnh đã có các văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương đề nghị sớm xem xét, hỗ trợ bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước tham gia Dự án 2.186 tỷ đồng và đã được Chính phủ đồng ý. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Tiền Giang đã chủ trì nhiều buổi làm việc với các Bộ, ngành trung ương, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng cung cấp tín dụng và nhà đầu tư, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận để tháo gỡ các vướng mắc về vốn đầu tư.
Hy vọng, với sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của Ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan liên quan, dự án này sẽ được hoàn thành, như cam kết của Tổng Giám đốc công ty cổ phần BOT Trung Lương- Mỹ Thuận, "nếu như tháng 11/2019, vốn ngân sách bố trí được cho dự án, ký được các hợp đồng tín dụng với các ngân hàng và các ngân hàng giải ngân, chúng tôi cam kết sẽ đảm ứng được tiến độ như Chính phủ đã yêu cầu, thông xe đưa vào sử dụng vào năm 2021".
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng chiều dài 51,1 km với điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TP HCM - Trung Lương), điểm cuối giao với Quốc lộ 30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Tổng mức đầu tư đã điều chỉnh là 12.668 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn BOT là 10.482 tỉ đồng và nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ dự án là 2.186 tỉ đồng. Đây là tuyến đường quan trọng để giải tỏa cho tuyến QL1 về miền Tây hiện đang quá tải. |