“Phải kiểm soát khí thải độc hại hydrocacbon, bụi mịn PM1O... từ xe máy do ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe người dân”.
Đây là đề xuất của ở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh mới đây đang nhận được sự quan tâm của dư luận và các chuyên gia.
Theo đó, trong tháng 10, Sở GTVT sẽ làm việc với Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT), Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam và các đơn vị liên quan để bàn kế hoạch khảo sát khí thải xe máy. Phương án cuối cùng sẽ được UBND TP Hồ Chí Minh trình Chính phủ cho thí điểm.
Hiện tại, Cục đăng kiểm đang lên lộ trình kiểm định khí thải với xe từ 175 phân khối trở lên ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh từ 1/7/2018. Với các thành phố loại một là từ 7/2020 và thành phố loại hai từ tháng 7/2022. Với xe dưới 175 phân khối, có thể do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành tự quy định hoặc áp dụng từ 7/2020 hoặc muộn hơn với xe trên 15 năm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, từ 7/2022 với xe trên 10 năm ở các tỉnh, thành khác.
Thống kê từ Sở GTVT, hiện TP Hồ Chí Minh có gần 7,5 triệu mô tô, trung bình 1,5 người có 1 mô tô. Con số từ các cơ quan kiểm soát và nghiên cứu môi trường TP cho biết mô tô lưu thông thải ra 94% hydro carbon, 87% carbon, 57% ô xít ni tơ trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới.
Có thể bạn quan tâm
17:18, 12/10/2019
05:00, 11/10/2019
05:19, 04/10/2019
05:35, 02/10/2019
05:05, 02/10/2019
00:05, 02/10/2019
10:00, 16/07/2019
20:30, 15/05/2018
Đáng nói, với tốc độ tăng mô tô trên địa bàn 10 - 15%/năm và vẫn chạy với chuẩn EURO 2 (mức gây ô nhiễm môi trường nặng nề) từ hàng chục năm qua, lượng xe mô tô tăng kéo theo lượng khí phát thải chắc chắn sẽ gia tăng mạnh trong thời gian tới.
Trong khi những chất độc hại có trong khí thải xe cơ giới, chủ yếu từ các xe chạy bằng xăng. Số liệu nghiên cứu tại TP Hồ Chí Minh cũng cho thấy các loại bệnh liên quan đến đường hô hấp tăng nhanh, tỉ lệ thuận với sự gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm có trong không khí. Biết là vậy nhưng kiểm soát khí thải, nhất là đối với xe máy, quả là chuyện “không dễ ăn”.
Tháng 3 năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 16/2019 nâng mức tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô, nhưng xe máy - chiếm hơn 80% lượng khí thải từ phương tiện cơ giới đối với môi trường - vẫn vô tư ngoài vòng kiểm soát.
Đúng ra là nên đặt ra tiêu chuẩn khí thải cho tất cả các loại xe ngay từ khi sản xuất chứ không phải đặt ra lúc xe đã lưu hành trên đường. Vì người dân đâu biết làm thế nào để giảm khí thải của xe mình mua sử dụng, mặc dù họ cũng rất muốn giảm để bảo vệ môi trường bảo vệ sức khỏe.
Vì thế, kiểm soát khí thải là vấn đề không phải bây giờ mới bàn tới. Thế nhưng đã nhiều năm nay, các chính sách “động” tới xe máy đều vấp phải sự phản ứng của đa số người dân, thất bại ngay từ đề án do đây là phương tiện liên quan đến nhiều tầng lớp xã hội, vấn đề kiểm soát rất nhạy cảm, phức tạp. Bởi, nếu kiểm soát khí thải, đồng nghĩa với việc hạn chế những xe cũ, là vô phương và chỉ gây... mất thì giờ bởi xe máy là cần câu cơm của người lao động.
Nhiều ý kiến cho rằng việc này sẽ khó khăn vì để kiểm soát lượng phương tiện lưu thông chưa thể toàn diện thì không thể kiểm soát khí thải. Rồi vấn đề bảo trì xe thì tốt nhưng chỉ với những người có xe đời mới, chứ với những người lao động có xe cũ thì dễ gì họ chịu bỏ tiền ra thay thế phụ kiện để đáp ứng khí thải. Hiện ở TP Hồ Chí Minh số lượng người sử dụng xe máy cũ rất nhiều, nếu bị phạt chắc họ cũng bỏ xe luôn.
Vấn đề này chúng ta có thể học hỏi từ Đài Loan. Đài Loan là nơi kiểm soát khí thải từ 20 năm trước và thời gian chuẩn bị là 4 năm. Xe máy lưu thông từ năm thứ 6 trở đi phải kiểm tra khí thải mỗi năm một lần. Quy định này tương tự như đề xuất của Bộ GTVT.
Chuyên gia cho rằng Việt Nam nếu muốn áp dụng kiểm định khí thải cho xe máy như Đài Loan tại thời điểm này là rất khó. Việc quan trọng để chuẩn bị là phải kiểm soát được lượng xe máy lưu thông trên đường. Trên đường phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, không khó để bắt gặp những mẫu xe đã vài chục năm tuổi, xả khói đen gây ô nhiễm nghiêm trọng. Những xe này gần như không có dữ liệu để kiểm soát.
Nên, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM thẳng thắn nói: “Cách chống ô nhiễm tốt nhất là bỏ ô tô, xe máy, động cơ đốt trong, thay thế bằng phương tiện khác và đương nhiên điều này không thể xảy ra. Kế hoạch này chỉ là lý thuyết suông, không liên quan gì đến thực tiễn xã hội”.
Dẫu vậy, để cải thiện chất lượng không khí, chuyện kiểm soát khí thải mô tô, xe máy đang là một trong những việc làm cấp bách hiện nay.