Trung ương Đoàn sẽ lựa chọn một số lĩnh vực trọng tâm tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó ưu tiên vấn đề học tập, nghiên cứu khoa học, lao động việc làm, khởi nghiệp của thanh niên.
Phát huy vai trò xung kích
Ngày 10/9, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị triển khai Luật Thanh niên được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 và chính thức có hiệu lực từ 1/1/2021. Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, thanh niên Việt Nam hiện chiếm 24,6% dân số, là lực lượng xã hội to lớn, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thanh niên là rường cột của nước nhà, là chủ nhân tương lai của đất nước. Chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.
Ông Tuấn khẳng định, việc ban hành Luật Thanh niên có ý nghĩa chính trị, pháp lý sâu sắc trong điều kiện mới. Qua đó tiếp tục bảo đảm quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của thanh niên. Đồng thời quy định rõ các chính sách và trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với thanh niên, nhằm xây dựng thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, có đạo đức, ý thức công dân và sống có lý tưởng.
Phát biểu tại hội nghị, anh Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam khẳng định, trong mỗi quốc gia, chính sách đối với thanh niên rất quan trọng, nếu phát huy tốt tiềm năng lợi thế của lực lượng thanh niên sẽ mang lại hiệu quả cho bất kể quốc gia nào. Với nhiều điểm mới được bổ sung sát hơn, Luật Thanh niên sẽ phát huy vai trò xung kích, dấn thân, đồng thời phát huy vai trò, tiềm năng của thanh niên.
Để luật phát huy hiệu quả, anh Nguyễn Ngọc Lương cho biết, Trung ương Đoàn xác định 5 vấn đề trọng tâm phải được triển khai bài bản, đầu tư nghiêm túc trong thời gian tới. Trước tiên, cần quán triệt, tuyên truyền thật tốt nghị quyết với độ bao phủ rộng để đến được với đông đảo thanh niên, để mỗi thanh niên nhận thức được vai trò, vị trí và sứ mệnh của mình. Qua đó phát huy thật tốt công nghệ thông tin, mạng xã hội, làm sao sản xuất được bộ công cụ tuyên truyền hiệu quả, trực quan, ngắn gọn và súc tích.
Cùng với đó, việc đối thoại với thanh niên lâu nay được làm định kỳ, thường xuyên, nhưng tới đây sẽ phải làm tốt hơn. Trên cơ sở đó tập hợp các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của thanh niên. Đặc biệt, anh Lương cho biết, tới đây sẽ lựa chọn một số lĩnh vực trọng tâm tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó ưu tiên vấn đề học tập, nghiên cứu khoa học, lao động việc làm, khởi nghiệp… Tiếp đó, Trung ương Đoàn sẽ trình Thủ tướng đề án liên quan đến các vấn đề trọng tâm này. Về lộ trình thực hiện, các công việc này sẽ được triển khai trong quý IV/2020.
Cần các diễn đàn thân thiện
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Văn Tuyết đánh giá, Luật Thanh niên là sự kết tinh trí tuệ, nhiệt huyết của đại biểu Quốc hội, Trung ương Đoàn và các cơ quan liên quan với thế hệ trẻ. Luật có 7 chương, 41 điều, thể chế các quan điểm, đường lối của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về thanh niên và công tác thanh niên, đồng thời nhấn mạnh vai trò, sứ mệnh của thanh niên trong tình hình mới.
Để luật thực sự đi vào cuộc sống, Ủy ban sẽ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND tăng cường giám sát Luật Thanh niên. Ông cũng đề nghị Bộ Nội vụ sớm tham mưu Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy định chi tiết thực hiện Luật Thanh niên. Trong đó có việc cụ thể hóa các chính sách của nhà nước đối với thanh niên, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức được quy định trong luật.
Tại hội nghị, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tin tưởng Luật Thanh niên sẽ đem lại khuôn khổ pháp lý có giá trị trong việc hoạch định và thực hiện các chương trình, chính sách thanh niên của Chính phủ. Bà Naomi Kitahara cho rằng, cần nỗ lực hơn nữa để tạo ra một môi trường thuận lợi và các cơ chế linh hoạt cho phép lực lượng thanh niên tham gia với các hành động cụ thể, thiết thực. Qua đó cần có các diễn đàn thân thiện để khuyến khích thanh niên, đặc biệt các nhóm thanh niên dễ bị tổn thương tham gia đối thoại thường xuyên với các lãnh đạo nhà nước và các nhà hoạch định chính sách.
Đề cập đến những điểm mới trong luật, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên Doãn Đức Hảo cho biết, Luật Thanh niên năm 2020 xác định, thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhà nước, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện để thanh niên thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời, chính sách của Nhà nước đối với thanh niên phải bảo đảm mục tiêu phát triển thanh niên.