Chủ trương giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp được nhiều ngân hàng thực hiện suốt thời gian qua.
LTS: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện cắt giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do COVID-19. Tuy nhiên, cần tính toán đến lợi nhuận của các NHTM và nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp còn thấp.
Tuy vậy, chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cho rằng lãi suất không phải điểm nghẽn lúc này vì mặt bằng đang ở mức khá thấp. Vấn đề là nhu cầu tín dụng còn thấp trong bối cảnh doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, ảnh hưởng do dịch bệnh. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng phải kiểm soát cho vay vào những lĩnh vực rủi ro, nợ xấu tiềm ẩn gia tăng. "Nếu giảm lãi suất, lượng cung tiền được bơm ra nhiều, có thể tạo áp lực lạm phát, trong khi bên vay có thể vay tiền đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro, tiềm ẩn nợ xấu. Dư địa giảm lãi suất cho vay không nhiều trong bối cảnh một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất đầu vào gần đây và thanh khoản không còn dồi dào như năm ngoái. Do đó, giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay trong thời gian tới cũng là thành công" - ông Lực nhận định.
Đồng tình, PGS TS Nguyễn Trọng Cơ - Khoa Tài chính Doanh nghiệp, Học viện Tài chính cho rằng, khi bơm tiền ra nền kinh tế để hỗ trợ các doanh nghiệp, NHNN cần tính đến nguyên nhân cốt lõi hiện nay. Trên thực tế, dịch bệnh COVID-19 khiến cho các mối quan hệ kinh tế bị gián đoạn, khi các nước đóng cửa biên giới và thực hiện giãn cách xã hội. Trong bối cảnh đó, việc bơm thêm tiền với lãi suất thấp không có nhiều ý nghĩa, bởi các doanh nghiệp không có nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh do không thể bán được hàng hóa và dịch vụ.
Ông Cơ cho rằng trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc hạ thêm lãi suất có thể là cần thiết đối với các khoản vay cũ nhằm giảm chi phí trả nợ cho doanh nghiệp. Mặc dù vậy, giải pháp này cũng khó thực hiện do sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các NHTM, trừ khi Chính phủ thực hiện bù lãi suất.
Trong bối cảnh này, theo TS Cấn Văn Lực, một yếu tố quan trọng là cả tổ chức tín dụng và khách hàng vay vốn cần trao đổi để cơ cấu lại khoản nợ cho phù hợp, cấu trúc lại hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và xây dựng phương án kinh doanh khả thi nhằm góp phần phục hồi càng sớm càng tốt.
Có thể bạn quan tâm