CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN: Ngăn bê tông hóa Tam Đảo - Bây giờ hoặc không bao giờ

Diendandoanhnghiep.vn Không còn là "hòn ngọc" của miền Bắc, ấn tượng Tam Đảo mang đến cho khách du lịch hiện nay là cảnh tượng tắc đường và ngột ngạt bởi những khách sạn, nhà nghỉ nối bên sườn đồi, che chắn tầm nhìn.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu báo cáo về tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tại thị trấn Tam Đảo.

Khách sạn, nhà hàng ồ ạt xây dựng trong thời gian qua -

Khách sạn, nhà hàng ồ ạt xây dựng tại Tam Đảo trong thời gian qua 

Văn bản số 10015 nêu rõ: "Việc hàng trăm công trình, dự án, khách sạn lớn, homestay xây không phép, sai phép kéo dài tại thị trấn Tam Đảo cho thấy tình trạng buông lỏng quản lý. Thậm chí "quy hoạch chạy theo nhà đầu tư" có dấu hiệu tiếp tay, làm ngơ của nhiều cán bộ thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo. Về vấn đề này Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Vĩnh Phúc báo cáo".

Trước đó, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cũng đã ký văn bản gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu kiểm tra, xử lý sai phạm tại các dự án khách sạn, nhà hàng, homestay... khiến "thiên đường nghỉ dưỡng" ngột ngạt.

Quy hoạch chạy theo nhà đầu tư

Tam Đảo vốn dĩ được ví như "Đà Lạt" của miền Bắc, là hòn ngọc của thiên nhiên với cảnh quan hùng vĩ, thời tiết mát mẻ và đặc biệt gây ấn tượng với khách du lịch bởi một thị trấn cổ, mang hơi hướng kiến trúc Pháp, nép bên sườn đồi.

Nhưng sau thời gian phát triển, điều Tam Đảo để lại ấn tượng mạnh mẽ nhất với du khách có lẽ là sự chật chội, tắc đường. Cảnh tượng hàng xe nối đuôi nhau hàng cây số chờ nhích lên là điều mà người ta nhắc về Tam Đảo mỗi dịp lễ.

Qua khỏi đoạn đường ấy lại đến trung tâm với ngổn ngang những gạch đá, xe chở vật liệu và tiếng ồn từ máy móc thi công. Không gian công cộng duy nhất ở đây là công viên cũ dù được lát đá, dựng một số dụng cụ trò chơi cho trẻ em nhưng chật kín người, trong khi đó một số khách sạn lớn có khuôn viên dành cho giải trí thì chỉ phục vụ cho khách thuê khách sạn. Thậm chí nhà thờ cũ, biểu tượng của Tam Đảo cũng được "làm mới", không còn vẻ cổ kính.

Ấn tượng đầu tiên với du khách đến Tam Đảo không phải phong cảnh mà chính là "tắc đường"

Đáng nói, theo phản ánh của người dân ở đây, cả thị trấn du lịch nghỉ dưỡng Tam Đảo đón hàng nghìn lượt du khách mỗi ngày, tuy nhiên không có bãi đỗ xe. Tất cả phương tiện phải đỗ trên vỉa hè hoặc trước quán ăn, khách sạn. Lối đi của thị trấn cổ vốn nhỏ, nay càng thêm chật chội bởi xe cộ.

Thậm chí, ngay dưới chân núi Tam Đảo, để "tận dụng" du lịch, những hàng quán cũng đua nhau mọc lên trên đất rừng, xẻ rừng làm quán. Trong số đó, thậm chí có công trình được xác định là của người nhà cán bộ Phòng tài nguyên và Môi trường huyện Tam Đảo.

Theo đánh giá của các chuyên gia, tất cả những tình trạng trên chính là hệ lụy của việc làm công trường chạy trước "quy hoạch".

Bây giờ hoặc không bao giờ

Theo kế hoạch, đến hết năm 2019, Tam Đảo phải xây dựng xong những cơ sở hạ tầng cần thiết: hoàn thành mở rộng đường lên Tam Đảo, các khách sạn đạt tiêu chuẩn bốn sao, khu tổ hợp dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp, khu ẩm thực, thương mại, công viên dành cho vui chơi giải trí..., chấm dứt hiện trạng “công trường” để có thể ung dung đón khách. 

Thế nhưng, những hình ảnh được phản ánh thời gian qua và sự chỉ đạo đến từ Bộ Xây dựng và Thủ tướng đã cho thấy diện mạo quy hoạch tổng thể không được khắc họa rõ nét và những tính toán về khả năng dung chứa của khu du lịch có vẻ như đã bị sự phát triển “nóng” vượt qua.

Kể cả khi những công trình lớn hoàn thành và đưa vào sử dụng cũng khó có thể chắc chắn đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của số lượng khách đông đảo trên tổng diện tích nhỏ hẹp chỉ 214,87 ha. 

Theo KTS Hoàng Đạo Cầm - Viện nghiên cứu phát triển du lịch, Bộ VHTTDL, một trong những điều cần thiết nhất trong phát triển du lịch đó là việc tính toán làm thế nào để phát triển một cách bền vững, mà trong đó, "sức chứa" chính là mấu chốt của vấn đề.

Vị kiến trúc sư cho rằng, việc "ôm" quá nhiều hoạt động trong du lịch một thời điểm sẽ gây quá tải trong quản lý và ảnh hưởng đến môi trường. Theo đó, KTS Hoàng Đạo Cầm cho rằng cần tăng cường giám sát tránh tình trạng xây dựng nhỏ lẻ, tự phát có thể phá vỡ quy hoạch tổng thể của Tam Đảo. Đồng thời tăng cường quản lý kiến trúc công trình, mật độ xây dựng, hình thức kiến trúc, không để lấn chiếm, xây dựng một cách tự phát như hiện nay.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, chuyên gia quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị cũng cho rằng cần phải quy hoạch với tầm nhìn 20 - 30 năm, không nên tiếp cận du lịch theo cách thức chỉ dựa vào số lượng và quy mô người dân. Phải có cách nhìn, đánh giá môi trường sinh thái, điều kiện đến đâu để có một kế hoạch thích ứng với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương.

Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cũng cho rằng "bảo tồn hay bê tông hóa" là vấn đề thực tại ai cũng hiểu rõ, thế nhưng nhiều địa điểm du lịch như Sa Pa, Đà Lạt và nay là Tam Đảo vẫn loay hoay để tìm bài toán cân bằng "trên giấy", còn đất rừng vẫn để "mất" mà bê tông cứ "lớn" dần.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN: Ngăn bê tông hóa Tam Đảo - Bây giờ hoặc không bao giờ tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714167268 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714167268 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10