Cầu Thăng Long: Cần tìm phương thuốc “đặc trị” phù hợp!

Sông Hàn 17/08/2019 04:30

Hiện đang có nhiều tư vấn đề xuất các phương án sửa chữa cầu Thăng Long. Bộ GTVT sẽ lựa chọn phương án tốt nhất, có thể kéo dài 5-10 năm.

Đó là lời của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể sau khi có chuyến khảo sát thực địa cầu Thăng Long cùng với các chuyên gia mới đây.

Bộ trưởng Bộ GTVT thị sát cầu Thăng Long và cam kết sẽ có biện pháp sữa chữa tốt nhất,

Bộ trưởng Bộ GTVT thị sát cầu Thăng Long và cam kết sẽ có biện pháp sữa chữa tốt nhất, "ổn định trong 7-10 năm". Ảnh TPO

Cầu Thăng Long được khởi công xây dựng năm 1974 và chính thức khánh thành vào ngày 9/5/1985, do Liên Xô (cũ) hỗ trợ Việt Nam xây dựng.  Cầu được xem là một trong những biểu tượng của tình hữu nghị Việt-Xô. Cũng là công trình đầu tiên mà cán bộ và công nhân xây dựng cầu Việt Nam trực tiếp thi công, đồng thời là cây cầu có quy mô lớn vào loại bậc nhất Việt Nam và vùng Đông Nam Á thời điểm đó.

 Vì thế, thời gian qua nhân dân Hà Nội và dư luận rất quan tâm tới tình trạng xuống cấp của mặt cầu Thăng Long.

Năm 2009, mặt cầu Thăng Long đã được trải lại toàn bộ lớp thảm mặt cầu tầng 2 bằng công nghệ Mỹ. Tuy nhiên, từ đó tới nay, lớp bê tông nhựa mặt cầu bị xô dồn, nứt ngang mặt do dính bám giữa bê tông nhựa mới sửa và bản thép phía dưới không đạt yêu cầu. Sau đó, cầu Thăng Long còn được “đại tu” thêm vào các năm 2013, 2016 với kinh phí lên tới hàng trăm tỷ đồng nhưng mặt cầu vẫn hư hỏng.

Có thể bạn quan tâm

  • "Tiền sửa chữa cầu Thăng Long được lấy từ quỹ bảo trì đường bộ"

    06:30, 29/09/2018

  • Bác đề xuất chi 300 tỷ đồng sửa chữa cầu Thăng Long

    00:00, 26/04/2014

  • Dùng gần 10 tỷ để sửa tạm cầu Thăng Long

    00:00, 06/10/2013

  • Xây thêm 5km đường trên cao về phía cầu Thăng Long

    00:00, 25/09/2013

  • Cầu cạn trên cao được nối thêm 6km về phía cầu Thăng Long

    00:00, 16/05/2013

Ghi nhận từ thực tế, điều kiện cho phép chạy với vận tốc 80 km/h, nhưng nhiều lúc trên cây cầu này, xe cộ chỉ chạy được 20 km/h, thậm chí chỉ 10 km/h. Cầu đang bị xẻ rãnh, sống trâu, ổ gà, nứt mạng nhện - không thiếu một thể loại hư hỏng, xuống cấp nào.

Và dù chỉ dài 3,3 km, nhưng có những thời điểm diện tích phải sửa chữa những năm qua trên 10.500m2, tương đương khoảng 40% diện tích toàn mặt cầu. Có những thời điểm, thậm chí có tới 1.800m2... ổ gà.  

Việc mặt cầu được sửa chữa nhiều lần nhưng vẫn bị hư hỏng lại, nhiều vị trí nhựa đường bị xô lệch, lộ bản thép dầm cầu bên dưới… không khỏi khiến cho dư luận nghi ngại, thậm chí hoài nghi chất lượng và kỹ thuật sữa chữa. Vì thế, các cơ quan chức năng liên quan không thể trách được sự nghi ngờ này của dư luận.

Nói như vậy bởi thời gian qua có rất nhiều dự án vừa hoàn thành đã lún, lún thật. Như dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi hơn 34.000 tỉ đồng mà dư luận quan tâm vừa qua, mới đưa vào khai thác là sụt lún.

Hay, cầu Bạch Đằng hơn 7.000 tỉ đồng nối Quảng Ninh – Hải Phòng, vừa thông xe đã bị lún võng. Đáng chú ý, chủ đầu tư dự án cầu hơn 7.000 tỉ đồng là Công ty CP BOT cầu Bạch Đằng giải thích, hiện tượng không bằng phẳng, cầu bị vênh đã nằm trong tính toán của đơn vị tư vấn kỹ thuật, sai số này nằm trong phạm vi cho phép..v..v.

Thật ra không cần đến người có am hiểu về chuyên môn, ngay cả một người dân bình thường cũng dễ dàng thấy mùi bao biện, lấp liếm qua các thuật ngữ như “nằm trong giải pháp kỹ thuật”, “nằm trong tính toán kỹ thuật”… để lý giải cho các hiện tượng không bình thường đó.

Trở lại với vấn đề của cầu Thăng Long,  cây cầu này vẫn có một vẻ đẹp riêng và là chiếc cầu hữu nghị, nối liền thủ đô với sân bay Nội Bài, cửa ngõ quan trọng đưa khách quốc tế đến Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Điều này cũng có nghĩa, việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long là hết sức cấp thiết, nhằm nâng cao năng lực của toàn tuyến vành đai III Hà Nội, đồng thời đảm bảo an toàn khai thác cho công trình cầu huyết mạch này.

Dĩ nhiên, sự tồn tại của một công trình của mấy chục năm về trước nó gắn liền với tư duy, kỹ thuật, công nghệ của thời điểm đó, nên khi mặt cầu xuống cấp các cơ quan chức năng cũng “bở hơ tai” khi áp dụng công nghệ này công nghệ nọ mà vẫn như cũ.

“Cầu Thăng Long do Liên Xô thiết kế và họ thi công cho mình phần mặt đường. Cầu hoạt động từ năm 1985 đến lần sửa chữa đầu tiên cũng gần 30 năm, như vậy nó đã tồn tại qua một thời gian dài. Người thiết kế trước đây họ có thể biết được tính chất đó, còn người khác vào sau thì phải đi khảo sát, đo đạc tất cả mọi thứ và tất nhiên sẽ tốn công hơn người đã từng thiết kế” - PGS.TS Nguyễn Đình Thám nói.

Có ý kiến cho rằng các chuyên gia Liên Xô “giữ bí mật” công nghệ, không chuyển giao cho Việt Nam khiến việc sửa chữa cầu gặp khó khăn. Nhưng theo các chuyên gia giao thông hàng đầu của Việt Nam thì không có bí quyết gì đặc biệt lắm, vấn đề của cầu Thăng Long chủ yếu là giữa phần nền đường và phần mặt đường phải phù hợp với nhau.

Tức là, việc sửa chữa những vị trí hư hỏng chỉ là giải pháp trước mắt đảm bảo êm thuận cho mặt cầu, đảm bảo an toàn giao thông. Về lâu dài, cần triển khai công tác chuẩn bị đầu tư để sửa chữa tổng thể mặt cầu Thăng Long, trong đó có sự tham gia của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước.

 Quan trọng nhất là để sửa chữa phải tìm đơn vị nào có công nghệ phù hợp với cầu Thăng Long là hợp lý nhất. Chứ không thể cứ mãi làm theo kiểu “tù mù”, kiểu “dò đá qua sông” mà gây tốn kém, lãng phí ngân sách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cầu Thăng Long: Cần tìm phương thuốc “đặc trị” phù hợp!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO