Phong cách sống

Cây muốn phát triển cần được trồng trên đất tốt

Vũ Quỳnh Hương - Chuyên gia Truyền thông thương hiệu - Thành viên VSE 24/12/2024 11:00

“Cây trồng trên đất tốt, được chăm bón phù hợp sẽ nở hoa, kết trái, cũng giống như con người được nuôi dạy và phát triển trên nền tảng gia đình hạnh phúc sống một đời giá trị”.

Một xã hội văn minh, phát triển bền vững được xây dựng và phát triển trên nền tảng các gia đình hạt nhân văn hóa. Bởi gia đình là cái nôi để nuôi dưỡng, định hướng nhân sinh quan của mỗi một con người, ngay từ thuở thiếu thời. “Cây trồng trên đất tốt, được chăm bón phù hợp sẽ nở hoa, kết trái, cũng giống như con người được nuôi dạy và phát triển trên nền tảng gia đình hạnh phúc sống một đời giá trị”.

Hương.Cây muốn 1
Gia đình bà Trần Thị Kỷ chụp ảnh kỷ niệm Tết 2023.

Giáo dục trong gia đình cần linh hoạt trong thời đại mới

Sự phát triển của nền kinh tế hội nhập, nhu cầu và chất lượng sống tăng cao khiến áp lực kinh tế ngày càng lớn đối với các thành viên trụ cột gia đình, bên cạnh đó là sự xuất hiện của internet, nhiều thú vui giải trí mới… Những thay đổi này làm biến đổi không nhỏ những tư duy, nếp nghĩ và nếp nhà trong văn hóa gia đình truyền thống. Sự điều chỉnh lớn nhất là cấu trúc gia đình, đã tạo nên những nếp sinh hoạt mới, cách thức các thành viên trong gia đình tương tác, kết nối cùng nhau.

Sự giảm mạnh của các gia đình nhiều thế hệ, đặc biệt tại các đô thị lớn, thay thế bằng các gia đình hạt nhân dấy lên băn khoăn, liệu sự sôi động của cuộc sống hiện đại có làm mai một đi những giá trị gia đình tốt đẹp truyền thống như sự gắn bó, chia sẻ, thời gian sum họp gia đình, sự tôn kính với tổ tiên, sự tôn trọng và vun đắp những giá trị trong nếp nhà, gia phong? Và liệu tất cả những giá trị truyền thống có còn phù hợp với sự vận động của xã hội thời kỳ mới, bảo tồn truyền thống gia đình cũ có làm cuộc sống chúng ta thêm áp lực và lệch khỏi bánh đà vận động của kinh tế, xã hội?

Vai trò lớn nhất của gia đình là bảo đảm sự an toàn, kết nối và hạnh phúc cho mỗi thành viên. Gia đình cũng là nơi đầu tiên và tác động lớn nhất tới quá trình giáo dục, dạy dỗ con người từ thuở lọt lòng. Gia đình giống như là đất, đất có tốt, cây trồng sẽ lớn lên khỏe mạnh và cứng cáp.

Đem lại cảm nhận an toàn, hạnh phúc cho mọi thành viên trong gia đình, luôn là một trách nhiệm khó khăn. Hình ảnh của người chủ gia đình có ý nghĩa biểu tượng, không phải là một chân dung cụ thể, mà được định nghĩa bởi trách nhiệm và những trải nghiệm sâu sắc, cũng như sự sáng suốt, và tình thương bao la. Đó có thể là người ông, người bà trong nhà, hoặc là người cha, người mẹ hoặc một người anh, người chị.

Bà Trần Thị Kỷ, trú tại Hà Nội chiêm nghiệm: “Trước đây tôi cứ nghĩ, sẽ chẳng ai có thể thay thế chồng ở vai trò người chủ gia đình. Rồi cơn bạo bệnh đưa ông ấy đi, vai trò ấy chuyển giao sang tôi một cách thầm lặng. Tôi làm chỗ dựa tinh thần cho các con, luôn nhắc mình sống làm gương cho con cháu, đó chính là cách giáo dục và định hướng cho các con tốt nhất”.

Sự bối rối của bà Kỷ khi con cái lớn lên, thời thế khác biệt so với cuộc sống của ông bà thời trẻ, cũng tạo nên những áp lực không nhỏ. “Có những khái niệm mới, thông tin mới mà tôi không hiểu, nên không biết làm thế nào để đánh giá tốt xấu. Tôi cũng lo lắng, liệu con cái mình có bị cuốn theo vòng xoáy kinh tế, mưu cầu cuộc sống đủ đầy, văn minh hơn mà mắc lỗi. Liệu tôi có đủ trải nghiệm và sự mạnh mẽ để định hướng cho con.

baky(1).jpg
Bà Trần Thị Kỷ

Thế hệ chúng tôi lớn lên với tư tưởng “Trẻ cậy cha- già cậy con” và “Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”. Nhưng đến thời các con các cháu, các tư duy này đã không còn phù hợp, góc nhìn cuộc sống và thế giới đã khác. Các con có tư duy tự lập, có chính kiến, biết tự đưa ra lựa chọn cho cuộc sống cá nhân, và có trách nhiệm với việc làm đúng, làm sai của mình. Việc của tôi chỉ là dạy các con luôn phấn đấu học hành, mở rộng tầm nhìn, biết sống tử tế, và giữ được sự hòa thuận giữa vợ chồng, anh chị em, kính trên nhường dưới. Giữ được những nguyên tắc này, thì dù xã hội có vận động như thế nào, thì giá trị cốt lõi của gia đình sẽ luôn bền vững.

Những nguyên tắc ứng xử gia đình trong thời đại mới

Những nguyên tắc ứng xử trong gia đình được bà Kỷ đúc rút ngắn gọn. Nhưng để có thể thực hiện và áp dụng được, lại là một hành trình dài, trong đó là rất nhiều sự thấu hiểu, cầu thị và niềm tin giữa các thế hệ. Ở vai trò cha mẹ, trước hết phải tin tưởng ở bản thân, chọn lọc và định hướng được những giá trị cốt lõi mà gia đình cần có. Tiếp đến là tin tưởng ở con cái, hiểu và nhìn ra những giá trị tốt đẹp ở con, để tôn trọng suy nghĩ và lựa chọn con mong muốn. Yếu tố thứ hai là sự kiên nhẫn. Kiên nhẫn lắng nghe, kiên nhẫn uốn nắn, kiên nhẫn đồng hành. Chỉ có đồng hành cùng con, cha mẹ mới thêm hiểu và biết con cần gì, mong muốn gì. Yếu tố thứ ba, đó là tiết chế sự kiểm soát, cho con đủ không gian để được trưởng thành.

Đối với con cái, yêu kính và tôn trọng bố mẹ phải là điều tiên quyết. Cha mẹ cũng có thể phạm sai lầm, hãy bao dung và kiên nhẫn với những suy nghĩ, tư duy do khác biệt thời cuộc mang lại. Hãy biết ơn và hiếu kính với bố mẹ mỗi ngày. Thế giới ngoài kia rất sôi động, rất mới lạ, có thể cuốn con cái mải mê khám phá, nhưng hãy dành nhiều hơn thời gian bên bố mẹ, gia đình.

Với vợ chồng, nguyên tắc gói gọn trong câu tục ngữ xưa truyền lại: “Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa biết đời nào khê”

Suy cho cùng, mọi nguyên tắc ứng xử trong gia đình đều dựa trên các nguyên tắc: Yêu thương – Thấu hiểu – Chia sẻ. Hiểu không chỉ ở mong muốn trước mắt, mà là hiểu về cá tính con người và những nhu cầu ẩn sâu bên trong. Yêu thương, chia sẻ không chỉ bằng sự chăm sóc, mà bằng sự thẳng thắn, chân thành trong mọi hành động, trong sự tôn trọng và cầu thị khi giải quyết các mâu thuẫn, xung đột.

“Gia đình chúng tôi không còn sống theo nguyên tắc Trẻ cậy cha – Già cậy con. Chính các con đã dạy lại tôi một điều, bản thân mỗi người cần có trách nhiệm với chính hạnh phúc của bản thân đầu tiên. Thay vì cậy nhờ niềm vui tuổi già vào con cháu, các con khuyến khích tôi tham gia các câu lạc bộ người cao tuổi, sinh hoạt văn hóa, đi du lịch khám phá cảnh sắc, các cháu thì hướng dẫn bà dùng internet, tìm hiểu thông tin chăm sóc sức khỏe. Các cháu tuy còn đi học, nhưng đã biết tự định hướng đam mê, và nỗ lực học tập, tự lựa chọn hướng phát triển bản thân. Khi cần tham vấn việc quan trọng thì hỏi ý kiến bố mẹ, cô chú. Tôi nghiệm ra là, truyền thống là rất tốt, rất đẹp, những cũng cần áp dụng linh hoạt, hợp lý, hợp thời, vì trong tất cả các giá trị, thì giá trị hạnh phúc vẫn là quan trọng nhất” – bà Kỷ chia sẻ.

Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương.

- Cha mẹ, ông bà làm gương tốt cho con, cháu trong cử chỉ, hành động, lời nói; có tình cảm gắn bó gần gũi với con cháu.

- Quan tâm, nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy bảo con cháu khi con cháu còn nhỏ; khi con, cháu không có khả năng tự nuôi sống, chăm sóc bản thân.

- Trao truyền các giá trị truyền thống, kinh nghiệm sống cho con cháu; giáo dục, động viên con cháu thực hiện lối sống văn hóa, ý thức công dân, giữ gìn nền nếp, gia phong.

Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép.

- Kính trọng, lễ phép, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; yêu thương, quan tâm, chia sẻ tình cảm, nguyện vọng với cha mẹ và các thành viên trong gia đình.

- Học tập, rèn luyện, giữ gìn nền nếp gia đình, phụ giúp cha mẹ và các thành viên trong gia đình những công việc phù hợp với độ tuổi, giới tính.

- Thăm hỏi, chăm sóc động viên, nuôi dưỡng cha mẹ, ông bà khi cha mẹ, ông bà ốm đau, già yếu, gặp khó khăn trong cuộc sống.

logo gd
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cây muốn phát triển cần được trồng trên đất tốt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO