Đánh giá đó là hành vi “ăn chặn” ngân sách từ chính những thiết bị để phòng chống dịch, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc Hội Phạm Văn Hòa cho rằng phải xử lý nghiêm để răn đe, cảnh tỉnh.
Theo đại diện Bộ Công an, cơ quan điều tra cáo buộc ông Nguyễn Nhật Cảm (Giám đốc CDC Hà Nội) và đồng phạm nâng giá hệ thống xét nghiệm Realtime PCR từ 2,3 tỷ lên 7 tỷ đồng.
Cụ thể, đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) cho biết, hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống COVID-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng 2,3 tỷ đồng, tuy nhiên qua mua bán lòng vòng, đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) đã lên đến 7 tỷ đồng.
Trước đó, CDC Hà Nội đã đề xuất mua thêm một hệ thống xét nghiệm này do số lượng mẫu nghi nhiễm COVID-19 gia tăng.
Realtime PCR được giới thiệu là hệ thống mở cho phép chạy được nhiều loại hóa chất khác nhau có thể xét nghiệm được nhiều loại bệnh truyền nhiễm, không riêng nCoV. Trên thị trường phần lớn máy này phải nhập từ Đức hoặc một số nước Châu Âu có giá từ 2,5 tỷ đồng tới 10 tỷ đồng, tùy công suất và cấu hình.
Cho ý kiến về vụ việc này, TS Nguyễn Anh Trí, Nguyên Giám đốc Viện Huyết học - truyền máu Trung ương chia sẻ: “Nhận được tin, tôi sốc và buồn”.
Ông Trí nói đó là người đồng nghiệp, đàn em của mình nên không dám tin vào sự thật. “Đây là một giai đoạn rất đặc biệt. Trong khi cả nước chung sức đồng lòng chống dịch, có rất nhiều tấm gương, hình ảnh cảm động, vậy mà lại xảy ra câu chuyện gian lận, tham nhũng này”, Nguyên Giám đốc Viện Huyết học - truyền máu Trung ương nói.
Điều đáng buồn hơn, người có sai phạm lại là một lãnh đạo công tác trong ngành y tế dự phòng - một lĩnh vực giữ vai trò quan trọng, quyết định trong phòng, chống dịch bệnh.
Theo TS Nguyễn Anh Trí, trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, Việt Nam đã thành công ở tất cả các góc độ: Phòng dịch, ngăn chặn dịch, điều trị khỏi cho các ca nhiễm. Qua đợt chống dịch COVID-19 này cho thấy sự đồng lòng, quyết tâm của cả nước, ai cũng cố gắng làm những điều tốt nhất để đóng góp công sức, từ người dân đến các lực lượng như công an, quân đội, đặc biệt, là y tế.
Dưới góc độ của người công tác trong ngành y, TS Nguyễn Anh Trí đánh giá rất cao việc y tế Việt Nam đã có 2 thành công lớn, đó là sớm phân lập được virus gây dịch và sản xuất được bộ kit để chẩn đoán theo nguyên lý công nghệ cao.
Bên cạnh đó, các tổ chức CDC trên cả nước làm rất tốt công tác phòng dịch và chống dịch. Đặc biệt, hệ thống CDC rất thành công trong việc làm xét nghiệm, một công tác quyết định thắng bại của chiến dịch phòng chống COVID-19. Tuy nhiên, đây là sự việc đáng buồn.
Có thể bạn quan tâm
16:38, 22/04/2020
13:45, 17/04/2020
Theo Nguyên Giám đốc Viện Huyết học - truyền máu Trung ương, cán bộ hay lãnh đạo làm sai đều phải bị xử lý thích đáng theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh này mà sai phạm, càng phải xử nghiêm.
Có thể thấy, trong khi đại dịch COVID-19 gây tổn hại lớn cho nền kinh tế và ngân sách quốc gia, làm xáo trộn đời sống, đe doạ tính mạng người dân, việc xảy ra tiêu cực, gian lận từ một cán bộ, lãnh đạo trong ngành y tế là điều khó chấp nhận.
Y tế dự phòng lẽ ra phải là hậu cần, phải hỗ trợ cho tuyến đầu là các y bác sĩ trực tiếp chữa trị cho bệnh nhân, nhưng nay lại “ăn chặn” ngân sách từ chính những thiết bị để phòng chống dịch.
Do đó, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc Hội Phạm Văn Hòa cho rằng: "Phải xử lý nghiêm để răn đe, cảnh tỉnh cho những người lợi dụng vị trí công tác của mình để vun vén cho cá nhân".
Nhắc lại nhiều lùm xùm của ngành y tế thời gian qua liên quan đến thuốc giả, khai khống giá thiết bị y tế, nhập thiết bị kém chất lượng… ông Hòa đề nghị cần có kiểm soát, giám sát chặt chẽ hơn trong lĩnh vực này.
Trước đó, hôm qua ngày 22/4, khi bắt Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm, C03 cáo buộc tại gói thầu mua sắm Hệ thống Realtime PCR tự động đã xảy ra "câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị".
Hành vi gian lận tại CDC Hà Nội là vụ án đầu tiên được C03 khởi tố nhằm điều tra với các sai phạm trong phòng, chống COVID-19.
Liên quan vụ án, C03 cũng khởi tố 6 người liên quan, trong đó có Trưởng phòng Tài chính kế toán Nguyễn Vũ Hà Thanh. 7 người cùng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
7 bị can về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng gồm: Nguyễn Nhật Cảm, sinh năm 1963, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội; Nguyễn Vũ Hà Thanh, sinh năm 1979, Trưởng phòng Tài chính kế toán Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội; Đào Thế Vinh, sinh năm 1975, Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST); Nguyễn Trần Duy, sinh năm 1980, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành; Nguyễn Ngọc Nhất, sinh năm 1986, nhân viên Công ty TNHH Phát triển khoa học Vitech; Nguyễn Thanh Tuyền, sinh năm 1985, nhân viên Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông; Lê Xuân Tuấn, sinh năm 1982, nhân viên Phòng Tài chính kế toán Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội. |