VinTech Fund được hình thành với mục tiêu tài trợ và hỗ trợ nguồn lực để hiện thực hóa các sản phẩm khoa học công nghệ (KHCN) có những lợi thế cạnh tranh vượt trội.
“Hưởng ứng thông điệp MAKE IN VIETNAM mới được Thủ tướng truyền đi, Quỹ tài trợ nghiên cứu ứng dụng VinTech (VinTech Fund) trong năm 2019 dự kiến tài trợ 15 đề tài nghiên cứu ứng dụng, với số tiền lên đến 10 tỷ đồng/đề tài. Chúng tôi mong muốn được chung sức góp phần tạo ra chất xúc tác cho các sản phẩm khoa học công nghệ “MAKE IN VIETNAM”, giúp nền kinh tế khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam có thêm nhiều startup thành công”.
Đó là chia sẻ của bà Trương Lý Hoàng Phi - Tổng Giám đốc VinTech City - Tập đoàn Vingroup chia sẻ xung quanh việc Tập đoàn Vingroup tiếp tục có chương trình hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ.
- Thưa bà, cả xã hội đang thấy Vingroup “nói là làm” thông qua VinFast, VinSmart và giờ là VinTech. Đặc biệt khối “Tech” của tập đoàn với Viện VinAI Research, Viện Big Data, Vin Brain… và gần đây nhất là VinTech City với VinTech Fund. Bà có thể cho biết, VinTech Fund có khác gì so với các quỹ tài trợ khác?
Sụ khác biệt mà Quỹ tài trợ nghiên cứu ứng dụng VinTech (VinTech Fund) tạo ra đó là cơ hội mang một sản phẩm khoa học và công nghệ từ giai đoạn nghiên cứu đến giai đoạn ra thị trường thông qua hệ sinh thái các hoạt động hỗ trợ.
VinTech Fund được hình thành với mục tiêu tài trợ và hỗ trợ nguồn lực để hiện thực hóa các sản phẩm khoa học công nghệ (KHCN) có những lợi thế cạnh tranh vượt trội, có tiềm năng thương mại hóa trên thị trường. Lợi thế lớn nhất và cũng là “điểm cộng” của VinTech Fund bổ sung vào là cơ hội thử nghiệm, thực nghiệm. Quỹ ra đời trên cơ sở tham khảo mô hình các Quỹ cũng như các chương trình tài trợ nghiên cứu khoa học và công nghệ rất thành công như: Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (NSF), Quỹ Tài trợ Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), Quỹ Newton (Anh), Qũy tài trợ nghiên cứu của Google…
- Bà có thể cho biết mức tài trợ của VinTech Fund?
Mức tài trợ của chúng tôi tương đồng và thuộc top cao so các chương trình tài trợ cho các nghiên cứu ứng dụng ở giai đoạn đầu tiên của một số quốc gia trên thế giới. Mỗi đề tài nghiên cứu nếu được xét duyệt sẽ được cấp nguồn tài chính với số tiền lên đến 10 tỷ đồng (500.000 USD).
- Vậy các tài năng, các dự án cần đáp ứng tiêu chí gì để được tài trợ từ nguồn quỹ VinTech Fund do VinTech City vận hành, thưa bà?
Chúng tôi hướng đến: Một là công nghệ (Hàm lượng nghiên cứu, tính sáng tạo, giải pháp); Hai là khả năng thương mại hóa (Tiềm năng thị trường, mức độ khả thi); Ba là uy tín/năng lực thực thi (Thành tựu về mặt chuyên môn), cuối cùng chúng tôi ưu tiên các đề tài/dự án đã tạo ra được sản phẩm ở dạng phiên bản mẫu đầu tiên.
Chương trình ngoài sự ưu tiên cho các đề tài nghiên cứu đến từ 54 trường đại học, các Viện nghiên cứu tại Việt Nam, chúng tôi cũng khuyến khích tính hợp tác, liên kết, chia sẻ nguồn lực của lực lượng các nhà khoa học, nhà sáng chế, chuyên gia công nghệ, thậm chí là các startup công nghệ người Việt trên toàn cầu với các trường đại học tại Việt Nam để cùng tham gia.
- Thưa bà, quy trình tiếp nhận xét duyệt hồ sơ của VinTech Fund là như thế nào?
Đợt xét tài trợ đầu tiên trong vòng 60 ngày, chia thành 02 giai đoạn. Giai đoạn 1: tiếp nhận hồ sơ và vòng thẩm định từ ngày 15/5/2019 đến ngày 15/6/2019. Giai đoạn 2: vòng xét duyệt từ 15/6/2019 đến 15/7/2019.
Chúng tôi sẽ căn cứ trên hồ sơ gửi về. Các chất vấn sẽ được Hội đồng chuyên gia thực hiện trong trường hợp cần thiết. Qua vòng thẩm định, các nhóm nghiên cứu sẽ trình bày và phản biện trực tiếp với Hội đồng chuyên gia cho vòng xét duyệt. Kết quả của Hội đồng chuyên gia tại vòng xét duyệt và căn cứ quan trọng cho các quyết định tài trợ cuối cùng.
Hội đồng sẽ theo xuyên suốt quá trình tuyển chọn, xét duyệt, thử nghiệm tại hiện trường và cả quá trình kết nối thử nghiệm tại các doanh nghiệp và người dùng nói chung. Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng sẽ hỗ trợ, cố vấn cho dự án cho đến lúc nghiệm thu kết quả, việc này nhằm đảm bảo tính liên tục và tăng khả năng thành công cho dự án.
- Các dự án và con người được đầu tư từ VinTech Fund có phải chịu những ràng buộc gì từ Vingroup? Quỹ có giới hạn số lượng nhận các đề tài, nghiên cứu không, thưa bà?
Ràng buộc lớn nhất với Vingroup là các nhóm nghiên cứu cam kết theo đuổi đến cùng và tạo ra kết quả tốt nhất cho đề tài của họ. Trong các trường hợp không mong muốn, VinTech Fund cũng sẽ đề xuất các nguồn lực chuyên gia hỗ trợ, đó là các chuyên gia tầm quốc tế hiện đang làm việc, cộng tác cùng với Vingroup.
Từ nay đến hết năm 2019, Quỹ dự kiến tài trợ cho 10-15 đề tài nghiên cứu. Từ đó, chúng tôi kết nối các đầu mối để ứng dụng kết quả nghiên cứu vào giai đoạn kiểm nghiệm và thương mại hóa. Căn cứ vào thực tế, VinTech Fund cũng hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ, hợp tác thương mại hóa các dự án ở các giai đoạn hình thành doanh nghiệp, khởi nghiệp.
- Vingroup có công bố sẽ xây dựng VinTech City như một ‘Silicon Valley’ của Việt Nam, là “bà đỡ” của các start up khởi nghiệp - cá nhân bà kỳ vọng và mong đợi gì ở VinTech City trong tương lai?
Bên cạnh rất nhiều những thành tố tạo nên Silicon Valley có 03 thành tố quan trọng luôn được nhắc đến: nhân tài công nghệ, sản phẩm công nghệ có lợi thế cạnh tranh và một hệ sinh thái hỗ trợ. Với 3 nền tảng này thì VinTech City phải bắt đầu với nhân tài công nghệ, sản phẩm công nghệ mang tính ứng dụng có lợi thế cạnh tranh ở nhiều phạm vi: Việt Nam, khu vực và toàn cầu.
Khởi nghiệp bản thân nó đã luôn bao hàm niềm tin và những kế hoạch cụ thể để “chạm tay” đến một kỳ tích. Nếu xây dựng được hệ sinh thái hỗ trợ như “Silicon Valley” cho startup được xem là kỳ tích thì tôi muốn được đóng góp, dù là rất nhỏ, dù là những viên gạch đầu tiên vào khát vọng ấy. Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, tận gốc bài toán này là vấn đề nguồn nhân lực khoa học, công nghệ, tinh thần khởi nghiệp và những nền tảng hỗ trợ. Mới đây nhất, khi thông điệp MAKE IN VIETNAM được Thủ tướng truyền đi, Vingroup cũng có chung niềm tự hào vì đang theo đuổi con đường góp phần tạo ra chất xúc tác cho các sản phẩm KHCN “MAKE IN VIETNAM”.
Chúng tôi tin tưởng, VinTech Fund sẽ góp phần giúp nền kinh tế khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam có thêm nhiều startup KHCN thành công. Đồng thời, VinTech City sẽ góp phần tạo nên một tinh thần của “Silicon valley”, một nền tảng hỗ trợ thiết thực cho các tài năng công nghệ để các công ty từng bước vươn tầm theo chuẩn “Silicon valley”.
Xin cảm ơn bà!