CEO VNG Lê Hồng Minh: Nếu thất bại, bản thân bạn chính là nguyên nhân

Theo Forbes Việt Nam 17/03/2019 05:00

Ông Lê Hồng Minh - đồng sáng lập, Chủ tịch và CEO VNG, chia sẻ trong buổi phỏng vấn trực tiếp về chủ đề “Quá khứ, hiện tại và tương lai của VNG” tại sự kiện Tech Summit 2019

Ông Nguyễn Bảo Hoàng - Chủ tịch Phoenix Holdings và ông Lê Hồng Minh - CEO của VNG. Ảnh: Forbes Việt Nam

Ông Nguyễn Bảo Hoàng - Chủ tịch Phoenix Holdings và ông Lê Hồng Minh - CEO của VNG. Ảnh: Forbes Việt Nam

- Ông Nguyễn Bảo Hoàng - Chủ tịch Phoenix Holdings: Đã 15 năm kể từ khi thành lập VNG, những gì đạt được hôm nay có đúng như ông kỳ vọng hay đã là bước tiến hóa mới?

Ông Lê Hồng Minh: Tôi được hỏi câu này rất nhiều. Câu trả lời cũng khá “khuôn mẫu” từ nhiều doanh nhân là: tôi chưa bao giờ mường tượng được tương lai sẽ như thế này. Câu hỏi này phần nào cũng đúng, nhưng với tôi, tôi đã có tầm nhìn riêng của mình. Tôi từng viết ra nó từ những năm 20 tuổi khi tôi đọc cuốn sách của Anthony Robbins (tác giả của Đánh thức con người phi thường trong bạn - PV). Nó đã tác động tới tôi rất lớn, trở thành bản tuyên ngôn về tầm nhìn cá nhân của mình.

Tôi luôn quan niệm là hãy sống một cuộc sống thật trọn vẹn và tạo ra ảnh hưởng đến đời sống của càng nhiều người càng tốt. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì VNG đã tạo ảnh hưởng, tạo ra cuộc sống tốt đẹp cho nhiều người. Đó là những gì tôi trông đợi. 

- Chúng ta không còn là doanh nhân trẻ nữa nhưng có một thứ “vũ khí” là tuổi trẻ - điều mà chúng ta không xem trọng cho đến khi chúng ta đánh mất nó. Nếu có lời nhắn cho Lê Hồng Minh ở tuổi 20 thì ông nói gì?

- Tôi không nghĩ nhiều về quá khứ mà tập trung nhiều hơn vào hiện tại và tương lai. Triết lý sống của tôi là hãy lắng nghe những gì những người đi trước thành công khuyên nhủ, nhưng hãy có chính kiến của riêng mình. Những thành công đã có đôi khi cũng ngăn cản chúng ta không dám làm nhiều điều. Rất khó để phân định, nhưng nếu làm startup, tôi nghĩ thà các bạn còn trẻ và thiếu kinh nghiệm có khi vẫn hơn người đã có tuổi và nhiều kinh nghiệm. Kinh nghiệm rõ ràng rất quan trọng. Giữa một người có kinh nghiệm và một người trẻ giàu nhiệt huyết, rất khó để nói ai xuất sắc hơn. Khải (Vương Quang Khải, phó tổng giám đốc VNG -PV), một người bạn của tôi, có một triết lý là không bao giờ tuyển những nhà báo lớn tuổi dù có kinh nghiệm vì tin rằng họ khó thể học hỏi.

- Làm sao giữ được văn hoá sẵn sàng chấp nhận rủi ro? Bằng cách liên tục thuê người trẻ, hay còn nhờ yếu tố nào khác?

- Rõ ràng là, có được những người trẻ có đam mê là rất quan trọng, chúng tôi đang cố đạt được, dù không dễ dàng. Việc quan trọng hơn là giữ được DNA – là cốt lõi của công ty để chúng ta có thể làm điều mới mẻ. Việc sắp xếp công việc cho một tập thể bao gồm những cá nhân có những ưu tiên khác nhau luôn là việc khó khăn. Nhưng sau cùng, tất cả đều xoay quanh một số cá nhân quan trọng.  

Ví dụ, khi một dự án không thành công, chúng ta thường đưa ra những lý do. Với tôi, lý do không quan trọng, quan trọng là những gì xảy ra. Điều quan trọng nhất tôi luôn quan niệm: nếu thất bại, bản thân bạn chính là nguyên nhân.

Nhưng để thực sự thấu hiểu, tiếp tục sáng tạo trong một tổ chức lớn với nhiều người có kinh nghiệm thì đó là sự đấu tranh hằng ngày. Câu trả lời cuối cùng là phụ thuộc vào ý chí, mong muốn của những người nòng cốt. Tôi thích câu triết lý: “Hãy làm bằng mọi giá, miễn đừng chết là được”. Nếu bạn là nhà quản lý hoặc điều hành, không quan trọng công ty nhỏ hay lớn, chính bạn là người tạo nên khác biệt lớn.

Hôm qua tôi xem lại dự án của một quản lý, người này đưa ra nhiều lý do vì sao không hoàn thành dự án. Tôi trả lời, tôi không quan tâm đến lý do và đơn giản là anh thất bại. Chúng ta sẽ thất bại rất nhiều, và tương lai còn nhiều hơn nữa, nhưng hãy giữ tư duy rằng, đó là do bạn chưa đủ giỏi hoặc chưa chăm chỉ hoặc chưa cống hiến 100%.

- Khi không có gì để mất, mình sẽ không có gì phải sợ hãi, đúng không?

- Vẻ đẹp của tuổi trẻ là không nghĩ quá nhiều về hậu quả của thất bại. Họ không có gì để mất. Nếu thất bại, họ có thể lại bắt đầu. Nhưng những công ty lớn luôn lo sợ danh tiếng bị tổn thương vì thất bại. Tôi rất ngưỡng mộ những người trẻ và mong mình có thể trẻ mãi.

- Khi lần đầu chúng ta gặp nhau và tôi đầu tư vào công ty của ông (IDG Ventures đầu tư vào VNG năm 2005-PV), người ta từng chỉ trích vì sao ông lại rời bỏ một vị trí tốt tại một công ty tốt và bắt đầu không?

- Tôi không sợ hãi. Nếu không chết tại sao ta lại phải sợ hãi.

- Cái bóng của người lãnh đạo thường đổ rất dài, cần rất lâu để có thế hệ lãnh đạo kế thừa. Trong 3-4 năm qua, startup cũng hình thành văn hóa ở Việt Nam, như tôi có chia sẻ liệu anh có điên rồ khi rời một nơi an toàn để startup?

- Tôi không phải là người sợ hãi. Dũng cảm không phải là không sợ mà là sợ nhưng vẫn làm. Vả lại, không chết thì làm sao phải sợ điều gì.

- Thời anh bắt đầu kinh doanh, Nhà nước chưa đánh giá cao về khả năng tạo tác động của doanh nghiệp công nghệ. Rõ ràng các yếu tố bên ngoài chưa tạo nhiều điều kiện để anh phát triển công ty, nhưng bây giờ đã khá dễ dàng. Anh từng đối mặt với những tình huống khó khăn, anh bức xúc thế nào khi không nhận được sự hỗ trợ, trong khi những đối thủ từ các nước khác như Google và Facebook thì khá dễ dàng?

- Là bạn thân nên tôi không ngại làm anh mất mặt nhé! (cười) Câu hỏi này dễ quá. Đúng, hiện nay đã khá dễ dàng, như Grab đã có thể hoạt động tại Việt Nam, thậm chí có thể có cơ hội gặp lãnh đạo cấp cao. Mọi thứ đã dễ hơn nhiều so với mười năm trước.

- VNG có nhiều sản phẩm, theo anh thì sản phẩm nào sẽ là quan trọng nhất? Và anh sẽ đầu tư gì cho ba năm tới?

- Đang có sự chuyển dịch từ không gian trực tuyến sang không gian thực. Việt Nam cũng đang thay đổi như vậy. Trừ Amazon, các công ty như Google, Yahoo!…. đều có kênh online trước, kinh doanh trên nền tảng quảng cáo. Amazon sẽ không thể thành công ty trị giá hàng tỷ đô la Mỹ nếu chỉ kinh doanh trực tuyến. 5 năm trở lại đây, nhiều công ty trên thị trường như Grab, Uber, Airbnb đều chuyển từ trực tuyến sang thực tế (online sang offline).

Trước giờ chúng tôi chưa có sự hiện diện thực trên thị trường. Đây cũng là thách thức. Chúng tôi không giỏi về offline, biết việc quản lý hàng trăm ngàn tài xế bên ngoài không dễ. Chưa kể đến các phần mềm quản lý khác. Khi thử thương mại điện tử, chúng tôi không thành công. Khi bạn thử một dịch vụ mới, có nhiều kiến thức phải học hỏi và cần nhiều tiền đầu tư.

Nhưng xu hướng chuyển từ trực tuyến sang thực tế cũng chính là cơ hội. Trong vòng 3-5 năm tới, đây sẽ là dòng chảy chủ đạo ở Việt Nam. Công nghệ sẽ chạm đến mọi khía cạnh của cuộc sống, chúng ta còn nhiều cơ hội ở các dịch vụ như tài chính, chăm sóc sức khoẻ… Chúng tôi bắt đầu xâm nhập thị trường dịch vụ thanh toán, khai trương các dịch vụ trên nền tảng đám mây, thử nghiệm nhiều dự án nhỏ về công nghệ...

Chẳng hạn TPHCM đang vất vả về hệ thống điện tử cho xe buýt. Chúng tôi tìm hiểu và khai trương dự án thí điểm đầu tiên về vé xe buýt cho TPHCM. Với một đội ngũ rất trẻ, chúng tôi cố gắng làm điều gì đó, ở những mảng mà chúng ta có lợi thế sân nhà.

- Gần đây Facebook đang tìm kiếm tương lai của họ bằng việc tạo các nền tảng riêng, tập trung sang WhatApps và Messenger. VNG có khó không khi là một công ty địa phương và không còn non trẻ nữa?

- Tôi tin 10 năm nữa Facebook có thể sẽ “chết”. 10 năm trước cũng không ai tin rằng Yahoo! sẽ không bao giờ thất bại… Ai cũng sẽ chết nhưng làm sao để cái chết càng chậm càng tốt. Mỗi dịp sinh nhật, VNG đều muốn công ty "sống" thêm một năm nữa.

Theo tôi Facebook thực sự khó giải quyết được giá trị cốt lõi khi họ muốn thành mọi thứ. Nhưng Google thì khác. Công cụ tìm kiếm Google đang là sản phẩm chính và khách hàng hài lòng với nó. Facebook với chúng ta là gì? Nếu chúng ta không dùng Facebook thì cũng chẳng sao. Điều này nói lên rất nhiều về giá trị khác nhau của các sản phẩm.

Zalo đang phải vật lộn mỗi ngày nhưng tôi tự hào vì Zalo đang tập trung vào việc kết nối mọi người. Chúng tôi khá tự tin Zalo là sản phẩm tốt với ngày càng nhiều tiện ích được tạo ra. Có thể mọi người ít biết tới những sản phẩm như phiên bản Zalo cho máy tính để bàn chẳng hạn. Tôi nghĩ nó cực kỳ tốt.

-  Chuyển sang vấn đề nhân lực, ngoài kia có nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức, cần đến tài năng. Việc tuyển dụng và phát triển các kỹ sư tại VNG khác với 10 năm trước thế nào?

- Chúng tôi vừa than thở và vừa tự hào là công ty bị săn đầu người, nhiều nhất là Vingroup. Nhìn chung, những người tài năng thì họ thực sự muốn các thách thức thật sự khó và có ý nghĩa. Đối với chúng tôi thì không chỉ về số lượng nhân sự mà còn nâng cao năng suất cho kỹ sư, nâng cao cả trăm lần so với bình thường. Tất cả đều xoay quanh việc làm sao để có thể đạt được kết quả tốt nhất từ nguồn nhân lực hiện tại.

- Liệu anh có ý định niêm yết VNG ở nước ngoài không?

- Tôi từng được hỏi câu hỏi này nhiều lần. Tôi cho rằng luôn có cơ hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
CEO VNG Lê Hồng Minh: Nếu thất bại, bản thân bạn chính là nguyên nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO