Chân dung 4 nữ tỷ phú tự thân giàu có nhất nước Mỹ

KHÁNH HÀ 01/09/2021 03:00

Tài sản của những phụ nữ tự thân giàu nhất nước Mỹ đã tăng 31% trong bảng xếp hạng hàng năm của Forbes, lên mức 118 tỷ USD, trong bối cảnh thị trường chứng khoán bùng nổ.

Rihanna, 33 tuổi

Tài sản: 1,7 tỷ USD

Nguồn tài sản: Mỹ phẩm, âm nhạc

Nữ ca sĩ Rihanna. Ảnh: Economic Times.

Nữ ca sĩ Rihanna. Ảnh: Economic Times.

Với khối tài sản ròng ước tính vào khoảng 1,7 tỷ USD, Robyn Rihanna Fenty là nữ ca sĩ, nhạc sĩ giàu nhất trên thế giới. Cô chỉ đứng sau "bà hoàng truyền thông" Mỹ Oprah Winfrey trong danh sách người nổi tiếng nữ giàu nhất giới giải trí.

Dù nổi tiếng với nghề ca sĩ, Rihanna chủ yếu kiếm tiền nhờ kinh doanh. 1,4 tỷ USD tài sản của cô có được nhờ thương hiệu làm đẹp Fenty Beauty. Ca sĩ thành lập công ty này năm 2017 và hiện sở hữu khoảng 50% cổ phần. Thương hiệu đồ lót Savage x Fenty của Rihanna cũng giúp cô kiếm khoảng 270 triệu USD. Phần tài sản còn lại đến từ cát-xê và lợi nhuận của các dự án âm nhạc, phim ảnh.

Khi Robyn Fenty, hay còn được thế giới biết đến với cái tên Rihanna, ra mắt Fenty Beauty vào năm 2017, mục đích của cô đã chỉ là một công ty mỹ phẩm khiến “phụ nữ ở khắp mọi nơi (cảm thấy) được quan tâm”. Chắc cô cũng không lường trước được: dòng sản phẩm trang điểm đã giúp cô đứng vào hàng ngũ tỷ phú đô la.

Forbes cho rằng thành công của Fenty Beauty không chỉ nhờ người sáng lập nổi tiếng mà còn nhờ vào sự đa dạng độc đáo của các sản phẩm làm đẹp này, trong đó riêng sản phẩm kem nền có sẵn 50 tông màu da khác nhau dành cho phụ nữ da màu.

Khi được bán online và các cửa hàng Sephora, cũng thuộc sở hữu của LVMH, mỹ phẩm Fenty đã thành công ngay lập tức.

Khi được bán online và các cửa hàng Sephora, cũng thuộc sở hữu của LVMH, mỹ phẩm Fenty đã thành công ngay lập tức.

Fenty Beauty không phải là thương hiệu tỷ đô duy nhất của Rihanna. Vào tháng 2, dòng nội y Savage x Fenty của cô đã huy động được 115 triệu đô la tài trợ với mức định giá 1 tỷ đô la. Công ty ra mắt vào năm 2018 với tư cách là liên doanh với TechStyle Fashion Group, bao gồm các nhà đầu tư như Marcy Venture Partners của Jay Z và công ty cổ phần tư nhân L. Catterton (với Bernard Arnault là nhà đầu tư) là cổ đông. Theo ước tính của Forbes, Rihanna vẫn sở hữu 30% cổ phần. Lần huy động vốn gần nhất sẽ được sử dụng để thu mua và mở rộng việc bán lẻ.

Tuy nhiên, công việc của một bà trùm thời trang và làm đẹp khiến Rihanna trở nên bận rộn. Nữ ca sỹ từng phát hành một album hầu như mỗi năm trước kia, giờ đã không phát hành một album mới nào kể từ năm 2016.

Nhưng nếu nhìn từ góc độ tài chính, Rihanna đang tạo ra một thương hiệu bên ngoài cái tên của mình. Nhà tư vấn tài chính Coyne nhận định với Forbes: “Ngay cả khi bạn không thích âm nhạc của Rihanna, bạn buộc phải thừa nhận cô ấy đã tạo ra một phong cách thực sự trong không gian thời trang và làm đẹp.”

Whitney Wolfe Herd, 32 tuổi

Tài sản: 1,3 tỷ USD

Nguồn tài sản: Ứng dụng hẹn hò

Whitney Wolfe Herd được đánh giá là người nổi bật hiếm có trong giới lãnh đạo công nghệ, luôn đặt niềm tin và chịu trách nhiệm cho những điều gì xảy ra trên nền tảng của mình

Whitney Wolfe Herd được đánh giá là người nổi bật hiếm có trong giới lãnh đạo công nghệ, luôn đặt niềm tin và chịu trách nhiệm cho những điều gì xảy ra trên nền tảng của mình

Sáng lập ứng dụng hẹn hò Bumble vào năm 2014, đến nay, Whitney Wolfe Herd 32 tuổi, đã trở thành nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới và là một trong những nữ CEO trẻ tuổi nhất lãnh đạo một công ty đại chúng. Cô được đánh giá là người nổi bật hiếm có trong giới lãnh đạo công nghệ, luôn đặt niềm tin và chịu trách nhiệm cho những điều gì xảy ra trên nền tảng của mình.

Whitney Wolfe Herd được đánh giá là người nổi bật hiếm có trong giới lãnh đạo công nghệ, luôn đặt niềm tin và chịu trách nhiệm cho những điều gì xảy ra trên nền tảng của mình

Whitney Wolfe Herd sinh ra và lớn lên ở Salt Lake, Mỹ. Cô thông thạo tiếng Pháp và theo học chuyên ngành Nghiên cứu Quốc tế tại SMU. Sau đó, cô dành một năm du học tại Đại học Sorbonne, Paris.

Năm 20 tuổi, cô bắt đầu kinh doanh túi tote bằng tre để gây quỹ cho các khu vực bị ảnh hưởng bởi sự cố tràn dầu BP năm 2010. Whitney đã khởi động hoạt động kinh doanh thứ hai cùng stylist nổi tiếng Patrick Aufdenkamp lấy tên “Second Heart” – nhãn hiệu thời trang giúp nâng cao nhận thức về nạn buôn người. Sau khi đến Đông Nam Á để làm việc trong các trại trẻ mồ côi, Whitney đã khởi nghiệp lần đầu khi gia nhập nhóm phát triển ứng dụng hẹn hò Tinder. Tại đây, cô được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Tiếp thị. Về sau, cô kiện công ty với cáo buộc quấy rối. Công ty mẹ của Tinder phủ nhận các cáo buộc và được biết đã trả khoảng 1 triệu USD để giải quyết tranh chấp này.

Sau đó, cô chuyển đến Austin, Texas và tái khởi nghiệp với việc sáng lập Bumble – một ứng dụng hẹn hò lấy phụ nữ làm trung tâm và liên tục gặt hái thành công vang dội. Whitney Wolfe Herd được vinh danh trong 30 “Phụ nữ dưới 30 tuổi quan trọng nhất lĩnh vực công nghệ” của Business Insider vào năm 2014 và nằm trong danh sách “Phụ nữ trong lĩnh vực Công nghệ” của Elle năm 2016. Cô cũng có tên trong Forbes 30 Under 30 năm 2017 và 2018. Năm 2020, Whitney lọt vào Top 100 “Phụ nữ tự thân giàu nhất nước Mỹ” của Tạp chí Forbes.

Bumble là một ứng dụng hẹn hò gần giống Tinder với các tính năng vuốt chọn quen thuộc. Nói về cơ duyên sáng tạo nên Bumble, Whitney Wolfe Herd cho rằng có một sự không công bằng trong cách tiếp cận đối phương của cả hai giới. Vì thế, cô sáng lập Bumble với một “concept” mới mẻ. Tuy nó được xây dựng dựa trên nền tảng vuốt chọn, quẹt trái hoặc phải để “match” nhau thông qua những bức hình và thông tin giới thiệu thú vị nhưng chỉ phái nữ mới có quyền được bắt chuyện trước và các tương hợp sẽ tự động biến mất sau 24 giờ nếu bạn nữ không mở lời. Giao diện của Bumble khá dễ sử dụng với màu vàng chủ đạo và các câu hỏi, thông tin gợi ý, trắc nghiệm tính cách sáng tạo.

Bumble là một ứng dụng hẹn hò gần giống Tinder với các tính năng vuốt chọn quen thuộc.

Bumble là một ứng dụng hẹn hò gần giống Tinder với các tính năng vuốt chọn quen thuộc.

Bumble được Whitney Wolfe Herd sáng lập để hướng đến không phải là một “hookup app” (ứng dụng với những mối quan hệ nghiêng về hướng tình dục) mà thay vào đó là tạo nên những mối kết nối vui vẻ, giá trị cho người dùng của mình. Đã qua rồi cái thời các ứng dụng hẹn hò đầy rẫy hình ảnh và số đo cơ thể khêu gợi. Hiện tại, Bumble có khoảng 42 triệu người dùng hàng tháng và được đánh giá là một ứng dụng hẹn hò được thiết kế tốt, an toàn và luôn sẵn sàng cung cấp những gợi ý thú vị để gia tăng chất lượng các cuộc trò chuyện lẫn mối quan hệ.

Đầu năm 2021, Bumble chính thức phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở mức 43 USD/cổ phiếu, cao hơn dự báo ban đầu 28-30 USD và trở thành công ty đại chúng, theo CNN. Chỉ sau một ngày, mức giá cổ phiếu được giao dịch quanh mức 76 USD/cổ phiếu, mang lại vốn hóa thị trường 13 tỷ USD. Và “bà trùm app hẹn hò” Whitney Wolfe Herd chính thức trở thành người phụ nữ trẻ nhất điều hành một công ty được niêm yết đại chúng ở tuổi 31. Không có gì ngạc nhiên khi Bumble nhanh chóng trở thành “con cưng” trong giới đầu tư.

Whitney Wolfe Herd cho biết: “Mọi thứ trông có vẻ vàng tươi rực rỡ khi nhìn trên tivi. Nhưng thật ra tôi liên tục mất ngủ và không có thời gian tập thể dục nâng cao nhịp tim trong suốt vài tháng. Tuy nhiên, mọi thứ đều xứng đáng!”

Kim Kardashian West, 40 tuổi

Tài sản: 1,2 tỷ USD

Nguồn tài sản: Mỹ phẩm, truyền hình thực tế

Kim Kardashian West mỉa mai những ai từng gọi cô là kẻ bất tài - Ảnh: VOGUE

Kim Kardashian West mỉa mai những ai từng gọi cô là kẻ bất tài - Ảnh: VOGUE

"Nhờ hãng mỹ phẩm KKW Beauty và hãng thời trang định hình Skims, giá trị tài sản ròng của Kardashian West đã tăng lên 1,2 tỉ USD, giúp cô có được vị trí trong Danh sách tỉ phú thế giới của Forbes".

Khi lên bìa Forbes, Kim Kardashian West đăng dòng tweet: "Không tồi đối với một cô gái bất tài". "Bất tài" là điều dư luận gán cho cô lâu nay, khi cô nổi tiếng nhờ một cuộn băng sex và chương trình truyền hình tai tiếng, mang đậm tính giải trí của gia đình. Tuy nhiên, để Kim đạt đến vị trí như hôm nay, chỉ tai tiếng thôi là không đủ.

Kim Kardashian West lần đầu được nhắc đến trên Forbes vào năm 2011 vì tài khoản Twitter có 6,6 triệu lượt theo dõi của cô. Vào thời điểm đó, cô có đông người theo dõi chỉ sau ông Barack Obama. Vào năm 2016, cô lên bìa Forbes nhờ kinh doanh trò chơi trực tuyến thành công, kiếm 51 triệu USD chỉ riêng năm đó.

Để làm nên "đế chế" này, 2 ngành kinh doanh chủ đạo của Kim là mỹ phẩm và thời trang, thông qua 2 thương hiệu KKW Beauty và Skims. Bên cạnh đó, cô còn có thu nhập từ truyền hình thực tế và các hợp đồng quảng cáo cùng vài đầu tư nhỏ.

Kim sáng lập hãng KKW Beauty vào năm 2017, sau thành công trong lĩnh vực mỹ phẩm của em gái cùng mẹ khác cha Kylie Jenner. Cô học hỏi mô hình kinh doanh của em gái, chú trọng tiếp thị trên nền tảng mạng xã hội và tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng.

Từ sản phẩm đầu tiên là bộ kit tạo khối, Kim đã phát triển KKW với các dòng sản phẩm như phấn mắt, kem che khuyết điểm, son môi và nước hoa, mang lại doanh thu 100 triệu USD.

"Đây là lần đầu tiên tôi không phải chỉ được thỏa thuận cấp phép mà làm chủ thương hiệu" - Kim nói với Forbes vào năm 2017.

Năm 2020, Kim bán 20% cổ phần KKW Beauty cho tập đoàn mỹ phẩm Coty với giá 200 triệu USD, trong thương vụ định giá công ty là 1 tỉ USD, mặc dù Forbes cho rằng mức định giá này hơi cao.

Thời trang, mỹ phẩm và mạng xã hội làm nên đế chế của Kim - Ảnh: INSTAGRAM

Thời trang, mỹ phẩm và mạng xã hội làm nên đế chế của Kim - Ảnh: INSTAGRAM

Skims cũng là thương hiệu nổi tiếng của Kim Kardashian West, gắn liền với hình ảnh của cô: luôn mặc sản phẩm định hình vóc dáng. Cô huy động vốn từ các nhà đầu tư trong giới và sử dụng các trang mạng xã hội phổ biến của mình để tiếp thị. Cô có 69,6 triệu người theo dõi qua Twitter, 213 triệu người theo dõi trên Instagram.

Skims ăn nên làm ra nhờ sự linh hoạt. Trong thời buổi đại dịch COVID-19, khi người tiêu dùng chuộng quần áo thoải mái để mặc ở nhà thay vì dùng định hình vóc dáng để đi dạ hội, Kim chuyển sang bán quần áo mặc nhà.

Kim sở hữu phần lớn cổ phần của Skims, công ty không công bố doanh thu. Một nguồn tin thân cận tiếp lộ với Forbes là Skims từng có một cuộc giao dịch định giá 500 triệu USD. Do đó, Forbes ước tính cổ phần của Kim Kardashian West trong Skims là 225 triệu USD, nâng tổng tài sản của cô lên 1,2 tỉ USD.

Phần tài sản còn lại của Kim là tiền mặt và các khoản đầu tư, trong đó có đầu tư bất động sản. Thêm vào đó, cứ mỗi năm kể từ 2012, cô kiếm được 10 triệu USD trước thuế nhờ cát xê từ chương trình truyền hình thực tế Keeping Up With the Kardashians, các hợp đồng quảng cáo, trò chơi ứng dụng di dộng.

Cô còn có 3 bất động sản ở Calabasas, phía Tây Bắc Los Angeles và một danh mục cổ phiếu bluechip bao gồm cổ phiếu của Disney, Amazon, Netflix và Adidas (riêng Adidas do người chồng hiện tại Kanye West tặng vào Giáng sinh 2017).

Anne Wojcicki, 48 tuổi

Tài sản: 1,1 tỷ USD

Nguồn tài sản: Công ty xét nghiệm ADN

 Anne cũng chính là vợ cũ của đồng sáng lập Google, Sergey Brin.

 Anne cũng chính là vợ cũ của đồng sáng lập Google, Sergey Brin.

Anne Wojcicki, vợ cũ của nhà đồng sáng lập Google - tỷ phú Sergey Brin, lần đầu xuất hiện trong danh sách tỷ phú nhờ vào việc giá trị công ty 23andMe tăng vọt. 

Năm 2017, công ty của cô đã được thông qua 10 sản phẩm thử nguy cơ gene cho các bệnh như Alzheimer, Parkinson hay Celiac. Năm 2018, 23andMe trở thành công ty phân phối trực tiếp đầu tiên trong ngành nhận chứng chỉ FDA cho các mẫu thử nguy cơ ung thư.

Trái với những cuộc ly hôn ồn ào của giới tỷ phú, vợ chồng nhà Sergey Brin và Anne Wojicki đã có một cuộc chia tay êm đềm. Sergey Brin - người đồng sáng lập Google và Anne Wojicki bất ngờ thông báo ly thân vào tháng 4/2013. Khi đó, Brin rời biệt thự 7 triệu USD của gia đình và chuyển đến một căn nhà khác gần đó. Đến tháng 6/2015, cả hai hoàn tất thủ tục ly hôn một cách lặng lẽ.

Trước khi cưới, cả 2 đã ký hợp đồng tiền hôn nhân, nên việc họ ly hôn không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của Google hay bất cứ tranh chấp tài sản nào. Một số nhà phân tích ước tính, số tiền để dàn xếp vụ ly hôn này khoảng 30 tỷ USD, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có tuyên bố chính thức nào về con số này.

Cuộc sống của đôi vợ chồng quyền lực hàng đầu Thung lũng Silicon từng là hình mẫu lý tưởng của các kỹ sư công nghệ. Sergey Brin - Anne Wojcicki lần đầu gặp nhau vào năm 1998, khi Sergey cùng Larry Page thuê hầm để xe của Susan - chị gái Anne, làm trụ sở phát triển Google. Sau đó Google nhanh chóng trở thành công ty công nghệ thành công bậc nhất thế giới, Sergey Brin ghi danh vào câu lạc bộ tỷ phú với khối tài sản khoảng 30 tỷ USD. Năm 2006, nhờ sự hậu thuẫn của bạn trai, Anne Wojcicki thành lập công ty riêng về xét nghiệm gene mang tên 23andMe. Đến năm 2007, cả hai chính thức kết hôn và có với nhau hai người con.

Hậu ly hôn, cả hai vẫn duy trì quỹ từ thiện chung, cùng tham dự các sự kiện và hỗ trợ nhau chăm sóc con cái.

Có thể bạn quan tâm

  • Thương vụ thế kỷ của Nhà sáng lập hãng máy tính Dell

    Thương vụ thế kỷ của Nhà sáng lập hãng máy tính Dell

    03:00, 31/08/2021

  • Ông Phạm Quang Dũng được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT Vietcombank

    Ông Phạm Quang Dũng được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT Vietcombank

    20:42, 30/08/2021

  • Điều ít biết về cổ đông người Việt duy nhất của mì gói Hảo Hảo

    Điều ít biết về cổ đông người Việt duy nhất của mì gói Hảo Hảo

    03:13, 30/08/2021

  • Gia tộc kín tiếng đứng sau thương hiệu Chanel

    Gia tộc kín tiếng đứng sau thương hiệu Chanel

    04:00, 29/08/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chân dung 4 nữ tỷ phú tự thân giàu có nhất nước Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO