Dạy thêm, học thêm theo chiều hướng tích cực sẽ tạo ra một đội ngũ nhân lực chất lượng cao, kiến thức và trình độ vững vàng để xây dựng đất nước.
Tuy nhiên, nếu việc này lái theo chiều hướng tiêu cực sẽ tạo ra đội ngũ nhân lực chất lượng kém, quen đối phó, thiếu tính chủ động và sáng tạo.
Để thúc đẩy "nền kinh tế cất cánh", "đất nước hóa rồng" trong sự phát triển, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc thì một trong những vấn đề quan trọng, cấp bách hiện nay là cần phải xây dựng bộ máy tinh gọn, năng động, sáng tạo, hoạt động có chất lượng, hiệu lực, hiệu quả. Đây cũng chính là định hướng, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, của Trung ương và Bộ Chính trị trong việc sáp nhập và tinh gọn bộ máy thời gian qua. Muốn xây dựng một bộ máy tinh gọn năng động, sáng tạo thì bắt buộc chúng ta phải có một đội ngũ nhân lực không chỉ giỏi chuyên môn mà còn phải có tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm.
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, ngày quy định về việc dạy thêm, học thêm. Quy định mới này đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ đại bộ phận người dân. Hầu hết người bình luận đều cho ràng việc dạy thêm, học thêm của con trẻ thời gian qua đều mag tình hình thức, đối phó. Nhiều bậc phụ huynh dù cảm thấy rất bức xúc nhưng vẫn phải hàng ngày kẽo kẹt đưa con đi học thêm để “vừa lòng thầy cô giáo”, vừa để “an tâm với mình”, xa hơn nữa là đáp ứng nhu cầu vật chất, thành tích của thầy cô và nhà trường, bởi không ai khác, người dạy thêm con em họ ngoài giờ không ai khác lại chính là những người mới sáng nay thôi còn đứng lớp dạy con em họ trong những giờ học chính khóa trên ghế nhà trường.
Khoan hãy nói về sự tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc của các bậc phụ huynh, khoan hãy nói về sự hạn chế của con trẻ về thể chất và tinh thần vì các con còn đâu thời gian mà đọc truyện, còn đâu thời gian mà vui chơi, giải trí, còn đâu thời gian mà rèn luyện kỹ năng và sức khỏe. Đa phần mọi người đều phê phán chuyện này và coi đây là nguyên nhân, là vấn nạn cần sớm được loại bỏ.
Dưới các bài báo, nhiều bạn đọc và phụ huynh đã thẳng thắn chỉ ra rằng họ cho con trẻ đi học thêm chỉ vì “ngại cô giáo, ngại nhà trường”, nếu không cho con đi học thêm như các bạn khác trong lớp sẽ bị thầy cô để ý, ghét, thậm chí là trù dập.
Mặc dù câu chuyện này đã được nhắc đi, nhắc lại nhiều năm, bị Bộ Giáo dục cấm “ép” học thêm dưới nhiều hình thức, nhưng để bảo vệ con mình, để mình có thể yên tâm làm việc kiếm tiền nuôi gia đình, nhiều bậc phụ huynh đã phải chấp nhận thỏa hiệp với các thầy cô giáo bằng những văn bản kèm những mỹ từ: “Đơn tự nguyện”; “Đơn xin phép được học thêm”… đầy tính đối phó, giả dối. Và rồi cái điệp khúc bố mẹ tất bật, chạy ngược chạy xuôi đưa đón, con cái bơ phờ, ngơ ngác đi học thêm vẫn tiếp tục diễn ra. Không ít hoàn cảnh gia đình đáng thương khi cả bố và mẹ đều làm công nhân, thu nhập thấp nhưng hàng tháng vẫn phải chắt chiu dành ra một khoản từ tiền ăn, tiền mặc, tiền sinh hoạt để cố cho con đi học thêm cho “bằng bạn, bằng bè”.
Nhiều người cho biết không ít thầy cô giáo lơ là tiết dạy chính thức, để dành dạy thêm con họ ngoài giờ hành chính. Không chỉ có vậy, nhiều thầy cô lơ là cả trong giờ dạy chính khóa, lơ là cả trong giờ dạy thêm để rồi trước các kỳ thi hướng dẫn cho các con làm những bài mẫu để rồi sau đó bài thi chính có đề bài y hệt, khác chăng là thay con số, dẫn đến việc hầu như cả lớp (chỉ những bạn không đi học thêm - số này cũng rất hãn hữu) đều đạt những điểm số 9; 10 mơ ước mà ngay cả các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới cũng không đạt được.
Và rồi, cứ ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, vô hình chung thầy cô giáo và các bậc phụ huynh chúng ta (dù rất không muốn) đã tiếp tay hình thành nên một lớp trẻ đầy tính thụ động, ỉ lại, lười nghĩ, lười sáng tạo, hình thức, gian dối và đầy bệnh thành tích.
Với những con người như vậy lớn lên liệu họ có thể có ý chí vươn lên, có trình độ và chuyên môn cao, có lòng trung thực, có sáng tạo, ý chí và khát vọng để đưa "nền kinh tế cất cánh", đưa "đất nước hóa rồng" được không?. E rằng muộn còn hơn không, đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn thẳng vào sự thật, phải thay đổi để con cháu chúng ta trở thành lớp người có đủ: Đức – Tài – Trí, đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình và phát triển.