Chất lượng của nhiều dự án luật còn rất xa cuộc sống. Có người cũng đã nói “quy định pháp luật trên trời, còn cuộc đời thì ở dưới đất”.
ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (TP Hà Nội) đã thẳng thắn như vậy tại phiên thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, ngày 30/5.
ĐB Ngọ Duy Hiểu cho biết, còn nhiều dự án luật chưa đảm bảo tiến độ và chất lượng rất hạn chế khi trình Quốc hội. Trong khi đó một số quy định của pháp luật khi được ban hành chưa đưa vào cuộc sống thì đã gặp những vướng mắc. Có những quy định khi đi vào cuộc sống thì lại cản trở sự phát triển. Có những quy định của pháp luật nếu được ban hành bằng những quy định pháp luật khác thì có thể mang lại những nguồn lực rất lớn cho đất nước cũng như giải quyết việc làm. Đây chính là những quy định pháp luật mà theo chúng tôi là cản trở sự phát triển.
Tuy nhiên, để xác định trách nhiệm từ ai, từ cơ quan nào hiện nay chúng ta làm chưa rõ, trong khi ở khâu thực hiện thì việc này chúng ta làm khá tốt. Đó là nếu một người thực hiện quy định của pháp luật có hành vi làm trái hay thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản thì có thể người đó sẽ phải đi tù. Nhưng việc tham mưu ban hành chính sách cũng như việc ban hành chính sách pháp luật mà không đáp ứng yêu cầu, thậm chí cản trở sự phát triển. Mặc dù đây là những vấn đề không đong đếm được nhưng hiện nay chưa có chế tài. Đây là sự không công bằng và trong tương lai chúng ta phải tìm giải pháp khắc phục, đây chính là con đường để nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật cũng như đề cao trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc tham mưu xây dựng pháp luật.
ĐB Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) đánh giá, một trong những nguyên nhân cơ bản làm hạn chế chất lượng xây dựng luật là về phương thức và đối tượng lấy ý kiến. Việc tổ chức lấy ý kiến trong quá trình xây dựng dự án còn hình thức, đối tượng được lấy ý kiến chưa đầy đủ, việc tham gia ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan có nhiều dự án còn nặng về hình thức, nhiều cơ quan được lấy ý kiến chưa làm hết trách nhiệm, thường chỉ có ý kiến vào nội dung có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực mình phụ trách, đối với những lĩnh vực khác thì cơ bản thống nhất.
Như vậy, đã làm giảm chất lượng dự thảo luật trình Quốc hội xem xét, gây mất thời gian thảo luận, tranh luận và những vấn đề mà có lẽ sẽ được giải quyết ngay từ khâu soạn thảo và có sự đồng thuận cao.
“Tôi đề nghị Chính phủ, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra dự án luật cần khẩn trương tổ chức đánh giá khắc phục hạn chế này và thực hiện nghiêm việc lấy ý kiến đối với dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình Quốc hội thảo luận xem xét thông qua”, bà Trang nói.
Đóng góp ý kến về vấn đề này, ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau), cho rằng phần đánh giá trong tờ trình này so với năm 2016, 2017 thì chất lượng không cao vì chưa chỉ rõ được những nguyên nhân, những giải pháp trong việc không hoàn thành được chương trình, kế hoạch mà chính Quốc hội biểu quyết thông qua trong việc xây dựng luật, pháp lệnh. Tình hình này dẫn đến việc xây dựng nhà nước pháp quyền của chúng ta còn rất xa vì vẫn đang ban hành luật với những quy định, nguyên tắc rất chung, phải chờ đến nghị định và cả nghị định cũng chưa đi vào cuộc sống, phải chờ đến thông tư.
Vẫn theo ông Vân, một đất nước mà quản lý chủ yếu bằng thông tư thì vi phạm pháp luật sẽ là phổ biến. Cách đây gần 100 năm, ngày 18/6/1918, trong bản yêu sách 8 điểm, nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc có gửi đến hội nghị Véc-xây, nói rằng phải thay đổi chế độ ban hành sắc lệnh bằng các đạo luật, 100 năm trước lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhìn nhận vấn đề quản lý đất nước phải bằng các đạo luật, trong khi đó chất lượng các đạo luật của chúng ta thì chưa đạt yêu cầu, quy trình làm luật còn quá nhiều vấn đề và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của chúng ta thường xuyên thay đổi.
“Nguyên nhân vì đâu, tôi cho rằng căn cốt nhất chính là chúng ta thiếu một tầm nhìn lập pháp, chúng ta chưa có chiến lược lập pháp dài hạn”, ông Vân bày tỏ.