Theo nhiều chuyên gia, thương mại, ủng hộ của Mỹ tại châu Á và các vấn đề về khí hậu đang bị đe dọa khi ông Trump tìm cách thúc đẩy lợi ích của Mỹ mạnh mẽ hơn.
Các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương đang chuẩn bị cho sự lặp lại của "Nước Mỹ trên hết" dưới thời Tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ thứ hai.
Các chuyên gia cho rằng nhiệm kỳ mới của ông Trump có thể mang lại ít bất ngờ hơn nhưng sẽ khiến các quốc gia trong khu vực phải trả nhiều tiền hơn cho quốc phòng và xuất khẩu, đồng thời phải chia sẻ chi phí cho sự rút lui của Mỹ khỏi các mục tiêu chung về khí hậu.
Tám năm trước, nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump đã gây sốc và khó lường khi ông đưa Mỹ ra khỏi các thỏa thuận thương mại, khí hậu, và áp đặt thuế quan gây thiệt hại cho Trung Quốc. Điều này đã định hình lại các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Trump cũng xa lánh các đồng minh Châu Á tại các diễn đàn ngoại giao khi Mỹ từ bỏ vai trò lãnh đạo toàn cầu. Các hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được thúc đẩy nhưng không mang lại nhiều kết quả. Các nhà phân tích cho biết, xu hướng cô lập của nước Mỹ thực sự là một thay đổi mang tính định hướng lâu dài.
Tuy nhiên, lần này, các nhà lãnh đạo châu Á nên chuẩn bị tốt hơn để điều hướng những cơn chấn động sắp tới. “Ông Trump sẽ cố gắng làm mọi điều có thể để thúc đẩy lợi ích của nước Mỹ, ngay cả khi điều đó gây bất lợi cho các quốc gia khác”, ông Biswajit Dhar, Giáo sư danh dự tại Hội đồng Phát triển Xã hội, cho biết và nhấn mạnh với sự ủng hộ mà ông Trump có được, ông sẽ làm việc này với quyết tâm cao hơn.
Tổng thống đắc cử của Mỹ đã tuyên bố sẽ áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia và 60% thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Các quốc gia Đông Nam Á, chủ yếu là Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Malaysia là những bên hưởng lợi ban đầu khi cả các công ty Trung Quốc và Mỹ đều tìm cách tránh thuế quan. Nhưng lạm phát do thuế quan cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế của các quốc gia này.
Dưới thời ông Joe Biden, Mỹ vẫn duy trì hầu hết các thuế quan đó và còn truy quét các chuỗi cung ứng ẩn của Trung Quốc ở Đông Nam Á, với các mức thuế tác động mạnh đến ngành năng lượng mặt trời, nơi có những cơ sở lớn trong khu vực.
Bên cạnh đó, ông Trump đã gọi Ấn Độ là “vua thuế quan” và gọi quốc gia này là nước thu thuế lớn nhất đối với hàng hóa nước ngoài. Thuế nhập khẩu trung bình của Ấn Độ đối với hàng hóa ước tính khoảng 17-18%, nhưng đối với một số sản phẩm như rượu whisky, mức thuế có thể lên tới 150%.
Các chuyên gia cho biết điều này khiến Ấn Độ dễ bị tổn thương sau khi ông Trump quay trở lại Nhà Trắng. Và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng là tin xấu cho toàn bộ Nam Á khi Ấn Độ, Bangladesh và Sri Lanka phụ thuộc vào Mỹ như một trong những đối tác thương mại hàng đầu của họ.
"Đây là thời gian chờ đợi và quan sát để New Delhi đánh giá liệu ông Trump có tiếp tục thúc đẩy Ấn Độ hạ thuế quan và nhập khẩu nhiều hàng hóa được sản xuất tại Mỹ hơn hay không", Dhar nói thêm.
Mỹ là một trong số ít quốc gia mà Ấn Độ có thặng dư thương mại khoảng 36,74 tỷ đô la Mỹ. Trong nhiệm kỳ trước, ông Trump đã bày tỏ lo ngại về vấn đề này và thúc giục quốc gia này nhập khẩu nhiều hàng hóa của Mỹ hơn, đặc biệt là nông sản.
Jamus Lim, Phó giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh ESSEC, Châu Á - Thái Bình Dương, cho biết mối đe dọa áp thuế toàn diện là nguyên nhân gây báo động. "Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Ấn Độ bị Mỹ áp thuế quan trên diện rộng", ông nói.
Về mặt tích cực, New Delhi cũng có thể được hưởng lợi, khi nhiều công ty lớn của Mỹ tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ sang Ấn Độ. New Delhi cũng có thể đảm bảo có được nhiều đòn bẩy thương mại hơn vì quốc gia này được coi là đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong các hành lang thương mại quan trọng.
"Tổng thống đắc cử của Mỹ sẽ tốt cho Ấn Độ. Ông ấy coi trọng tình bạn thân thiết và có vẻ có mối quan hệ tốt với Thủ tướng Narendra Modi,” Christopher Blackburn, một nhà phân tích chính trị người Anh nhận định.
Ông Trump trở lại trong bối cảnh địa chính trị bị xáo trộn bởi các cuộc chiến ở Trung Đông và Ukraine, khiến nước Mỹ thiệt hại hàng chục tỷ USD, đẩy chi phí sinh hoạt lên cao và chứng kiến các liên minh của châu Á tái cấu trúc trên một bản đồ bị chia cắt.
Tổng thống đắc cử của Mỹ cho biết sẽ không có cuộc chiến nào xảy ra dưới thời ông. Trung Quốc đã ủng hộ nước Nga đang bị trừng phạt và Triều Tiên đã gửi quân đến chiến đấu với Ukraine để đổi lấy viện trợ kinh tế.
Ông Trump tuyên bố trong chiến dịch tranh cử của mình rằng nếu ông trở lại Nhà Trắng, ông sẽ chấm dứt cuộc chiến của Nga ở Ukraine trong vòng "24 giờ", một tuyên bố đã bị Moscow hạ thấp sau chiến thắng của ông.
Tuy nhiên, khả năng chấm dứt chiến tranh Nga-Ukraine cũng tiềm ẩn khả năng xảy ra phản ứng dây chuyền với Triều Tiên, nơi sẽ mất viện trợ của Nga nếu xung đột kết thúc. Với một nền kinh tế đang trong tình trạng tồi tệ, điều đó có thể dẫn đến việc khởi động lại hoạt động ngoại giao bị đình trệ về tham vọng hạt nhân của nước này.
“Hiện tại, ông Kim không có lý do gì để nói chuyện với ông Trump – điều đó chỉ thay đổi nếu chiến tranh Ukraine kết thúc và Triều Tiên bắt đầu cảm thấy áp lực kinh tế”, Harry Kazianis, Giám đốc cấp cao về các vấn đề an ninh quốc gia tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia lưu ý.
"Bình Nhưỡng sẽ không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào với Mỹ trừ khi Nga ngừng cung cấp cho Triều Tiên khoản viện trợ kinh tế có khả năng lên tới hàng tỷ USD", ông nói thêm.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã nhắc cử tri Mỹ về mối quan hệ cá nhân của ông với ông Kim Jong-un. Theo Kim Joon-hyung, một nhà lập pháp đối lập và chuyên gia ngoại giao từng là người đứng đầu Học viện Ngoại giao Quốc gia Hàn Quốc, triển vọng về một cuộc gặp gỡ lần thứ tư sẽ hấp dẫn ông Trump. Tuy nhiên, ông Kim Jong-un sẽ yêu cầu các biện pháp xây dựng lòng tin trước như dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt vì nhà lãnh đạo Triều Tiên tin rằng ông hiện đang nắm thế thượng phong.
Đồng quan điểm, ông Leif-Eric Easley, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Ewha ở Seoul nhận định, ông Kim Jong-un rõ ràng đã đầu tư vào tên lửa, vũ khí hạt nhân và quan hệ với Nga đến mức những trao đổi cá nhân và thậm chí cả các hội nghị thượng đỉnh, nhưng khó có thể đủ để thay đổi.
Bất kỳ mối liên kết nào với ông Kim nhằm mục đích đóng băng tham vọng hạt nhân của Triều Tiên đều có nguy cơ gây bất an cho Seoul. Nhưng nếu Triều Tiên đến bàn đàm phán với ý định và thiện chí, một môi trường thuận lợi cho việc xây dựng lòng tin có thể tạo điều kiện cho việc đạt một kết quả ngoài mong đợi.