Kinh tế thế giới

Châu Á có thể gánh hậu quả nặng nề vì biến đổi khí hậu

Nam Trần 01/11/2024 11:09

Biến đổi khí hậu có thể làm giảm 17% GDP của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2070, theo báo cáo mới của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

abb.png
ADB cho rằng các quốc gia đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ thiệt hại nặng nề về kinh tế do biến đổi khí hậu nếu khu vực này không hành động (Ảnh: ADB)

Mục tiêu 1,5 độ C khó thành

Theo nghiên cứu mới của ADB, các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương sẽ cần mức chi tiêu lớn để có thể thích ứng với biến đổi khí hậu. Dẫu vậy, việc không hành động có thể còn gây ra tổn thất kinh tế cao hơn. Cụ thể, biến đổi khí hậu có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế của khu vực này tới 17% trong những thập kỷ tới.

“Khoảng thời gian để giữ mục tiêu 1,5°C của Hiệp định Paris đang dần khép lại,” ADB cho biết trong báo cáo công bố 30/10.

Hiệp định quốc tế Paris đã đề ra mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu trung bình trong ngưỡng 1,5 độ C khi hầu hết các nghiên cứu đều dự báo biến đổi khí hậu sẽ gây ra những hậu quả ngày càng nghiêm trọng.

Thế nhưng sau 9 năm kể từ khi hiệp định được thông qua, ADB cho rằng mục tiêu trên gần như đã ra ngoài tầm với bởi sự thiếu hành động của các quốc gia trên thế giới.

Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), lượng khí thải nhà kính toàn cầu vẫn đang ở mức cao kỷ lục, căn cứ vào nồng độ khí nhà kính trong khí quyển vẫn đạt mức cao kỷ lục vào năm 2023. Tổng lượng phát thải đạt khoảng 57,1 gigatấn CO₂ tương đương, tăng 1,3% so với năm trước, theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO).

Kết quả này khiến mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 1,5°C gần như không thể đạt được. UNEP cũng chung nhận định rằng các nỗ lực hiện tại để giảm phát thải là không đủ với mức độ CO₂ đạt trên 426 phần triệu (ppm), mức cao nhất trong hàng triệu năm qua.

Châu Á đáng lo ngại nhất

Theo ADB, vị thế của Châu Á - Thái Bình Dương trong cuộc khủng hoảng khí hậu nổi bật như một vấn đề phức tạp. Khu vực này vừa là nơi có một số nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất, vừa là nguồn phát thải lớn, đóng góp hơn 50% lượng khí nhà kính toàn cầu.

Nếu lượng phát thải vượt mức quan trọng, ADB ước tính biến đổi khí hậu có thể làm giảm 17% GDP của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2070. Mực nước biển dâng đe dọa tài sản và dân cư ven biển, trong khi các đợt nắng nóng sẽ làm giảm lực lượng lao động, năng suất và các ngành phụ thuộc vào khí hậu như nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản sẽ gặp những cú sốc ảnh hưởng đến sản lượng.

Ước tính từ Viện Kinh tế Deloitte cho thấy khoảng 75% GDP của Châu Á - Thái Bình Dương có nguy cơ cao bị gián đoạn do khí hậu. Điều này có thể ảnh hưởng đến ít nhất một nửa lực lượng lao động thế giới, vốn tập trung ở khu vực này và trong các ngành dễ bị tổn thương. Thiếu hành động khí hậu có thể dẫn đến tổn thất kinh tế khu vực khoảng 96 nghìn tỷ USD vào năm 2070.

yagi.jpg
Siêu bão Yagi là minh chứng cho thấy tác hại của biến đổi khí hậu đối với các quốc gia trong khu vực

Theo ngân hàng quốc tế, các quốc gia Châu Á dù đã có những bước tiến trong quá trình giảm phát thải carbon, nhưng nếu chỉ duy trì các chính sách đã thực hiện cho đến nay sẽ vẫn dẫn đến mức độ nóng lên toàn cầu đáng báo động.

Báo cáo của ADB ước tính rằng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cần đầu tư từ 102 tỷ USD đến 431 tỷ USD hàng năm để thích ứng với biến đổi khí hậu. Con số này vượt xa mức 34 tỷ USD cam kết trong giai đoạn 2021-2022.

Trên toàn cầu, Liên hợp quốc tính toán rằng việc chuyển đổi sang mức phát thải ròng bằng không cần 0,9 nghìn tỷ USD đến 2,1 nghìn tỷ USD mỗi năm từ 2021 đến 2050. Đây là một khoản đầu tư lớn nhưng có thể đáp ứng được.

Vẫn còn có thể đạt được mục tiêu 1,5°C về mặt kỹ thuật, vì các giải pháp như điện mặt trời và điện gió có triển vọng giảm nhanh và mạnh phát thải, theo báo cáo của Liên hợp quốc. Tại đó, Châu Á-Thái Bình Dương cũng là nơi có nhiều điều kiện nhất để hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi năng lượng, theo ADB.

Khu vực này có tiềm năng lớn về phát điện từ năng lượng tái tạo và có thể sản xuất một số điện tái tạo rẻ nhất thế giới. Các lợi thế như nền kinh tế phát triển nhanh, lực lượng lao động lớn và cơ sở sản xuất mạnh mẽ trang bị cho Châu Á khả năng phát triển các công nghệ cần thiết cho quá trình giảm phát thải toàn cầu.

"Nếu các chính phủ xây dựng các chính sách nhất quán và phát triển hệ thống tài chính hướng tới khí hậu, điều này có thể thu hút vốn tư nhân, yếu tố then chốt để lấp đầy khoảng trống tài trợ", ADB cho biết.

Theo ADB, sự không chắc chắn về chính sách có thể ngăn cản đầu tư, đặc biệt trong trường hợp thay đổi chính quyền. Các nhà đầu tư sẽ giữ nhiều tài sản bền vững hơn khi các quốc gia ban hành luật về khí hậu, và các chính sách không nhất quán sẽ giảm động lực cho các nhà đầu tư tư nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Châu Á có thể gánh hậu quả nặng nề vì biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO