Châu Á sẽ dẫn đầu tăng trưởng lương toàn cầu năm 2018?

Cẩm Anh 04/01/2018 15:52

Người lao động châu Á dự kiến sẽ có mức tăng lương thực tế cao nhất thế giới vào năm 2018, nhờ tăng trưởng kinh tế ổn định và sự thay đổi cơ cấu kinh tế của khu vực.

Theo một cuộc khảo sát hàng năm được tiến hành bởi công ty nhân sự Korn Ferry, mức lương thực tế điều chỉnh theo lạm phát được dự báo sẽ tăng 2,8% ở châu Á trong năm nay, so với mức tăng trung bình thế giới 1,5%. Cuộc khảo sát của Korn Ferry được tiến hành ở 25.000 công ty.

Tuy nhiên, người lao động châu Á không nên vui mừng quá sớm. Bởi mức tăng này sụt giảm so với mức 4,3% vào năm ngoái, khi tăng trưởng kinh tế trong khu vực dự kiến sẽ chậm lại do những dự báo về lãi suất cao hơn và tăng trưởng xuất khẩu chậm hơn. Lạm phát cũng sẽ quay trở lại như một trở ngại tiềm ẩn đối với sức mua của người tiêu dùng.

Mức tăng trưởng lương dự kiến của các nước châu Á năm 2018

Mức tăng trưởng lương dự kiến của các nước châu Á năm 2018

Dẫn đầu tăng trưởng lương ở châu Á là Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan, trong khi Nhật Bản xếp cuối cùng. Tại Ấn Độ, mức lương thực tế có thể sẽ tăng 4,7%, mức cao nhất toàn cầu trong năm 2018. Trong khi đó, theo HSBC, người lao động ở Việt Nam sẽ có mức tăng lương tương tự, khi tiêu dùng cá nhân nổi lên như một động cơ tăng trưởng cùng với xuất khẩu hàng hóa. Mặc dù vậy, vẫn còn những lo ngại về nợ cá nhân đang gia tăng và dấu hiệu bong bóng của thị trường bất động sản.

Người lao động Thái Lan cũng được dự báo có mức tăng lương ổn định khi quốc gia này tiếp tục hưởng lợi từ vị thế của một trung tâm sản xuất của khu vực.

Tại Trung Quốc, mức lương thực tế dự kiến sẽ tăng 4,2%, cao hơn mức 4,0% vào năm ngoái. Các chuyên gia kinh tế tại Moody's Economy.com dự đoán rằng Trung Quốc sẽ duy trì một chính sách tài khóa chủ động trong năm 2018 khi tiến hành những cải cách "trọng cung", như giải quyết tình trạng dư thừa năng suất trong các doanh nghiệp nhà nước và tạo điều kiện cho cạnh tranh lành mạnh hơn, đồng thời hạn chế những rủi ro của ngành tài chính do nợ cao.

Tại Nhật Bản, tăng trưởng lương thực tế dự kiến sẽ giảm từ 2,1% xuống còn 1,6%. Các công ty dự kiến sẽ tăng lương cho người lao động khoảng 2% trong năm thứ 5 liên tiếp theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Tuy nhiên, áp lực lạm phát nhiều khả năng sẽ thách thức kỳ vọng của ông Abe về tăng trưởng lương thực tế.

Ngoài ra, theo Korn Ferry, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ đang gia tăng áp lực lạm phát ở các quốc gia có mức tăng lương cao ở Đông Nam Á và Trung Quốc, làm giảm mức tăng lương thực tế. Ngân hàng Standard Chartered cũng dự báo lạm phát sẽ tiếp tục tăng trong năm 2018, chủ yếu do hoạt động kinh tế trong nước mạnh mẽ hơn và giá hàng hóa vẫn ở mức cao.

Trong khi đó, Capital Economics cho rằng: Lạm phát của khu vực châu Á nhiều khả năng sẽ vẫn được kiềm chế. "Giá dầu sẽ giảm, trong khi lãi suất tăng và tăng trưởng xuất khẩu chậm lại sẽ cản trở tăng trưởng của khu vực", Capital Economics dự đoán.

Một điều chắc chắn là mức lương tại các nền kinh tế phát triển sẽ tăng lên, đủ để bù đắp lạm phát đang gia tăng. Korn Ferry dự báo, tăng trưởng lương chỉ ở mức 0,4% ở Australia, 0,8% ở Đức và 0,5% ở Anh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Châu Á sẽ dẫn đầu tăng trưởng lương toàn cầu năm 2018?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO