“Chảy máu chất xám” trong khu vực công

NGUYỄN VIỆT 15/04/2023 16:18

Thực tế, những người rời khu vực công vì đồng lương eo hẹp chỉ là một phần lý do. Quan trọng nhất là họ không được ghi nhận sự nỗ lực và cống hiến.

>>Tăng lương - có thành “đập” ngăn “sóng” công chức nghỉ việc?

Ông Lê Văn Thái, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương bày tỏ về thực trạng thời gian qua có nhiều cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, năng lực xin nghỉ việc chuyển sang khu vực ngoài nhà nước.

một môi trường làm việc tốt là nơi người tài có thể thể hiện được tài năng, được trọng dụng.

Một môi trường làm việc tốt là nơi người tài có thể thể hiện được tài năng, được trọng dụng.

Chia sẻ về câu chuyện “chảy máu chất xám”, ông Lê Văn Thái cho rằng, khát vọng lớn nhất của người tài là được cống hiến năng lực của mình. Sau đó mới là thu nhập. “Để làm được điều đó, họ cần có một môi trường tốt, đó là môi trường thân thiện, mọi người cùng giúp nhau phát triển, chứ không phải đố kỵ, cạnh tranh, cản trở nhau”, ông Thái nói.

Và để có được môi trường đó, theo ông Lê Văn Thái yếu tố quyết định quan trọng nhất là người đứng đầu biết sử dụng cán bộ đúng với năng lực, sở trường, tạo điều kiện để họ làm việc và tôn trọng họ, đánh giá đúng những cống hiến, sức lực của họ, tạo cơ hội để họ tiếp tục phát triển.

Ông Lê Văn Thái nhận thấy, thực tế những người rời khu vực công vì đồng lương eo hẹp chỉ là một phần lý do. Quan trọng nhất là họ không được ghi nhận sự nỗ lực, cống hiến. “Trong môi trường công, có khi 10-15 năm họ chưa thể bộc lộ năng lực, khả năng của mình. Nhưng ở một môi trường khác, môi trường phù hợp, thì chỉ trong vài tháng họ đã phát huy tài năng, sự sáng tạo. Họ tìm cách dịch chuyển cũng là tất yếu”, ông Thài chia sẻ.

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội bình luận, một môi trường làm việc tốt là nơi người tài có thể thể hiện được tài năng, được trọng dụng. Môi trường làm việc lý tưởng phải là nơi các thành viên được tạo điều kiện như nhau, ai có năng lực, tài năng tốt hơn thì được tôn vinh, cất nhắc.

“Ngược lại, ở nơi mà người nhà được bổ nhiệm chứ không phải người tài, chưa kể còn được lãnh đạo bởi nhóm "con ông cháu cha" yếu kém năng lực, bị người cũ chèn ép, quanh năm ngày tháng chỉ đun nước, pha trà phục vụ các “lão làng”, những người có lòng tự trọng sẽ thấy bị tổn thương, xúc phạm, làm sao họ có thể chấp nhận”, ông Tiến nhấn mạnh.

>>Công chức nghỉ việc nhìn từ câu chuyện "Tái ông mất ngựa"

>>Công chức nghỉ việc và chuyện cải cách tiền lương

Nhắc lại thông tin của thành phố Hà Nội cho biết chỉ khoảng 10% trong số các thủ khoa xuất sắc được thành phố tuyên dương về làm cho các cơ quan của Hà Nội, ông Tiến cho biết, ở nhiều địa phương, người tài được khuyến khích bằng chế độ đãi ngộ rất cao nhưng sau một thời gian vẫn “ra đi”.

Do đó, ông Lê Như Tiến kiến nghị cần có luật về tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ đối với người tài. Cùng với đó cần có một chiến lược tuyển chọn, sử dụng người tài. “Tuy nhiên, cần chú trọng xây dựng môi trường làm việc lý tưởng cho người tài. Muốn thế, người đứng đầu ở môi trường ấy phải công tâm, công bằng”, ông Tiến bày tỏ.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khi làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng cũng từng chia sẻ câu chuyện về sử dụng cán bộ. Tại hội nghị tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2022, ông cho biết: “Thời gian tôi công tác ở Tây Ninh, chúng tôi có tìm được một bạn học ở nước ngoài về chính sách công rất giỏi, giao việc rất tốt, bẵng một thời gian không thấy bạn đâu, hỏi ra mới biết vị trưởng phòng không thích bạn này, nên công việc chính người này được giao là cầm micro cho đại biểu phát biểu trong hội nghị”.

Ông Trần Lưu Quang cho rằng, trong câu chuyện nhân tài đang có hiện tượng bỏ Nhà nước ra đi, có thể cũng không phải chỉ là lương, thu nhập mà là cơ hội thăng tiến, là sự đánh giá, môi trường làm việc…

Và nói như ông Nguyễn Mai Bộ, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, nguyên Phó Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, mấu chốt của việc thu hút nhân tài, là sử dụng chứ không phải sở hữu họ. 

Ông Nguyễn Mai Bộ tâm đắc với quan điểm của triết học Marx-Lenin, đó là cái chung nằm ở cái riêng, chứ không phải cái riêng nằm ở cái chung. Đó là tính cá nhân của riêng từng người, là vốn có của họ, trong đó có những nét của họ chung với tập thể, còn lại là của riêng họ. Tại sao lại không tôn trọng?

Có thể bạn quan tâm

  • Tăng lương - có thành “đập” ngăn “sóng” công chức nghỉ việc?

    04:00, 29/10/2022

  • Công chức nghỉ việc nhìn từ câu chuyện "Tái ông mất ngựa"

    04:00, 29/09/2022

  • Công chức nghỉ việc và chuyện cải cách tiền lương

    05:00, 19/09/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Chảy máu chất xám” trong khu vực công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO