Chế tài xử phạt thao túng giá cổ phiếu còn quá nhẹ?

Lê Mỹ 25/09/2018 05:06

Lại thêm một vụ thao túng giá cổ phiếu qua hàng chục tài khoản do cùng 1 nhà đầu tư thực hiện, có vẻ như chế tài xử phạt đối với hành vi này đang còn quá nhẹ?

Hàng loạt vụ phạt nửa tỷ đồng

Với 32 tài khoản được mở, ông Hoàng Minh Tú, nhà đầu tư tại quận Long Biên - Hà Nội đã liên tục mua bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu của Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Long Thành (nay là Công ty cổ phần Đầu tư HP Việt Nam, mã chứng khoán KDM). Với hành vi này, căn cứ trên kết quả kiểm tra, giám sát, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã phạt vi phạm hành chính 550 triệu đồng với ông Tú.

Trong thời gian vừa qua đã liên tục xảy ra các vụ mua bán, tạo cung cầu giả, thao túng giá cổ phiếu

Đây không phải lần đầu có 1 nhà đầu tư sử dụng cả hàng chục tài khoản để giao dịch và thao túng giá cổ phiếu, mà đã có nhiều vụ phạt vi phạm hành chính với mức tiền nửa tỷ đồng được đưa ra đối với hành vi giao dịch ảo cổ phiếu.

Trước đó vào đầu tháng 9 vừa qua, UBCKNN cũng đã phạt ông Nguyễn Minh Tuấn (Hà Nội) số tiền 550 triệu đồng vì đã sử dụng 2 tài khoản của mình và 36 tài khoản đứng tên người khác mở tại 8 công ty chứng khoán để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư và Tư vấn Hà Long (nay là Công ty cổ phần Halcom Việt Nam, mã chứng khoán: HID).

Giữa tháng 8, UBCKNN đã xử phạt ông Nguyễn Quang Vịnh (Hà Nội) số tiền 550 triệu đồng vì đã sử dụng 12 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo nhằm thao túng cổ phiếu của Công ty Cổ phần Vinaconex 21 (mã chứng khoán V21).

Có thể bạn quan tâm

  • Chặn vấn nạn thao túng giá cổ phiếu

    16:00, 26/08/2018

  • Có hay không hiện tượng thao túng giá cổ phiếu?

    12:30, 22/05/2018

  • Dùng 29 tài khoản tạo cung cầu giả thao túng giá cổ phiếu TNT

    06:10, 03/02/2018

  • AAA: Lợi nhuận giảm 10 tỷ đồng vì tin đồn thao túng giá cổ phiếu

    00:00, 23/01/2011

Trước đó, tháng 5/2018, ông Nguyễn Minh Toàn cũng bị phạt số tiền 550 triệu đồng đối với hành vi tạo giao dịch ảo từ việc sử dụng 1 tài khoản của mình và 21 tài khoản đứng tên người khác mở tại 3 công ty chứng khoán để thao túng cổ phiếu của Công ty cổ phần Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng và Thương mại Việt Nam (Mã chứng khoán: MBG).

Mức phạt tương tự cũng được đưa ra với ông Phan Sỹ Hải, do ông này đã sử dụng 28 tài khoản, trong đó 3 tài khoản đứng tên mình và 25 tài khoản đứng tên người khác để mua, bán, tạo cung cầu giả đối với cổ phiếu của Công ty cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex (mã VMD) vào năm 2017…

Có thể thấy đại đa số các vụ thao túng giá cổ phiếu thời gian gần đây, căn cứ trên kết quả kiểm tra với việc người vi phạm tạo giao dịch ảo qua hàng chục tài khoản, đều được UBCKNN áp phạt theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 3, Khoản 3 Điều 29 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 108/2013/NĐ-CP) được sửa đổi tại Khoản 1 và Khoản 36 Điều 1 Nghị định số 145/2016/NĐ-CP ngày 01/11/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2013/NĐ-CP. Đây cũng là mức phạt nặng nhất đối với hành vi vi phạm hành chính của các nhà đầu tư chứng khoán.

Một điều đáng nói là trong hầu hết các vụ vi phạm bị áp mức phạt hành chính cao nhất như nêu trên, UBCKNN đều khẳng định:"Căn cứ kết quả kiểm tra và các tài liệu có trong hồ sơ, xem xét tính toán số lợi bất hợp pháp từ việc thực hiện hành vi vi phạm cho thấy không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm của …(người vi phạm-PV).

Chế tài chưa thỏa đáng?

Mặc dù kết luận này căn cứ theo đúng quy định Nghị định là hoàn toàn đúng luật, tuy nhiên trao đổi với DĐDN, một chuyên gia Chứng khoán khẳng định: Trên thực tế, cần phải xác định rằng không có hành vi thao túng giá cổ phiếu và tạo cung cầu ảo nào mà không có lợi bất hợp pháp.

Cơ quan quản lý có thể tính toán dòng tiền vào ra tại các tài khoản mà người vi phạm sử dụng để mua bán, tạo cung cầu ảo và thao túng giá, qua đó xác định người vi phạm chưa thu được lợi ích tiền cụ thể. Song, liệu có thể khẳng định những nhà đầu tư khác, có liên quan hoặc không liên quan, cùng nhóm lợi ích thao túng giá cổ phiếu hoặc cùng nhóm mà cơ quan quản lý không “lần” tới được, có lợi ích bất hợp pháp hoặc qua hành vi này bị mất lợi ích hợp pháp hay không?.

Bởi nhà đầu tư dù có giao dịch mua bán với nhiều tài khoản cùng lúc, nhưng không thể chỉ giao dịch một mình. Nhiều nhà đầu tư khác qua đợt cung cầu giả cũng đã tham gia mua bán trong xu thế này. Lợi ích hay mất lợi ích qua đó của họ, hay của chính doanh nghiệp có mã cổ phiếu, liệu có tính hay “trả” được bằng mức phạt vi phạm hành chính?.

Chúng ta hình dung rằng: Trên thị trường, cuộc chơi chứng khoán thường được ví von là có tổng bằng 0 (zero sum game) hay nhiều người hay nói ngắn gọn là tiền từ túi người này chảy vào túi người khác và ngược lại, không bao giờ có chuyện tất cả cùng thắng hay tất cả cùng thua. Chưa kể, nếu xét đúng bản chất của đầu tư cổ phiếu, chứng khoán không hẳn là 1 zero sum game mà là một negative-sum game, nghĩa là tính trung bình, khả năng nhà đầu tư bị mất tiền cao hơn được tiền khi tham gia thị trường.

Cái mất rõ ràng của nhà đầu tư khi tham gia thị trường là nhiều khoản chi phí khác nhau: phí môi giới, phí thông tin, phí chôn vốn, phí cơ hội… Họ càng giao dịch mua - bán nhiều, các chi phí này càng gia tăng. Vậy câu hỏi đặt ra là nếu đã không thắng, không thu được lợi ích bất hợp pháp mà lại còn mất chi phí, tại sao các nhà đầu tư lại phải dày công thao túng giá?.

Đặt ra như vậy để thấy các quyết định phạt về vi phạm hành chính với mức 550 triệu đồng được cho là cao nhất, với những nhà đầu tư thao túng giá trên thị trường, có vẻ là một chế tài chưa thỏa đáng - chưa làm cho các nhà đầu tư khác trên thị trường cẩn trọng và tránh xa, ngay cả từ động cơ, hay ý nghĩ thao túng giá trong “trứng nước”, chuyên gia này nói.

Đồng thuận quan điểm, Tổng giám đốc một công ty chứng khoán không muốn nêu tên cũng cho biết, dĩ nhiên thị trường cũng đã có những vụ khởi tố hình sự hành vi thao túng giá cổ phiếu (như vụ nguyên Giám đốc chi nhánh Hà Nội công ty chứng khoán Ngân hàng Đông Á bị khởi tố về hành vi thao túng, làm giá cổ phiếu của Công ty cổ phần tư vấn thiết kế và phát triển đô thị, mã chứng khoán CDO-PV), nhưng chưa phổ biến. Cùng với đó, ông này cho biết có 1 thống kê ngoài lề bất ngờ mà ông không hiểu tại sao, là phần lớn các nhà đầu tư bị phát hiện có hành vi thao túng giá cổ phiếu thời gian qua đều có địa chỉ ở Hà Nội. "Phải chăng là do ở gần cơ quan kiểm tra giám sát nên việc kiểm tra giám sát dễ phát hiện hơn hay còn nguyên nhân khác"?, ông này đặt câu hỏi.

Xem ra, với tình trạng các vụ thao túng giá cổ phiếu trên thị trường liên tục diễn ra như hiện nay, thì việc phạt hành chính chỉ nửa tỷ đồng đối với các nhà đầu tư gây nhiễu loạn và làm giảm tính minh bạch, suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư chân chính trên thị trường, dù là áp chế tài chiếu theo quy định, vẫn chưa thể đủ ngăn ngừa nguy cơ vi phạm. Phải chăng đã đến lúc cần xử lý hình sự thêm nhiều vụ thao túng giá cổ phiếu, như vụ nguyên Giám đốc Chi nhánh Hà Nội Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á, thì mới đủ sức răn đe, ngăn chặn hành vi này?

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chế tài xử phạt thao túng giá cổ phiếu còn quá nhẹ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO