Thực tế hiện nay, cứ 10 mớ rau sạch hay 10 kg thị lợn sạch chỉ có khoảng 10% “chen được chân” trên kệ siêu thị.
>>Doanh nghiệp thủy sản lao đao vì bị "ép" chiết khấu
Sự ra đời của nghị định 109CP/2018 và quyết định 185QD-TTD của Chính phủ tháng 6/2020 đã mở ra một chương mới cho sự phát triển các sản phẩm hữu cơ ở Việt Nam.
Từ năm 2017 mới chỉ có 76.000 ha đến cuối năm nay đã có 490.000 ha được trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ, năm 2018 mới có 13 tỉnh thành có sản phẩm hữu cơ thì đến năm nay con số đã phát triển thành 43 tỉnh, thành.
Điều đó cho thấy, từ những định hướng của nhà nước đến các chính sách cho sự phát triển một cách đúng đắn kịp thời, các sản phẩm hữu cơ sẽ được phát triển nhanh và bền vững với quy mô ngày càng lớn hơn để phục vụ cho thị trường nội địa và xuất khẩu.
Tuy nhiên, nếu chúng ta khuyến khích các sản phẩm hữu cơ với quy mô ngày càng lớn hơn thì điều kiện cần và đủ là phải luôn luôn gắn với sức mua của thị trường và sự liên kết chặt chẽ có trách nhiệm và làm ăn tử tế của hệ thống phân phối trong cả nước.
Quan sát trên thị trường cho thấy, kênh tiêu thụ chủ yếu hiện nay các sản phẩm hữu cơ là ở các siêu thị, TTTM và các cửa hàng chuyên doanh.
Còn kênh truyền thống là chợ và các cửa hàng lẻ tuy đảm nhiệm đến 85% những mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu cho thị trường tiêu dùng xã hội thì lại vắng bóng các sản phẩm hữu cơ.
Chúng ta mong muốn các sản phẩm được sản xuất ra tiêu thụ nhiều hơn ở kênh thương mại hiện đại, nơi có điều kiện bảo quản hàng hóa tốt hơn ở chợ và là nơi hỗ trợ việc xây dựng thương hiệu các sản phẩm hữu cơ của Việt Nam nhưng mới chỉ đảm nhiệm 15% các sản phẩm này.
Nhưng điều cần nói ở đây là những trục trặc không đáng có thậm chí đáng phê phán hiện nay của 1 số chuỗi siêu thị có thế mạnh trên thị trường Việt Nam. Khi giao dịch với các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân có sản phẩm hữu cơ muốn gửi bán tại các điểm bán lẻ hiện đại.
Câu chuyện ép chiết khấu cao vô lý trung bình từ 20-30 phần trăm của 1 số nhóm siêu thị, cộng với các chi phí phát sinh vô lý và quá mức khác mà siêu thị đơn phương đưa ra buộc các nhà sản xuất hầu hết phải chấp nhận, chỉ vì họ muốn có chỗ đứng tại quầy hàng và xây dựng thương hiệu của sản phẩm làm ra trên thị trường.
Thực tế hiện nay, cứ 10 mớ rau sạch hay 10 kg thị lợn sạch và những sản phẩm hữu cơ khác làm ra chỉ có khoảng 10% “chen được chân” trên kệ siêu thị, 90% còn lại phải bán vội ra thị trường tự do, từ đó dẫn tới nhà sản xuất bị giảm sút lợi nhuận chỉ vì không đáp ứng được những yêu cầu của 1 nhóm siêu thị.
Ngoài ra, còn phải kể đến việc chiếm dụng vốn khi hàng đã bán xong 1-2 tháng mà họ chưa được kịp thời thanh toán theo hợp đồng đã kí. Như chủ tịch tổng hội nông nghiệp Việt Nam Hồ Xuân Hùng từng nói: “Chúng ta chăm chút cho khâu sản xuất, nhưng khâu trung gian và khâu bán lẻ đã hưởng lợi nhuận quá lớn và vô lý”.
Còn nói như Vụ phó ngành thuế: “Gửi hàng vào Big C chiết khâu cứng 20%, chiết khấu mềm 10% là sự động trời của kinh tế thương mại Việt Nam”.
>>Đằng sau thỏa thuận chiết khấu đến 50% với Big C
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, ông Nicolas Warnery thì bình luận: “Chúng tôi giúp Việt Nam mở các chợ đầu mối nông sản thực phẩm nhằm 2 mục đích. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và điều chỉnh lại việc phân phối lợi nhuận chưa hợp lý trong chuỗi sản xuất phân phối ở Việt Nam hiện nay, thua thiệt chủ yếu thuộc về nhà sản xuất”.
Dẫn ra những tình hình trên và ý kiến của các nhà lãnh đạo, các chuyên gia trong và ngoài nước để thấy rằng, nếu sản xuất hàng hóa nói chung và nông sản thực phẩm hữu cơ nói riêng dù có phát triển dồi dào đến đâu đi chăng nữa, nhưng nếu không giải được bài toán đầu ra của những sản phẩm này thì sẽ làm thui chột ý chí của nhà sản xuất.
Chính vì vậy cần chấn chỉnh và tổ chức lại hệ thống phân phối bao gồm cả chợ và các siêu thị sao cho bán lẻ nội địa phải mở rộng cửa một cách thuận lợi cho hàng hóa Việt tiếp cận với hệ thống phân phối để phục vụ cho thị trường tiêu dùng. Thiết lập sớm các chợ đầu mối vùng.
Trong đó có các sàn giao dịch hàng hóa trực tiếp và các sàn giao dịch điên tử, xây dựng các chuỗi cung ứng ngắn đưa hàng hóa đi thẳng từ nơi sản xuất đến tiêu dùng lẻ, khi thực hiện những phương thức tiên tiến trên trong quan hệ mua bán sản phẩm nói chung trong đó có nông sản thực phẩm hữu cơ nhằm đảm bảo mua bán công khai minh bạch.
Không ép cấp, ép giá, lợi nhuận trong chuỗi sản xuất được phan phối lại 1 cách hợp lý hơn, đảm bảo cho các nhà sản xuất sản phẩm hữu cơ có lợi nhuận hợp lý để phát triển nhanh và bền vững.
Điều này không có gì là mới khi các nước phát triển đi trước chúng ta đã làm cách đây hàng chục năm. Để kết luận về vấn đề này, chúng ta có thể khẳng định rằng các sản phẩm hữu cơ phát triển phải luôn luôn gắn chặt với hệ thống phân phối quốc gia.
Nhà sản xuất và nhà phần phối cùng nhau chia sẻ, làm ăn tử tế, có trách nhiệm góp phần phát triển 1 ngành kinh tế nông nghiệp nhanh và bền vững cho hiện nay và mãi về sau.
Góp phần vào việc phát triển một nền kinh tế nông nghiệp tiên tiến, hiệu quả, thực sự khuyến khích sản xuất sạch, phát triển đồng thời đưa các sản phẩm đó phục vụ cho người tiêu dùng.
Có thể bạn quan tâm