LTS: Tàu công suất lớn ra khơi với bao tai ương rập rình ngoài biển. Nhưng ngư dân vẫn can trường bám biển bảo vệ chủ quyền vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Vì vậy, cần lắm những chính sách hỗ trợ...
Hàng trăm ngư dân tôi gặp dọc dài theo bờ biển miền Trung gọi nghề biển giả chênh vênh như đi trên dây. Bởi giữa đại dương mênh mông rập rình bao tai nạn. Những con cá con tôm đều đổi bằng mồ hôi chát mặn nước biển và thậm chí cả mạng sống của mình.
Rập rình tai nạn giữa trùng dương
Nhiều đêm ngồi cùng ngư dân trên bờ ngóng vọng ra biển Hoàng Sa-Trường Sa. Nơi ấy, bao đời những con tàu bé nhỏ rẽ sóng ra khơi trở về chở đầy cá tôm. Còn bây giờ, những con tàu to 1.200 CV hàng tháng trời trên biển Hoàng Sa trở về với một ít cá tôm không đủ phí tổn dầu và trả lương cho bạn đi biển.
Để kiếm miếng ăn nuôi vợ con trên bờ và bảo vệ ngư trường truyền thống của cha ông hàng mấy trăm năm nay ở Hoàng Sa - Trường Sa, nhiều ngư dân can trường bán tàu nhỏ, sắm tàu to vượt sóng ra khơi đương đầu với bão tố cuồng phong và tàu Trung Quốc quấy phá ngày đêm. Trong đêm trắng nơi làng Gành Cả, thôn Châu Thuận, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn cùng 6 thuyền viên đi trên con tàu Qng 90499TS 800 CV bị hư hỏng máy trôi dạt 10 ngày trên biển Hoàng Sa được lực lượng Cảnh sát biển vùng 2 cứu nạn thoát chết trở về bảo rằng nghề đi biển bây giờ bất trắc hiểm nguy rập rình giữa trùng khơi không biết đâu mà lần.
Có thể bạn quan tâm
05:30, 11/04/2019
11:05, 20/09/2018
"Hồi xưa biển đầy tôm cá, ra biển chỉ lo bão tố cuồng phong nhưng đánh bắt gần bờ. Còn bây giờ cá tôm gần bờ cạn kiệt phải đóng tàu lớn vươn khơi xa. Để lặn bắt được con tôm con cá ở biển Hoàng Sa đã trả giá bằng cả mạng sống. Chuyện bị “tàu lạ” cướp phá, đánh đập, rượt đuổi diễn ra bất cứ lúc nào. Mỗi con cá, con tôm đánh bắt nơi biển Hoàng Sa đong đầy nước mắt và máu của bà con ngư dân. Thế mà…"-Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn thở dài.
Thuyền trưởng Tuấn bỏ lửng câu chuyện bởi nỗi lòng của ngư dân như anh hơn 30 năm bám biển Hoàng Sa - Trường Sa với bao lần thoát chết trong gan tấc giữa bão Chan Chu và sự truy lùng rượt đuổi của tàu Trung Quốc nơi trùng khơi mới thấm hết vị mặn chát của mồ hôi, nước mắt và máu.
Những chuyến tàu ra khơi là một thứ không thể thiếu trong suốt hành trình mưu sinh của ngư dân. Vị mặn mòi của biển cả cùng sự chịu thương, chịu khó của ngư dân đã tạo nên nét riêng cho những người con của biển.
"Để đánh bắt được con tôm, con cá đã khổ ải trần ai. Đưa được cá tôm vào bờ lại bị tư thương ép giá. Cái điệp khúc được giá mất mùa, được mùa mất giá đã khiến bà con ngư dân điêu đứng. Nhiều chuyến biển vừa đủ phí tổn, may lắm kiếm được ít mua gạo nuôi vợ con trên bờ. Nếu bị “tàu lạ” bắt giữ, cướp phá coi như trắng tay" - Anh Tuấn tâm sự.
Con tàu 120 CV cũ kỹ già nua không chịu nổi những chuyến biển xa bờ nên đánh bán và vay mượn mua mới con tàu vỏ gỗ cũ công suất 800 CV về sửa sang sắm thêm ngư lưới cụ hơn 7 tỷ đồng. Mà như lời anh Tuấn bảo là để anh em bạn tàu đỡ lo sóng gió. Nhưng đi được mấy chuyến biển thì máy tàu trở chứng hư hỏng trôi dạt trên biển hơn 10 ngày.
"Nếu không được lực lượng Cảnh sát biển 2 cứu đưa vào bờ chắc bây chừ tàu chìm, anh em tui bỏ mạng giữa biển Hoàng Sa"-Anh Tuấn đưa tay chỉ con tàu vừa được tàu Cảnh sát biển 2 giúp kéo vào bờ đang sửa chữa. Khi tàu vừa sửa xong thì biển động, “tàu lạ” quấy phá nên chưa thể ra khơi.
Không chỉ tàu anh Tuấn gặp nạn, hàng trăm tàu cá khác gặp nạn, bị “tàu lạ” rượt đuổi, cướp phá. Mới đây, vào hôm 2/10, tàu cá QNa-90569 hành nghề lưới vây do ngư dân Phan Bá Tín (thôn An Hải Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) làm thuyền trưởng được tàu cá QNa-91636 của ngư dân Nguyễn Thanh Thành (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang) lai dắt về bờ an toàn.
Ngồi nhìn con tàu tả tơi trở về, ông Tín kể trong nước mắt. Đó là tai nạn xảy ra khi đang đánh bắt vào tối 25/9 con tàu bị gãy trục lắp và tự thả trôi ở khu vực đảo Bạch Quy (quần đảo Hoàng Sa) thuộc vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
"Cả 12 thuyền viên trên con tàu bị nạn thả trôi và tàu nước ngoài 2 lần tiếp cận nhưng không cứu tàu bị nạn mà dùng vũ lực bắt ép thuyền viên trên tàu ký vào biên bản đã xâm phạm vùng biển của Trung Quốc để đánh bắt hải sản trái phép. Đây là vùng biển truyền thống bao đời của ngư dân Quảng Nam - Quảng Ngãi mà họ ngang ngược như vậy" - ông Tín kể.
Rất may, hệ thống liên lạc tầm xa còn hoạt động, ông Tín kết nối, thông báo tình trạng của tàu về Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà (xã Tam Quang) báo cáo và xin được cứu nạn. Ngay lập tức, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Bộ chỉ huy Biên phòng Quảng Nam đã báo cáo và phát tín hiệu cứu nạn khẩn cấp và đã đưa được tàu bị nạn vào bờ an toàn sau đó 1 tuần.
Trắng tay khi vào bờ
Cũng giống hoàn cảnh anh Tuấn, nhiều chủ tàu cá ở Quảng Nam cùng có chung nỗi lo khi tàu nằm bờ. Nếu bình yên thì cố chịu đói chờ trời yên biển lặng ra khơi. Nhưng tai nạn thì luôn rập rình. Nhiều chủ tàu cá ở Quảng Nam trắng tay vì cháy tàu, hàng chục tỷ đồng đầu tư tan theo mây khói.
Ngày 26/9, tàu QNa - 91289 do ông Nguyễn Tấn Vinh (thôn Hòa An, xã Tam Giang, Núi Thành) làm thuyền trưởng đã bị cháy khi đang hành nghề chụp mực tại vùng biển cách mũi An Hòa 85 hải lý về hướng đông đông nam. Tàu cá bị chìm ngay sau đó, toàn bộ 6 ngư dân trên tàu may mắn được ngư dân Đặng Thanh Yên (ở thôn Hòa An) điều tàu cá đến ứng cứu kịp thời.
Không chỉ tàu ông Vinh gặp nạn cháy tàu khi đang đánh bắt mà hàng loạt tàu cá sau chuyến biển trở về neo đậu trong cảng cũng bị cháy rụi. Ngư dân Nguyễn Đình Hiệp (55 tuổi) trú tại thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) vẫn chưa hết bàng hoàng kể từ khi xảy ra vụ cháy tàu câu mực QNg 90972 TS cách đây gần 1 tháng.
Kể từ ngày xảy ra vụ cháy tàu ông không dám ra khỏi nhà. Bởi như lời ông kể là nỗi ám ảnh khi ngọn lửa bao trùm thiêu rụi con tàu 900 CV, dài 24 m, rộng 7,2 m mà ông giành dụm cả đời và vay mượn để đóng mới với khát vọng vươn khơi xa giờ đây đã thành tro bụi nơi cửa biển Sa Cần, Quảng Ngãi.
“Tàu mới đóng đi được 2 chuyến biển trong năm, tính toán phí tổn và trả công cho bạn tàu xong còn lại được 200 triệu. Dự kiến đưa tàu lên đà sửa chữa để chuẩn bị ra khơi với hy vọng chuyến cuối trong năm khấm khá, cho anh em bạn ăn tết. Chuẩn bị dầu, lương thực, thực phẩm, tui nổ máy đợi anh em ra bến là đi. Ai ngờ điện xẹt ra. Cháy rụi may tui thoát ra ngoài đứng nhìn ngọn lửa mà vô vọng…”- ông Hiệp kể trong nước mắt.
Trong nước mắt, bà Trần Thị Thường (50 tuổi) vợ ông Hiệp lắc đầu bảo bây giờ vợ chồng tui trắng tay, nợ vay ngân hàng không biết chi trả. Hơn 30 năm làm thuê trên biển nuôi 4 đứa con ăn học, mơ sắm được con tàu. Khi sắm được tàu riêng thì nó thành tro bụi trong tích tắc. Ông Hiệp đưa tôi ra nơi con tàu cháy nơi cửa biển Sa Cần bảo toàn bộ hơn 5 tỷ đồng đầu tư vô con tàu. Đó là chưa kể phí tổn nhiên liệu, lương thực và tiền tạm ứng cho 44 bạn đi tàu (từ 10 - 50 triệu đồng/người), tổng cộng khoảng 2 tỉ đồng nữa bây giờ biến thành tro bụi chỉ trong vài giờ sau 30 năm tích góp.
Không chỉ ông Hiệp, anh Tuấn, ông Vinh, mà hàng trăm chủ tàu khác dọc dài theo vùng biển miền Trung đã và đang lâm vào cảnh nợ nần bởi tai ương bất trắc rập rình trên những con tàu từ bờ ra biển. Mà nói như nhiều ngư dân: Nghề biển giả mà anh!
Kỳ 2: Giải pháp nào cho ngư dân?