Việc tặng quà mới được thông qua ngày 28/2, dù chưa được đấu thầu, nhưng lãnh đạo TP Hải Phòng đã biết được chất lượng bộ ấm chén là hàng Việt Nam rất đẹp, mua rẻ hơn ngoài thị trường.
Như DĐDN đã đưa tin, nhân kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng Hải Phòng, UBND TP đề xuất chi 269 tỷ đồng mua quà tặng cho toàn bộ hơn 580.000 hộ dân của thành phố.
Theo thông tin được công bố chiều ngày 28/2, thì quà tặng trị giá không quá 500.0000 đồng/suất/hộ bao gồm một bộ ấm chén và một lá cờ Tổ quốc cho mỗi hộ gia đình có đăng ký hộ khẩu thường trú tại Hải Phòng và đang sinh sống ở thành phố theo số liệu thống kê tính đến hết ngày 31/3/2020.
Thời gian tặng quà bắt đầu từ tháng 5/2020 và hoàn thành trong tháng 6. Riêng cờ Tổ quốc sẽ hoàn thành trao tặng trước ngày 13/5.
Quyết định chi 269 tỷ đồng để mua ấm chén và cờ tặng cho dân đã gây băn khoăn, lo lắng cho nhiều người dân.
Nhiều ý kiến cho rằng nếu dùng số tiền đó để tặng cho người nghèo, người bệnh, xây dựng các công trình phúc lợi, hoặc các công trình văn hóa sẽ có ý nghĩa hơn bởi ấm chén và cờ hầu như nhà nào cũng có, thậm chí ấm chén có dến vài bộ, còn cờ thì cũng vài chiếc.
Có thể bạn quan tâm
20:11, 03/03/2020
09:51, 29/02/2020
20:10, 28/02/2020
Trước ý kiến cho rằng việc chi tiền như trên là "lãng phí, không cần thiết"..., ngày 3/3, ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết, việc tặng quà cho mỗi gia đình một bộ ấm chén và lá cờ dịp kỷ niệm 65 năm giải phóng Hải Phòng là xuất phát từ người dân, vì người dân.
"Món quà nhỏ sẽ trở thành kỷ vật, không thể đem quy đổi thành tiền", ông Bình nói.
Theo lãnh đạo thành phố Hải Phòng, trong một gia đình đôi khi vợ chồng còn có ý kiến khác nhau, nên với thành phố 2,1 triệu dân thì quan điểm trái chiều là bình thường. Tuy nhiên, điều quan trọng là việc tặng quà được sự đồng thuận của đông đảo các tầng lớp nhân dân, thành phố sẽ không vì một vài ý kiến cá nhân làm ảnh hưởng đến công việc chung.
"Để đi đến quyết định trên, thành phố đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng, lắng nghe các ý kiến từ cơ sở", ông Bình khẳng định.
Để khách quan hơn trong việc này, tại cuộc họp ngày 3/3, UBND thành phố Hải Phòng cho biết đã giao cho Sở Lao động Thương binh và Xã hội thực hiện đấu thầu công khai để lựa chọn đơn vị cung cấp ấm chén và cờ Tổ quốc.
Ông Nguyễn Bách Phái - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Hải Phòng khẳng định: Sẽ không có chuyện chỉ định thầu. Việc mua quà tặng sẽ được tổ chức đấu thầu công khai rộng rãi. Sở này đang xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu để thành phố phê duyệt sau đó tổ chức đầu thầu.
Tuy nhiên, điều mà dư luận băn khoăn ở đây đó là, việc tặng quà mới được thông qua ngày 28/2, thế nhưng ngày 3/3 (khi chưa tổ chức đấu thầu công khai) thì lãnh đạo thành phố Hải Phòng dường như đã biết bộ ấm chén là hàng Việt Nam rất đẹp và mua rẻ hơn ngoài thị trường.
“Theo báo cáo bước đầu, mặt hàng đó (tức bộ ấm chén) người ta bán ở thị trường là khoảng 700.000 - 800.000 đồng/bộ, nhưng chúng tôi thương thảo giá giảm chỉ còn hơn 50%. Việc này sẽ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đấu thầu công khai, rộng rãi, khách quan để lựa chọn nhà cung cấp”, ông Nguyễn Xuân Bình nói.
Còn ông ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng thì giải thích: “Tặng quà để kỷ niệm ngày Hải Phòng giải phóng mà trao bằng tiền thì còn gì là ý nghĩa? Nói là 269 tỉ đồng nhưng mỗi suất chỉ có chưa đầy 500.000 đồng. Bộ ấm chén sẽ là hàng Việt Nam chất lượng cao, rất đẹp, nếu không dùng thì có thể trưng bày. Hàng được đặt riêng, giá thị trường khoảng 700.000 đồng, nhưng vì Hải Phòng mua nhiều nên còn khoảng 400.000 đồng”.
Có thể thấy, việc chưa đấu thầu công khai, chưa có kết quả đơn vị nào sẽ cung cấp quà tặng, nhưng lãnh đạo Hải Phòng đã “bật mí” đó là hàng Việt Nam chất lượng cao, rồi thương thảo để… giảm giá chỉ còn hơn 50% đã khiến dư luận băn khoăn đặt câu hỏi: Liệu có hay không việc thành phố Hải Phòng đã “chọn mặt gửi vàng” đơn vị cung cấp ấm chén cho thành phố? Việc đấu thầu công khai sắp tới có thật sự minh bạch hay chỉ mang tính hình thức vì đơn vị trúng thầu đã được "chỉ định" trước?
Và, nếu lãnh đạo cho rằng việc tặng quà được sự đồng thuận của đông đảo các tầng lớp nhân dân, vậy thành phố Hải Phòng đã lấy ý kiến người dân về quà tặng này chưa? Nếu có thì tại sao không công khai ý kiến của dân? Vì sao nhiều người dân lại phản đối việc tặng quà, thậm chí có người đã làm đơn xin không nhận quà?
Hãy cùng đọc lá đơn từ chối nhận quà của ông Hoàng Đức Hiệp Long (tên thường gọi Hoàng Long) là một doanh nhân trên địa bàn Quận Ngô Quyền để thấy, vì sao người dân phản đối việc tặng quà quá lãng phí của thành phố Hải Phòng.
Trong đơn, ông Hoàng Đức Hiệp Long viết:
“Là một người con được sinh ra, lớn lên và có nhiều tâm huyết với thành phố cảng, tôi biết khi viết lá đơn này sẽ làm một số người anh em, bạn hữu thân sơ sẽ không vui. Nhưng vì cái chung, tôi xin có mấy quan điểm sau:
Số tiền trên trong thời điểm khó khăn do đại dịch COVID-19 là quá khủng. 269 tỷ lúc này là rất lớn, nó sẽ giúp phòng ngừa dịch bệnh và xây dựng thêm được nhiều khu cách ly nếu như dịch nạn bùng phát.
269 tỷ sẽ xây được rất nhiều công trình phúc lợi xã hội cho người dân như trại trẻ mồ côi, cơ sở nuôi dưỡng người lang thang, người khuyết tật, người già không nơi nương tựa.
269 tỷ sẽ giúp hoàn thành nốt nhiều dự án treo hàng chục năm qua còn dang dở chỉ vì thiếu kinh phí, làm ảnh hưởng đến bao hộ dân phải sống trong cảnh tạm bợ, dở khóc dở cười.
269 tỷ sẽ giúp làm đẹp thêm nhiều con đường đã hư hỏng hàng chục năm nay như đường Đông Khê (đoạn đi vào đường An Đà) ảnh hưởng đến hàng ngàn người qua lại mỗi ngày.
269 tỷ đồng được đầu tư đúng hướng sẽ kích cầu nền kinh tế thu lợi đươc hàng ngàn tỷ và tạo ra hàng vạn công ăn việc làm cho xã hội.
Tôi thiết nghĩ, bất kỳ gia đình nào dù nghèo nhất thì họ cũng đã có cờ để treo và ấm chén để uống trà.
Dẫu biết rằng thành phố cũng có ý tốt là để tri ân đến từng người dân và doanh nghiệp đã miệt mài đóng thuế suốt thời gian qua, nhưng cái gì đem lại lợi ích thiết thực cho dân và xã hội thì ta hãy làm.
Nay tôi viết đơn này xin trả lại món quà thành phố dự kiến tặng gồm cờ và ấm chén. Số tiền 500 ngàn đồng mà thành phố chi tiền mua quà tặng gia đình tôi, nay tôi đề nghị thành phố nộp trả lại ngân sách để hỗ trợ cho người nghèo, người khuyết tật, người già không nơi nương tựa và làm nhiều việc khác thiết thực và có ý nghĩa hơn".
Đơn của ông Hoàng Đức Hiệp Long đã phần nào nói lên tiếng nói của người dân. Và nếu chưa tin đó là sự thật, xin lãnh đạo thành phố Hải Phòng hãy gặp gỡ, trò chuyện trực tiếp với người dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ. Hay có một cách nhanh hơn, đơn giản hơn, đó là lên các trang mạng xã hội, đọc những comment bình luận của người dân về vấn đề này.
Thiết nghĩ, trong lúc đó việc đấu thầu mua quà tặng chưa diễn ra, thành phố cũng chưa "xuất tiền" mua quà tặng, ngay lúc này đây, lãnh đạo Hải Phòng cần bình tĩnh, lắng nghe ý kiến của người dân. Nếu cần thiết, có thể làm phiếu thăm dò ý kiến người dân về hai món quà tặng là ấm chén và cờ. Sau khi thu nhập được những ý kiến phản hồi, nếu thấy lòng dân đồng thuận việc tặng quà, hãy tặng quà cho dân như đã quyết định. Ngược lại, nếu lòng dân không đồng thuận, có thể điều chỉnh lại quyết định cho phù hợp hơn.
Còn nếu trong trường hợp thành phố "đã quyết", tức là không thể thay đổi được, rất mong rằng việc mua quà tặng sẽ được thực hiện công khai, minh bạch đúng như những gì ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hải Phòng khẳng định: “Không cho phép bất cứ ai được làm thất thoát một đồng xu, cắc bạc của ngân sách, của người dân thành phố vào việc khác”.